Những lần đi vào tâm bão

Với ông Vũ Trọng Kim, những năm tháng gắn bó với Mặt trận là nhiều đêm thức trắng khi bão lũ đổ về, khi ấy gánh nặng không đến từ hai vai vừa là Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa là Trưởng ban Cứu trợ Trung ương mà đến từ mỗi lần ông đi vào tâm bão.

Ông Vũ Trọng Kim.

Ông Vũ Trọng Kim.

Còn nhớ, chỉ riêng năm 2013, đi kèm với 70 tỷ đồng cứu trợ là hàng trăm quyết định cứu trợ lớn nhỏ được ban hành. Ông Vũ Trọng Kim bảo, không lo sao được khi mỗi lần đặt bút ký là lòng tự hỏi: Số tiền này- sự chắt chiu dành dụm của cả cộng đồng có đến thẳng tay bà con và sẽ giúp bà con những gì?

Đó là điều ông luôn trăn trở. Kể từ khi được Đảng và Mặt trận giao trách nhiệm làm công tác cứu trợ, những đêm mất ngủ trong bão, những bức điện hỏa tốc từ các địa phương gửi về báo cáo số người thiệt mạng từ các sự cố thiên tai mới là những cú sốc làm ông bao phen nghẹt thở.

“Phải gọi đó là những chuyến đi nghẹt thở theo nhiều nghĩa. Tôi bị ám ảnh khi nhìn thấy những mái nhà, hay cả một vùng bị trôi dạt theo cơn lũ. Lại thấy phận người quá mong manh khi đến thắp nén nhang cho hai cô giáo bị lũ cuốn trôi tại Quảng Bình. Hai cô giáo, đều bụng mang dạ chửa vậy mà vẫn đi hàng chục cây số chỉ để báo cho học sinh của mình không đến trường nữa.

Rồi chẳng ai cầm được nước mắt khi trong lũ dữ, một người mẹ già nói với các con thế này: “Nếu nước lên cao quá, mẹ sẽ bỏ tay ra. Mình mẹ trôi đi thôi nhé”. Bà cụ nói chuyện sinh ly tử biệt thản nhiên như không. Nhưng hành động của bà không gây ngạc nhiên, vì trong sâu thẳm tâm hồn bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng vậy, họ sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho những đứa con, cho gia đình và cho cả đất nước”, ông Vũ Trọng Kim nhớ lại.

Những đêm trắng chỉ thấy nước ngập mênh mông. Cả đoàn dầm mưa đến từng nhà dân, hoặc đi giám sát kiểm tra công tác cứu trợ. Nhưng lúc nào, chúng tôi cũng chỉ thấy ông vượt lên dẫn trước. Chỉ có ánh mắt không giấu được âu lo, xót xa khi phải chứng kiến những gì mà đồng bào miền Trung phải chịu đựng, vì không chỉ đó là quê nhà mà còn bởi trách nhiệm của một người cán bộ Mặt trận.

Ông Vũ Trọng Kim bảo rằng, những năm gắn bó với công tác Mặt trận càng khiến cho ông có thêm sức chịu đựng phi thường. Bởi nếu không thì sẽ không thể làm được nhiệm vụ mà Đảng và Mặt trận giao phó. Hiến pháp 2013 đã hiến định chức năng Mặt trận là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt lần đầu tiên hiến định chức năng giám sát và phản biện xã hội. Chính vì thế việc Đảng và Nhà nước giao Mặt trận làm công tác cứu trợ là hoàn toàn hợp lý. Đó cũng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Nhưng công tác cứu trợ cũng phải tính chuyện lâu dài. Ông Vũ Trọng Kim rất trăn trở, cứu trợ phải đến tay bà con trong việc khắc phục hậu quả. Thực tế đã chứng minh có những ngôi nhà chỉ cần được hỗ trợ thêm từ 20-30 triệu đồng là người dân có thể kiên cố hóa được. Trong vai trò là Trưởng ban Cứu trợ Trung ương, ông Vũ Trọng Kim đã từng kiến nghị việc này và một số địa phương đã thực hiện. Đây được xem là một điểm mới trong công tác cứu trợ - khắc phục hậu quả một cách lâu dài và hiệu quả hơn. Như thế cũng là góp một phần cho công tác giảm nghèo bền vững.

Với ông, phòng chống bão lũ hay các sự cố thiên tai giống như mệnh lệnh chiến đấu, lơ là một chút là sẽ làm tiêu hao sức lực, tài sản của dân. Chính vì vậy, ban cứu trợ các địa phương phải luôn luôn được kiện toàn. Ban cứu trợ phải có trách nhiệm điều hành chỉ đạo giữa ban chỉ đạo cấp tỉnh xuống huyện, xã và thôn mới tránh được tình trạng chồng lấp lên nhau trong cứu trợ...

Cho đến bây giờ, khi ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác Mặt trận trong vai trò là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông còn là Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, là một đại biểu dân cử. Chúng tôi hiểu rằng ông vẫn chẳng có ngày nghỉ, vẫn đi về giữa bộn bề công việc. Việc của Mặt trận. Việc của một đại biểu dân cử. Việc chăm lo cho các cựu thanh niên xung phong. Chẳng việc nào có thể lơ là nên nhiệm vụ nào với ông cũng là mệnh lệnh chiến đấu.

Trong không khí những ngày cả nước kỷ niệm 90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, 90 năm ra đời, phát triển, MTTQ Việt Nam trải qua các thời kỳ với các tên gọi khác nhau. Nhưng ở thời kỳ nào, Mặt trận đều đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Để có được MTTQ như hiện nay là một quá trình khó khăn, gian khổ nhưng tuyệt vời ở những phương thức vận động, tập hợp rất khác nhau. Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, nếu nghiên cứu lại sẽ thấy thú vị ở những con đường cách mạng Việt Nam với những sáng kiến, chiến lược hài hòa.

“Vì nếu chúng ta chỉ làm theo lối rập khuôn, duy ý chí, không biết phát huy sức mạnh từng thời điểm, từng thời kỳ lịch sử thì không giải quyết được”- ông Vũ Trọng Kim khẳng định.

Nêu cao mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ trong nhân dân và mục tiêu hạnh phúc cho mọi người trong giai đoạn hiện nay, ông Vũ Trọng Kim khẳng định vai trò của Mặt trận rất quan trọng để làm sao dân chủ kết hợp với hạnh phúc. Nếu như dân chủ mà không hạnh phúc thì nói suông. Cho nên bài học cho hôm nay là phải bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân và hạnh phúc cho mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-lan-di-vao-tam-bao-524001.html