Những 'lần đầu tiên' ở kỳ World Cup 2022

Bên cạnh những tranh cãi, World Cup 2022 cũng là kỳ đầu tiên tổ chức tại quốc gia Hồi giáo, có trọng tài nữ điều khiển trận đấu hay lùi thời điểm diễn ra vào mùa đông.

 Có nhiều điều khác biệt tại kỳ World Cup tổ chức tại Qatar. Ảnh: AFP.

Có nhiều điều khác biệt tại kỳ World Cup tổ chức tại Qatar. Ảnh: AFP.

Đã qua 21 kỳ kể từ lần đầu tổ chức vào năm 1930, nhưng World Cup 2022 tổ chức tại Qatar được xem là mùa giải khác biệt nhất, với nhiều cái “đầu tiên”, theo CNN.

Chủ nhà lần đầu dự vòng chung kết

Đây sẽ là lần đầu tiên đội tuyển quốc gia nam Qatar tham dự một vòng chung kết World Cup nhờ tư cách chủ nhà.

FIFA cho phép đội tuyển của quốc gia đăng cai tham dự World Cup mà không cần trải qua vòng loại. Điều này có nghĩa là quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé có thể kiểm tra năng lực của mình trước những đội bóng mạnh nhất thế giới.

Qatar lần đầu đăng cai World Cup, đồng nghĩa với việc đội tuyển quốc gia nước này lần đầu tham dự vòng chung kết. Ảnh: FIFA.

Tuyển Qatar mới có trận đấu chính thức đầu tiên vào năm 1970, song đất nước này nhanh chóng say mê những trận cầu đẹp mắt và đội tuyển quốc gia đã không ngừng tiến bộ. Năm 2019, Qatar vô địch Asian Cup với thành tích toàn thắng và chỉ để thủng lưới 1 bàn.

Được dẫn dắt bởi huấn luyện viên người Tây Ban Nha Felix Sanchez, Qatar sẽ chung bảng đấu với Ecuador, Senegal và Hà Lan tại World Cup năm nay.

Kỳ World Cup “mùa đông”

World Cup luôn được tổ chức vào tháng 5, 6 hoặc 7 nhưng Qatar 2022 phá vỡ truyền thống này.

Lý do là vào mùa hè, nhiệt độ ở Qatar có thể lên tới hơn 40 độ C, việc dời thời gian tổ chức lại vào mùa đông sẽ mát mẻ hơn. Dù vậy, nhiệt độ mùa đông ở Qatar vẫn có thể ở mức khoảng 30 độ C. Các nhà tổ chức sẽ chống nóng bằng nhiều phương pháp, ví dụ như sử dụng hệ thống làm mát công nghệ cao trong các sân vận động.

Qatar áp dụng công nghệ làm mát hiện đại để giảm nhiệt trong các trận đấu. Ảnh: Arch Daily.

Việc thay đổi thời gian tổ chức World Cup đã gây ảnh hưởng đến nhiều giải đấu lớn trên thế giới, nhất là các giải hàng đầu châu Âu.

Đất nước Hồi giáo

Một trong những lời giải thích của FIFA khi trao quyền đăng cai cho Qatar là khả năng đưa giải đấu đến một phần mới của thế giới. Chưa có kỳ World Cup nào trước đây được tổ chức tại một quốc gia Hồi giáo và World Cup năm nay sẽ là cơ hội để khu vực này tôn vinh tình yêu ngày càng lớn dành cho bóng đá.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề các nhà tổ chức phải giải quyết. Ví dụ, đối với nhiều người hâm mộ, uống rượu bia luôn là một phần quan trọng trong việc tận hưởng các trận đấu.

Nhưng tại Qatar, việc say rượu ở nơi công cộng là bất hợp pháp. Do đó, rượu sẽ chỉ được phục vụ tại các công viên dành cho người hâm mộ được chỉ định xung quanh Doha và sẽ có những khu vực riêng để người hâm mộ tỉnh rượu trước và sau trận đấu.

