Những liệt sĩ ngã xuống, nhật ký của họ truyền lửa tới mai sau

Những trang nhật ký lưu giữ tâm hồn của một thế hệ cha anh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trở thành nguồn tư liệu quý báu, một di sản phi vật thể lưu lại thế hệ sau.

Năm 2005, Nhật ký Đặng Thùy Trâm do NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam phát hành, trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm. Hai cuốn nhật ký mà Đặng Thùy Trâm viết tại chiến trường ác liệt được những lính Mỹ lưu giữ trong 30 năm, trước khi đưa về quê hương. Sau khi được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập, hai cuốn nhật ký được xuất bản thành sách.

Tới nay, những trang nhật ký mà cô gái ngoài 20 tuổi viết cho riêng mình đã được hàng triệu người đọc. Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được xuất bản tiếng Anh với tên Last night, I dreamed of peace (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình), được dịch ra các thứ tiếng như: Hàn Quốc, Anh, Thái Lan, Romania…

Những trang nhật ký mang vết đạn

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một trong rất nhiều cuốn nhật ký mà những người lính tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc viết ra tại chiến trường ác liệt.

Nhiều người trong số họ đã hy sinh tại chiến trường, một số trở về, chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh. Nhưng, những trang viết của họ tiếp tục truyền lửa tới mai sau.

 Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam.

Trong 16 năm qua, một nhóm nhà văn và cựu chiến binh đã phát động cuộc vận động sưu tầm "Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam". Có nhiều tác phẩm ra đời như Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tài hoa ra trận, Trở về trong giấc mơ

Bên cạnh những cuốn sách lẻ, mới đây, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam được NXB Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp quỹ Mãi mãi tuổi 20 và câu lạc bộ Trái tim người lính xuất bản.

Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang, được hình thành từ 31 nhật ký của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, viết trong thời gian tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.

Nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng - chủ biên tác phẩm - kể trong 16 năm đi lại khắp miền Tổ quốc sưu tầm kỷ vật thực hiện bộ sách, ông chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động.

Khi biết một bà mẹ lưu giữ những trang viết của con đã hy sinh trong chiến trường, nhóm sưu tầm đã liên hệ. Người mẹ ngần ngại mãi, phải đến lần thứ ba nhóm liên hệ, bà mới trao những trang giấy.

Bà thắp hương, khấn vái xong mới lấy di vật của con trai trên bàn thờ xuống trao. Con bà không có ảnh, nên phải đặt những trang con viết lên thờ. Biết mình không sống bao lâu nữa, bà mới trao kỷ vật thiêng liêng.

Mỗi cuốn nhật ký lại có một câu chuyện, số phận riêng. Khi đến tay người biên soạn, đó có thể là những trang giấy vương máu, những trang viết ố, nhòe thấm mồ hôi, mưa nắng của người chiến sĩ. Có những cuốn mang lỗ thủng mảnh bom, có những nhật ký chỉ lưu được một phần, nhiều đoạn rách, cháy…

Bởi vậy, khi đọc bộ sách, độc giả sẽ thấy những chỗ người biên soạn để trống với chú thích “bị mất chữ”. Dù những chiến sĩ đã hy sinh, những trang viết bị mất chữ, tinh thần, ý chí của họ vẫn còn nguyên vẹn, thể hiện sống động qua những trang nhật ký.

Ảnh liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mặt sau viết về sự hy sinh của chị, được người lính Khương Thế Hưng lưu giữ như kỷ vật. Ảnh tư liệu.

Lý tưởng của một thế hệ

Những trang nhật ký trong bộ sách có thể chia làm hai kiểu. Một kiểu nhật ký ghi lại những sự việc đã diễn ra, và một kiểu ghi lại những suy nghĩ, tâm tình của người viết.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có vô vàn giáo viên, sinh viên, bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ… tham gia bảo vệ Tổ quốc. Họ được gọi là thế hệ “tài hoa ra trận”. Do vậy, có những trang nhật ký chiến trường đầy lý tưởng.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (hy sinh tại Quảng Trị năm 1972) có hai cuốn nhật ký. Một cuốn trên đường hành quân lưu lại những suy nghĩ của một sinh viên rời giảng đường trên đường hành quân; một cuốn anh viết khi vào chiến trường, nhưng bom đạn đã làm cháy.

