Những làng nghề ở Sơn Tây nhộn nhịp vào xuân

Trong những ngày này, khi không khí rộn ràng của mùa xuân đang tràn về khắp các nẻo đường cũng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Sơn Tây khi các hộ gia đình đang hối hả cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Văn Hiền trú tại thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm khi gia đình ông đang tất bật cho ra mẻ kẹo lạc được khách đặt hàng với số lượng lớn sau tết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hiền cho biết làm kẹo lạc là nghề truyền thống của gia đình từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, kể từ năm 2005 khi Đường Lâm được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia thì gia đình ông mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị đóng gói, thiết kế bao bì sản phẩm.

Đến nay, thương hiệu kẹo lạc, kẹo vừng Hiền Bao do gia đình ông sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt không chỉ ở các cửa hàng trên địa bàn mà còn đến các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt sản phẩm kẹo lạc của gia đình ông còn đạt giải nhất cuộc thi sản phẩm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm do cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica tổ chức.

 Làng nghề tất bật trong những ngày xuân. Ảnh: Phan Thanh

Làng nghề tất bật trong những ngày xuân. Ảnh: Phan Thanh

Nghề làm kẹo truyền thống đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gia đình ông Cao Văn Hiền. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Hiền đã chủ động thu mua nguyên liệu từ tháng 10 âm lịch, thuê thêm nhân công là lao động tại địa phương. Hàng ra lò đến đâu được đóng gói mang đi đến đó.

Cũng như gia đình ông Cao Văn Hiền, hiện nay trên địa bàn xã Đường Lâm có khoảng 10 hộ sản xuất các sản phẩm như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi với quy mô tương đối lớn để cung cấp cho thị trường.

Rời Làng cổ ở Đường Lâm chúng tôi đến thăm làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, phường Phú Thịnh. Trong những ngày này đến phường Phú Thịnh sẽ thấy cảnh nhộn nhịp, người người nhà nhà làm bánh tẻ bởi đây là món bánh truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp lễ tết của nhiều gia đình trên địa bàn và là lựa chọn của đông đảo khách du lịch mỗi khi tới thăm vùng đất Sơn Tây.

Hiện nay trên địa bàn phường Phú Thịnh có 30 cơ sở sản xuất bánh tẻ thường xuyên với số lượng lớn và nhiều cơ sở làm theo thời vụ, tập trung ở các tổ dân phố Phú Nhi 1, 2, 3 và tổ dân phố Hồng Hậu.

Có những gia đình sản xuất với số lượng lớn từ 2000 – 3000 chiếc/ngày như gia đình bà Phạm Thị Bình, Hoàng Thị Vân ở Tổ dân phố Phú Nhi 3; gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng ở Tổ dân phố Phú Nhi 1… So với làm nông nghiệp, làm bánh tẻ vất vả hơn do phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cho thu nhập khá hơn.

Được biết, năm 2007, Phú Nhi được công nhận làng nghề sản xuất bánh tẻ truyền thống, danh hiệu làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng công nhận thương hiệu Bánh tẻ Phú Nhi cho làng nghề. Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã, các hộ sản xuất bánh tẻ đã được đăng ký sử dụng tem nhãn của làng nghề Phú Nhi trên sản phẩm. Qua đó góp phần đưa sản phẩm Bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề bánh tẻ ngày càng phát triển.

Cùng với làng bánh tẻ Phú Nhi, không khí ở làng nghề thêu ren Ngọc Kiên – xã Cổ Đông cũng đang rất khẩn trương và nhộn nhịp. Trong những ngày tết đến xuân về, làng nghề dường như tất bật hơn bởi đón chào năm mới, ai cũng muốn trang trí nhà cửa khang trang hơn, đẹp hơn với những bức tranh thêu đầy màu sắc và giá trị nghệ thuật, được kết tinh từ sự khéo léo của nghệ nhân, sự tỉ mỉ và công phu của người thợ, bàn tay tài hoa của người họa sỹ, lối sống và văn hóa của ngàn xưa truyền lại.

Sản phẩm tranh thêu của làng chủ yếu được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Nghề thêu ren Ngọc Kiên hiện đang được củng cố, phát triển tại địa phương với số lao động tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đón xuân Canh Tý, người dân ở các làng nghề trên địa bàn thị xã càng phấn khởi hơn khi công việc sản xuất không chỉ giải quyết việc làm cho lao động ngay tại địa phương mà còn góp phần trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống. Các sản phẩm lần lượt xuất bến, theo chân những thương lái đến tay người tiêu dùng mang theo mong ước về một cái Tết đầm ấm, no đủ đến với mỗi người dân làng nghề Sơn Tây.

Phan Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-lang-nghe-o-son-tay-nhon-nhip-vao-xuan-102447.html