Những làn khói trắng 'tử thần' – Bài cuối: Cần giải pháp mạnh tay, quyết liệt nhằm đẩy lùi khói thuốc

Nhận thức rõ được những tác hại, hệ lụy nặng nề của thuốc lá nên việc đề ra và thực hiện những biện pháp để hạn chế, giảm thiểu tối đa khói thuốc là điều rất cần và thiết thực.

Tăng mạnh thuế thuốc lá

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng giá thuốc lá được xem là một giải pháp hàng đầu và đã được nhiều quốc gia áp dụng. Vì thuế có tác động trực tiếp và chắc chắn lên giá bán, tránh được hiện tượng nhà sản xuất chuyển giá, làm giảm đi khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm, hạn chế tối đa các sản phẩm thuốc lá siêu rẻ. Do đó, sẽ giảm thiểu được tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Đây được coi là biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả cao và chi phí thấp nhất.

Bộ Tài chính cũng đã từng trình Quốc hội đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 65% lên 75% trong năm 2015 và có lộ trình tăng lên 85% từ năm 2018.

Theo kinh nghiệm quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đều chỉ ra rằng, thuế là biện pháp quan trọng và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. TS. Lokky Wai, Đại diện của WHO ở VN cho biết: “Nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp kiểm soát thuốc lá như từ việc hạn chế quảng cáo và tiếp thị, cho tới việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở nơi công cộng và nơi làm việc. Nhưng một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá có hiệu quả nhất mà lại đáp ứng được yêu cầu phát triển đó là thông qua việc tăng thuế và giá thuốc lá”.

Cũng theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO (WHO FCTC), các nước cần thực hiện chính sách thuế và giá đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm tiêu thụ thuốc lá. Một nghiên cứu của WHO cho thấy, tăng thuế rất có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá ở nhóm thu nhập thấp và ngăn chặn những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc. Cụ thể, khi tăng thuế thuốc lá thêm 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá khoảng 4% ở các nước có thu nhập cao và khoảng 8% ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Xử phạt mạnh tay

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khói thuốc cứ nhởn nhơ ở những nơi công cộng đã bị cấm hoàn toàn là do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe và việc thực thi, áp dụng chưa hiệu quả, đồng bộ.

Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) từng trả lời báo chí rằng, ngoài việc xử phạt trực tiếp những người vi phạm thì cũng đang tập trung xử lý các chủ cơ sở, nhà hàng, các điểm công cộng không thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực cấm trong luật. Cách làm này mang lại nhiều hiệu quả hơn.

TS. Bác sĩ CKII Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP HCM cho rằng, công tác phòng, chống thuốc lá hiện nay chủ yếu còn mang tính chất tuyên truyền, hình thức. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác xử phạt theo đúng quy định của pháp luật là hết sức cần thiết, đồng thời, cũng cần tăng cường thêm đội ngũ có thẩm quyền xử phạt và phải làm thật quyết liệt, mạnh tay.

“Giả dụ, nếu Bệnh viện Ung Bướu có quyền xử phạt người hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện thì nhiều khi lại là câu chuyện khác. Chứ bây giờ chúng tôi cũng chỉ có thể nhắc nhở, yêu cầu họ dập thuốc chứ không có quyền xử phạt họ”, Bác sĩ Thịnh nói.

Hút thuốc nơi công cộng ở nước ta vẫn còn diễn ra thường xuyên (Ảnh: Ga Sài Gòn)

Hút thuốc nơi công cộng ở nước ta vẫn còn diễn ra thường xuyên (Ảnh: Ga Sài Gòn)

Có thể nói, người hút sai khi bị phạt sẽ bị tổn thất tài chính thì mới “cảm thấy” tiếc, thấy sợ mà từ bỏ thói quen xấu đó. Bất luận ai sai cũng đều bị phạt theo đúng quy định mới đủ sức răn đe.

Còn về vấn nạn thuốc lá lậu, đại diện Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế (PC 46) cho biết, phía đơn vị luôn luôn được tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cùng các lực lượng chức năng có thẩm quyền để tuần tra, kiểm soát buôn lậu đặc biệt là thuốc lá lậu trên địa bàn toàn Thành phố và xử lý nghiêm.

Động viên cai nghiện thuốc lá

Tỉ lệ phơi nhiễm thuốc lá tại nhà ở nước ta cũng không hề nhỏ nên việc chính mỗi người cần ủng hộ, động viên người thân của mình từ bỏ thuốc lá được coi như một nền tảng quan trọng, là động lực, quyết tâm mạnh mẽ đối với người cai thuốc.

TS. Gabit Ismailov, Đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta cần giúp họ - những người nghiện thuốc lá, lựa chọn đúng giữa thuốc lá và sức khỏe”.

Do đó trước hết, mỗi người phải thay đổi được nhận thức của người thân mình về tác hại, hệ lụy thuốc lá tới sức khỏe, tính mạng không chỉ riêng cá nhân mà còn là cả những người xung quanh khi phải bị động hứng chịu nó. Sau đó, giúp đỡ, hỗ trợ và thuyết phục họ cai thuốc lá thành công. Việc bỏ thuốc lá từ chính các thành viên trong mỗi gia đình sẽ góp phần tạo nên môi trường không khói thuốc ở nơi sinh sống hằng ngày của mỗi người.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” (Ảnh: VINACOSH)

Nhưng tựu trung lại của mọi biện pháp, thì ý thức chấp hành pháp luật vẫn là điều cốt lõi và quan trọng hơn hết. Cụ thể, trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có những quy định rất rõ ràng để giảm tải thuốc lá ở nước ta, chính vì vậy, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật.

Hãy cùng chung tay hành động để góp phần hạn chế và từng bước đẩy lùi khói thuốc lá vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Ngày 31/5 là Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Xa hơn, ngày này nhằm gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động.

Nguyễn Trang

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-lan-khoi-trang-tu-than-bai-cuoi-can-giai-phap-manh-tay-quyet-liet-nham-day-lui-khoi-thuoc-d2067176.html