Cuốn nhật ký trên đường vào trận, được xuất bản thành sách nổi tiếng Mãi mãi tuổi 20, có đoạn viết: “Ai ra đi cũng với lòng say lý tưởng, và nhẹ nhẹ bên trong là chút ước mơ. Buổi gác đầu tiên là đêm trăng sáng, là bài thơ, là một trang nhật ký. Sung sướng và hãnh diện biết bao, ơi xóm làng yêu quý, ngủ yên, ngủ yên, có anh bộ đội thức canh trời”.

Còn bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tại chiến trường Quảng Ngãi, cũng viết những trang nhật ký, trong đó khẳng định lý tưởng sẽ hy sinh vì dân tộc.

Trang nhật ký mà “chị Thùy” viết vào ngày sinh nhật ba (14/7/1969) có đoạn: “Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc”.

Nhật ký của người lính Nguyễn Văn Thân. Ảnh: ĐVH.

Những trận đánh dữ dội

Có những cuốn nhật ký tác giả ghi lại sự việc diễn ra trong ngày. Do đó, các trang viết riêng tư xưa, khi được xuất bản trở thành nguồn tư liệu sống động về người lính chiến đấu nơi chiến trường.

Nhật ký Gửi lại mai sau của liệt sĩ công an Nguyễn Hải Trường viết ngày 25/2/1965 có đoạn: “Hàng năm, trời lăn lộn với các địa bàn trong các trận chống biệt kích, gián điệp. Nhiều đêm thức trắng giữa núi rừng Kỳ Sơn tiễu phỉ, lúc nào cũng tỏ ra một sĩ quan tham mưu tháo vát, được cấp trên tín nhiệm tin tưởng…”.

Nhật ký của người lính pháo thủ Nguyễn Văn Thân (người thương binh trở về, qua đời năm 2001) ghi lại chân thực những trận đánh, sự hy sinh của đồng đội mà ông trải qua.

Nhật ký ngày 7/3/1967 của ông có đoạn miêu tả sự chiến đấu anh dũng: “Đêm hôm qua, Trung đoàn 84 của mình đã có một trận đánh dữ đội vào căn cứ 241 của quân Mỹ. Nghe nói, đây là trận tập kích hỏa lực lớn đầu tiên của lực lượng pháo binh ta vừa vào chiến trường, có sự phối hợp của nhiều loại vũ khí: ĐKB, H6 dàn, H6 ống, cối 120, cối 82...”.

Trang nhật ký mờ nhòe của liệt sĩ Hải Trường.

Có những đoạn ghi lại đời sống gian khổ của người lính: “Hôm nay, mình đi về lấy ba lô cho anh em cách trận địa 13 km, vì tưởng đánh một đêm xong rút, nhưng đã 4-5 hôm nay chờ đợi. Bấy nhiêu ngày không rửa mặt, không rửa chân tay, ăn cơm nắm nhạt. Bẩn thỉu đến tuyệt đối, đến cực độ. Lúc không thể ngờ được là chân tay bẩn thỉu vày đất, vày cát thế mà cứ vồ cơm nắm ăn”.

Trong một trận Mỹ ném bom, đồng đội của chiến sĩ Nguyễn Văn Thân hy sinh nhiều. Trang viết của ông cho thấy sự khốc liệt của chiến trường: “Đẹt... đoàng... đoàng, tiếng nổ nghe khô đét phũ phàng, tôi chưa kịp trấn tĩnh thì lại đoàng... đoàng..., mảnh đạn vù vù rợn tóc gáy. Đất, cát, cây đổ cả trên người”.

Còn biết bao trang viết, biết bao tâm sư được thể hiện trong nhật ký. Ngoài giờ phút chiến đấu kiên cường, đời sống vượt qua thiếu thốn, gian khổ, ngoài trận mạc khốc liệt, còn là những phút giây nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người thương.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam mang giá trị lớn lao, mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy.

Nguyễn Quang Thiều lý giải: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc".

"Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho rằng bộ Nhật ký thời chiến Việt Nam như một tượng dài di sản phi vật thể. Nơi đó, những anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn tâm hồn mình cho thế hệ mai sau.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-liet-si-nga-xuong-nhat-ky-cua-ho-truyen-lua-toi-mai-sau-post1111742.html