Những lễ cưới hoàng gia Việt xa hoa cỡ nào?

Trong sách 'Đời sống cung đình triều Nguyễn', tác giả Tôn Thất Bình đã cung cấp nhiều thông tin về việc 'dựng vợ, gả chồng' của hoàng gia.

So với lễ cưới hoàng tử, lễ cưới của công chúa có nhiều thủ tục cầu kỳ và phức tạp hơn, vì người được chọn làm con rể chẳng những là một sự vinh hiển lớn, mà gia đình họ còn nhận được nhiều ân sủng của nhà vua.

Trong sách Đời sống cung đình triều Nguyễn, từ việc dẫn các quy định trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chính sử Đại Nam thực lục và các tư liệu có giá trị khác, tác giả Tôn Thất Bình đã cung cấp nhiều thông tin về việc “dựng vợ, gả chồng” của Hoàng gia.

Tác giả sách cho biết hoàng tử, công chúa triều Nguyễn đến tuổi lập gia đình đều được chú trọng chọn người xứng đáng. Công chúa lấy chồng gọi là hạ giá, con rể vua gọi là phò mã (chức quan cưỡi ngựa hầu bên xe vua được phong là phò mã đô úy, hàm chánh Tam phẩm). Hoàng tử lấy vợ gọi là nạp phi (có tư liệu nói hoàng tử lấy vợ chính gọi là nạp phi, lấy vợ thứ gọi là nạp thiếp, con dâu vua gọi là phủ phi hay phủ thiếp).

Lễ cưới công chúa

Khi công chúa đến 16 tuổi, vua sai Bộ lại, Bộ binh lập danh sách 5 người xứng lứa, vừa đôi với công chúa, là con cháu chắt các công thần hạng nhất, nhị phẩm, 16 tuổi trở lên, không tàn tật, thông minh và đẹp. Sau khi chọn được phò mã, vua cử một một hoàng thân đứng ra làm chủ hôn, một đại thần làm chiếu liệu (trông nom, lo liệu) đứng ra lo công việc lễ cưới. Lễ cưới công chúa gồm 6 lễ, cứ một ngày cử 2 lễ, tất cả là 3 ngày cách quãng nhau.

Công chúa và phò mã trong trang phục truyền thống cử hành đại lễ dưới sự chứng kiến của một vị quan được nhà vua chọn là chủ hôn. Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn được tái hiện tại Festival Huế 1/5/2016. Ảnh tư liệu.

Công chúa và phò mã trong trang phục truyền thống cử hành đại lễ dưới sự chứng kiến của một vị quan được nhà vua chọn là chủ hôn. Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn được tái hiện tại Festival Huế 1/5/2016. Ảnh tư liệu.

Ngày thứ nhất, lễ nạp thái (lễ hỏi) và lễ vấn danh (hỏi tên tuổi). Gia đình phò mã đưa lễ vật vào cung. Theo lệ định năm Gia Long thứ 7, lễ vật lễ nạp thái gồm một con trâu, 2 mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 cây gấm, 10 tấm lụa, 4 thỏi vàng, đôi bông vàng, một cái trâm vàng, 2 chuỗi ngọc và 16 thỏi bạc. Vị chủ hôn bày gấm, lụa, trầu cau lên bàn thờ, còn vàng bạc, nữ trang chuyển giao cho công chúa. Lễ vấn danh, lễ vật gồm 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu.

Ngày thứ 2, lễ nạp trưng (báo ngày cưới) và lễ nạp cát (báo tin đôi tuổi đều tốt). Theo lệ định năm Gia Long thứ 7, lễ vật lễ nạp trưng gồm: 2 con trâu, 2 con bò, 2 con lợn, một mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 tấm lụa hoa, 2 tấm lụa trơn, 6 thỏi vàng, 20 thỏi bạc. Lễ nạp cát gồm 2 con bò, 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu.

Sau các lễ trên, vua sai đại thần đem lễ vật đi báo cáo các lăng miếu. Trước hôm làm lễ thân nghinh 3 ngày công chúa vào lạy các miếu, vào cung lạy hoàng hậu và hoàng thái hậu. Trước 2 ngày, vua sai quan Khâm mạng tới phủ đệ phò mã, rồi đem đến giường thất bảo, màn bát tiên và văn phòng Tứ bửu (bút, giấy, mực, nghiên) đến bày.

Ngày thứ 3, lễ điện nhạn (nộp chim nhạn, nộp lễ để rước dâu) và lễ thân nghinh (rước dâu). Lễ vật lễ điện nhạn gồm một hộp chỉ ngũ sắc và 100 đồng tiền (tượng trưng cho sự giàu sang, thịnh vượng, con đàn cháu đống), 2 con ngỗng (thay cho chim nhạn) nhốt trong 2 cái lồng điều có dây đỏ buộc liền nhau (ngỗng và nhạn tượng trưng cho sự chung thủy). Lễ thân nghinh, 2 ông bà chiếu liệu đến phủ đệ phò mã, tự tay sắp đặt giường năm và giải chiếu cho đôi vợ chồng mới. Vị chủ hôn lựa 12 ông hoàng thân, 2 phò mã, 2 quan văn võ cùng phu nhân tề chỉnh vọng lọng đợi giờ dẫn dâu….

