Những lễ hội lớn trên cả nước không thể bỏ qua dịp đầu năm mới Kỷ Hợi

Đầu năm mới, trên khắp cả nước diễn ra nhiều lễ hội lớn hứa hẹn mang lại không khí vui tươi, đậm chất văn hóa truyền thống.

Lễ hội khai ấn tại Đền Trần (Nam Định): Lễ hội khai ấn đền Trần từ lâu luôn là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm trên cả nước. Do vậy, không phải nói người ta cũng biết sức hút của lễ hội này đối với tất cả mọi người lớn đến thế nào. Lễ hội được diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng hàng năm.

 Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) là một lễ hội rất nổi tiếng dịp đầu năm mới và luôn thu hút rất đông người tham gia.

Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) là một lễ hội rất nổi tiếng dịp đầu năm mới và luôn thu hút rất đông người tham gia.

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh): Được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch hàng năm, lễ hội Yên Tử luôn là một trong những lễ hội thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách.

Lễ hội chùa Keo (Thái Bình): Chùa Kèo là một trong những cổ tự nổi tiếng ở Việt Nam, gây ấn tượng với du khách bởi công trình nghệ thuật Gác Chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Nơi đây thờ thiền sư Không Lộ, người có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư.

Lễ hội chùa Keo diễn ra ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được diễn ra, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến hoạt động du thuyền hát giao duyên và thi hát văn hấp dẫn.

Lễ hội chợ Viềng - Nam Định: Lễ hội chợ Viềng diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng Giêng hàng năm, du khách các nơi đã bắt đầu nườm nượp đổ về đây để trẩy hội.

Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may. Người ta tin tưởng rằng, tới tham gia lễ hội này dịp đầu năm sẽ có thể mang lại may mắn cho cả gia đình.

Bên cạnh Lễ hội khai ấn đền Trần thì Lễ hội chợ Viềng cũng là một lễ hội nổi tiếng diễn ra ở Nam Định dịp đầu năm mới.

Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh): Được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh). Dịp đầu năm nơi đây luôn chật kín du khách ghé thăm hành hương, cầu khấn cho một năm mới vạn sự như ý, công việc được suôn sẻ, phát tài phát lộc.

Hội Lim (Bắc Ninh): Là một lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đan xen tín ngưỡng tâm linh, vô cùng độc đáo của mảnh đất này. Bên cạnh hoạt động hát quan họ, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian khác như: giao lưu đối đáp, đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người.

Lễ hội chùa Bà Xứ (An Giang): Là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Hàng năm, nơi đây cũng thu hút hàng triệu du khách tham gia lễ hội.

Lễ hội làng Sình (Thừa Thiên - Huế): Đây là lễ hội nổi tiếng ở cố đô Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại khu vực đình làng Lại Ân còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế.

Lễ hội làng Sình (Huế) là lễ hội có tuổi đời hằng trăm năm và thu hút rất nhiều người tham gia ngày đầu năm mới. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Lễ hội Đền Vua Mai (Nghệ An): Đây là lễ hội được đánh giá là hấp dẫn du khách ở miền Trung được tổ chức trong 3 ngày từ 13 - 16 tháng Giêng hàng năm tại khu mộ vua xóm Hà Long (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) để tưởng nhớ công tích của Mai Thúc Loan.

Lễ hội cầu Ngư (Thừa Thiên - Huế): Cùng với lễ hội làng Sình thì lễ hội cầu Ngư là một lễ hội truyền thống, đặc sắc ở miền Trung. Lễ tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại làng Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Để tưởng nhớ các vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công, người Thanh Hóa đã có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.

Lễ hội Vía Bà (Bình Định): Đây là lễ hội được đánh giá là linh thiêng bậc nhất miền Trung diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng, tại thôn Liêm Định (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn).

Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân – người hành nghề đỡ đẻ đã giúp nhiều sản phụ trong vùng sinh con dễ dàng, được “mẹ tròn, con vuông”.

Năm 2006, Miếu Bà được UBND tỉnh Bình Định công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh và trở thành một hoạt động văn hóa của địa phương. Trong lễ hội có các nghi lễ nhi tế lễ, dâng hương, múa lân và các hoạt động văn hóa, thể thao… thu hút đông đảo người dân tới xem lễ.

THÁI BÌNH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-le-hoi-lon-tren-ca-nuoc-khong-the-bo-qua-dip-dau-nam-moi-ky-hoi-d456749.html