Nước chủ nhà nhỏ nhất

Một câu hỏi xung quanh giải đấu là làm thế nào Qatar có thể đáp ứng nhu cầu của lượng du khách dự kiến lên tới 1 triệu người, vì đây là quốc gia nhỏ nhất từng đăng cai World Cup, với dân số chưa đến 3 triệu người.

Tất cả 8 sân vận động đều nằm trong và xung quanh thủ đô Doha, cách nhau trong vòng 1 giờ lái xe. Các nhà tổ chức cho biết cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm và dịch vụ cho thuê xe hơi, sẽ đối phó được với nhu cầu gia tăng.

Các sân vận động ở Qatar khá gần nhau, thuận tiện cho việc đi lại. Ảnh: Construction Review Online.

Một lợi ích của khoảng cách gần giữa các sân vận động là người hâm mộ có thể đi xem tới 2 trận đấu trong một ngày.

Về chỗ ở, ngoài khách sạn, hai tàu du lịch MSC Poesia và MSC World Europa, đang neo đậu tại Doha, có thể hỗ trợ thêm chỗ ở trong khoảng thời gian diễn ra giải đấu.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng xây dựng các làng cổ động viên, cung cấp dịch vụ cắm trại, phòng ốc thông thường. Những người có khả năng chi trả nhiều hơn một chút có thể chọn các du thuyền sang trọng neo đậu ở cảng Doha.

Giảm lượng khí thải CO2

FIFA cam kết biến Qatar 2022 thành kỳ World Cup trung hòa carbon (Carbon neutral), có nghĩa là không có tác động tổng thể đáng kể tới khí hậu. Cơ quan này cùng Qatar đã đầu tư vào các dự án xanh và mua tín chỉ carbon, hay đền bù carbon, đề cập tới việc tìm cách loại bỏ hoặc hấp thụ lại cùng lượng khí thải do sự kiện thải ra.

Qatar cho biết sẽ thực hiện nhiều dự án để giảm lượng khí thải trong thời gian diễn ra World Cup. Ảnh: Reuters.

Qatar, quốc gia có mức xả thải bình quân đầu người lớn nhất thế giới, cho biết sẽ giữ lượng khí thải ở mức thấp và loại bỏ lượng carbon do giải đấu tạo ra khỏi bầu khí quyển nhiều nhất có thể. Chẳng hạn, nước này sẽ trồng 679.000 cây bụi và 16.000 cây xanh. Cây sẽ được đặt tại các sân vận động và nhiều nơi khác trên cả nước, được cho sẽ hấp thụ hàng nghìn tấn carbon mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích cáo buộc các nhà tổ chức chỉ là greenwashing - thuật ngữ dùng để gọi hoạt động cố gắng che đậy thiệt hại gây ra cho môi trường và khí hậu bằng các sáng kiến xanh nhưng sai lầm, gây hiểu lầm hoặc phóng đại.

Carbon Market Watch (CMW), một nhóm vận động phi lợi nhuận chuyên về định giá carbon, cho biết các tính toán của Qatar là không đúng mức.

Lần đầu có trọng tài nữ

Qatar 2022 cũng sẽ là kỳ World Cup đầu tiên có các trọng tài nữ điều khiển một trận đấu. Yamashita Yoshimi (quốc tịch Nhật Bản), Salima Mukansanga (quốc tịch Rwanda) và Stephanie Frappart (quốc tịch Pháp) là 3 trong số những người cầm cân nảy mực được chọn cho giải đấu.

Trọng tài Yamashita Yoshimi lần đầu góp mặt tại World Cup. Ảnh: AFP.

Hỗ trợ cho họ là các trợ lý trọng tài Neuza Back của Brazil, Karen Díaz Medina của Mexico và Kathryn Nesbitt của Mỹ.

Frappart được cho là cái tên nổi tiếng nhất trong danh sách. Năm 2020, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên cầm còi tại một trận đấu ở Champions League.

Với Mukansanga, cô chia sẻ bản thân rất hào hứng đón nhận thử thách làm trọng tài tại một giải đấu lớn và gia đình nóng lòng được thấy cô ra sân.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-lan-dau-tien-o-ky-world-cup-2022-post1377171.html