Lễ vật trong lễ Điện nhạn (Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn được tái hiện tại Festival Huế 1/5/2016). Ảnh tư liệu.

Phò mã mặc lễ phục vào lạy vua xin đón công chúa. Vua ban mấy lời giáo huấn. Phò mã ngồi đợi ở một gian phòng chờ rước dâu. Công chúa đội mũ phượng, mặc áo bào bằng đoạn bát ty màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng; đi hài màu đỏ thêu phượng theo nữ quan dẫn đến hầu vua cha và mẫu hậu để nghe những lời giáo huấn. Đúng giờ, công chúa bước ra kiệu hoa, phò mã tự tay vén màn mời công chúa lên.

Theo thứ tự đoàn rước, phò mã sẽ là người cưỡi ngựa đi trước dẫn đường, kế đến là quan chủ hôn, rồi đến kiệu của công chúa. Về đến phủ, phò mã đỡ công chúa xuống. Đoàn đưa công chúa được mời vào phòng khách ngồi theo thứ tự. Phò mã và công chúa vào lễ ở bàn thờ lễ tơ hồng, rồi dự lễ hợp cẩn. Hai người ăn chung mâm cổ lễ tơ hồng và uống rượu trong 2 cái chén bằng nửa của cùng một quả bầu.

Hôm sau, công chúa theo chồng đến ra mắt mẹ chồng. Công chúa đứng ở phía Tây lạy 4 lạy. Cha mẹ ở phía Đông đáp lại 2 vái. Ngày kế tiếp, 2 vợ chồng đến từ đường lễ tổ tiên. Sau đó, vợ chồng công chúa vào chầu vua. Phò mã được vua ban cho một bộ triều phục tam phẩm, hai áo gấm, hai bộ yên ngựa.

Lễ cưới công chúa thay đổi theo từng đời vua. Các lễ vật của phò mã ngày càng giảm bớt và sự lựa chọn cũng dễ dãi hơn.

Lễ cưới hoàng tử

Khi hoàng tử đến tuổi trưởng thành, thường đến khi xuất phủ (15-18 tuổi, phải ra ngoài Tử Cấm Thành, ở biệt lập với gia đình, được phong tước, cấp đất và tiền để lập phủ riêng) nhà vua mới nghĩ đến chuyện kiếm bạn đời cho con.

Sau các buổi họp triều chính, nhà vua đề cập đến chuyện riêng tư một cách thân mật với các quan, hỏi xem có ai muốn gả con gái cho hoàng tử. Sau khi có một quan nhận gả con gái, hôn lễ sẽ được cử hành theo ngày của Khâm thiên giám định.

Trước ngày lễ nạp thái một hôm, có một buổi thiết triều ở Điện Cần chánh để nhà vua truyền cho biết ngày giờ hôn lễ được cử hành cùng cử các quan lo việc hôn lễ.

2 quan Chánh, Phó sứ cầm cờ mao tiết và bưng tráp thiếp đến ngôi nhà gọi là Văn Võ Công thự. Ở đây, lễ vật đã được sắp đặt sẵn trên các án sơn son thếp vàng gồm: 2 thỏi vàng, 4 thỏi bạch, 2 cây gấm, 6 cây lụa, 20 cây vải tốt, một đôi xuyến, một đôi hoa tai, một bộ tram vàng, 2 chuỗi hạt châu, một con trâu, một con bò, một con heo. Các con vật này đều được sơn đỏ, kể cả cái cũi và dây cột.

Đoàn người lên đường đến nhà gái gồm 2 quan Chánh, Phó sứ, vài vị đại thần cùng đoàn quân gánh phẩm vật. Đến nơi, các lễ vật như mao, tiết, tráp thiếp đều để lên bàn, trâu, bò để ngoài sân. Quan Chánh sứ đứng bên tả hương án, quan Phó sứ đứng bên hữu. Thân phụ và thân mẫu cô dâu đứng trước án, sau đó theo lời xướng của quan viên Bộ Lễ, họ đồng lạy 5 lạy và cung kính nhận lễ vật.

Sau lễ nạp thái, các nghi lễ khác diễn ra theo quy định. Lễ quan trọng cuối cùng là lễ phát sách trước khi cô dâu từ giã gia đình mẹ để về nhà chồng.

Nhà vua ban cho một quyển sách bằng vàng nội dung nói về cuộc hôn phối của hoàng tử và bà phi, đồng thời ghi lý lịch của 2 người, sắm cho bà phi mũ áo, giày và chiếc kiệu.

Quan Chánh sứ cầm mao tiết, Phó sứ bưng tráp đựng kim sách, các người khác mang lễ vật. Ở nhà cô dâu bày sẵn hương án để đặt kim sách. Sau nghi lễ đặt và đọc kim sách, nữ quan giao lại cho cô dâu. Cô dâu nhận lấy một cách cung kính bằng cách đưa lên ngang trán và giao lại cho một nữ quan khác đặt lên hương án. Nữ quan mời vợ hoàng tử ngồi vào ghế. Các bà mệnh phụ, thị nữ sắp hàng lạy mừng bà 4 lạy. Lễ xong, một bữa tiệc được nhà gái bày ra để khoản đãi những người tham dự, sau đó cô dâu đi về phủ của ông hoàng.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-mat-dang-sau-nhung-le-cuoi-hoang-tu-cong-chua-trieu-nguyen-post978370.html