Những lá thư tình để lại

Có những bức thư tình và bài thơ tình viết ở chiến trường chưa kịp gửi thì người viết đã hy sinh, lại có những bức thư tình viết trong bom đạn ngay trên lằn ranh sống – chết nhưng rồi không gửi. Niềm tâm sự giấu kín, chỉ có tình yêu lặng lẽ vẫn cháy bỏng qua tháng năm, và khi chợt hiện hôm nay đã làm bừng thức những “... rung động sâu xa và đầy ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức dân tộc”.ó những bức thư tình và bài thơ tình viết ở chiến trường chưa kịp gửi thì người viết đã hy sinh, lại có những bức thư tình viết trong bom đạn ngay trên lằn ranh sống – chết nhưng rồi không gửi. Niềm tâm sự giấu kín, chỉ có tình yêu lặng lẽ vẫn cháy bỏng qua tháng năm, và khi chợt hiện hôm nay đã làm bừng thức những “... rung động sâu xa và đầy ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức dân tộc”.

Trong cuốn sách “Thời tôi sống” (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 8/2018), lần đầu tiên nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam công bố những bài thơ tình, những bức thư tình của đồng nghiệp, đồng đội và của cả ông từ những ngày tháng bom đạn ác liệt ở chiến trường Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) những năm 1968, 1969. Đã nửa thế kỷ trôi qua, những bức thư tình nhuốm màu thời gian, bị cháy xém, thậm chí nhuốm cả máu, vẫn được gìn giữ như một phần tất yếu của cuộc đời ông.

Trong số đó, có những bài thơ, bức thư được viết ngay trên chiến trường, vào những thời khắc mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn tính bằng giây phút và gần như phó mặc cho số phận, may rủi. Và cũng chính vì thế, những bức thư đó, những bài thơ đó đã vượt lên cảm xúc, tình yêu đơn thuần, mang nhiều ý nghĩa lớn lao về giá trị cuộc sống, ý thức công dân và sự hy sinh của mỗi một con người trong hoàn cảnh đất nước buộc phải cầm súng.

Đó là bài thơ “Gửi em” của nhà báo, nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, phóng viên báo Nhân Dân, vừa là bạn học thời sinh viên, vừa là đồng nghiệp cùng vào chiến trường Quảng Đà một ngày với nhà báo Trần Mai Hạnh. Bài thơ này có một số phận rất đặc biệt. Ở mặt trận tiền phương của Quảng Đà, khi tới thăm nhà báo Trần Mai Hạnh, trước lúc chia tay trên bờ sông La Thọ, không biết run rủi thế nào mà Nguyễn Trọng Định cứ nằng nặc bắt Trần Mai Hạnh phải “lấy sổ ra chép”, “nếu tao có hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này, coi đây là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy”“cô ấy phải là người đầu tiên đọc bài thơ này, mày nhớ lấy” (Bài thơ tình đẫm máu - Trong “Thời tôi sống”). Kim là người yêu của Nguyễn Trọng Định, cũng làm việc ở báo Nhân Dân.

Nhưng trong chiến tranh, sự sống và cái chết không ai có thể lường trước được. Chiều hôm trước gặp nhau, còn đọc thơ nói chép lại, hôm sau Nguyễn Trọng Định đã hy sinh (26/8/1968). Trọng Định mất, chỉ hơn hai tháng sau khi vào chiến trường, khi mà bài báo đầu tiên và cũng là duy nhất của ông viết về cuộc sống chiến đấu cực kỳ gian khổ nhưng rất đỗi lạc quan của người dân xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) mới viết xong, còn đang chờ chuyển ra Hà Nội để đăng báo Nhân Dân.

Từ đó, trong suốt những năm tháng ở mặt trận sau này, nhà báo Trần Mai Hạnh đã mang cùng lúc hai chiếc ba lô, một của mình và một ba lô đẫm khô vết máu của Nguyễn Trọng Định cùng những kỷ vật: bộ quân phục, chiếc đài bán dẫn, sổ tay phóng viên, bức ảnh khổ 9x12cm chụp Định và Kim ngả đầu vào nhau. Bức ảnh này luôn được Định để ở túi ngực trái, bị xuyên thủng một lỗ, loang lổ vệt máu (Nguyễn Trọng Định bị mảnh đạn pháo đâm xuyên qua ba lô thẳng vào tim). Phác thảo bài thơ “Gửi em” cũng thấm đẫm máu, không còn nhìn rõ nét chữ nào, không thể đoán đọc được dù chỉ một câu. Bài thơ còn lại đến hôm nay chính là bài thơ mà Trọng Định đọc và nhà báo Trần Mai Hạnh chép tay trong buổi hoàng hôn chia tay trên bến sông La Thọ, một nhánh của sông Thu Bồn.

Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định (thứ nhất từ trái qua).

Nhưng, “vì lý do riêng”nên bài thơ“Gửi em”phải hơn bốn mươi năm sau mới được chuyển đến tay người nhận cùng những dòng cuối cùng của lá thư viết vội vã nguệch ngoạc thấm máu trong nhật ký của Nguyễn Trọng Định gửi người yêu: “...Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may... nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy xem đó là niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây!”.

Khi đó, cả nhà báo Trần Mai Hạnh và chị Kim đều đã nghỉ hưu. Chị Kim nói với nhà báo Trần Mai Hạnh: “Còn bài thơ “Gửi em” anh Định đọc cho anh chép từ buổi chia tay lần cuối hơn bốn mươi năm trước, anh vẫn giữ thì giờ anh đọc cho em nghe đi. Anh không phải chép lại cho em đâu. Anh đọc cho em rồi anh công bố như lời dặn dò của anh Định”. Và nhà báo Trần Mai Hạnh đã đọc lại những vần thơ cuối cùng trong niềm xúc động sâu xa của những người cùng dành cho người đã khuất những tình cảm không thể nói hết bằng lời.

“Đừng hỏi anh từ đây đến em/ Qua mấy bến phà/ Sông Lam hay sông Mã,

Đừng hỏi anh từ đây đến em/ Qua bao vùng bom nổ/ Hà Tĩnh, Nghệ An.

Bởi có gì đâu hỡi em yêu/ Chuyến phà anh sang là chuyến phà đêm ấy/ Chúng mình về quê ngoại/ Có một giọng hò lảnh lót ngang sông.

Bởi nằm dưới dưới chùm pháo sáng cuồng điên/ Anh vẫn nhớ vầng trăng công viên tháng Bảy

Trên vai em/ Ánh trăng xanh như một tàu lá chuối/ Sau dịu ngọt cơn mưa

Bởi không gian chẳng làm xa cách tình yêu

Bởi anh vẫn chuyện trò với em/ Những lúc đạn bom/ Những khi vắng vẻ

Bởi nếu mặt trời kia chưa vỡ ra từng mảnh

Thì làm sao anh có thể xa em”.

Bài thơ chứa đựng cả một niềm yêu vô bờ bến của người con trai dành cho người con gái, vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua ác liệt của những cung đường bom đạn.

Trong cuốn sách “Thời tôi sống”, còn có những lá thư tình đầy ám ảnh và xúc động nữa. Đó là “lá thư” thêu bằng chỉ đỏ trong chiếc khăn tay của xã đội phó Nguyễn Thị Nhàn tặng Đấu - là lời hẹn ước của một cô gái dành cho chàng trai, với mong ước sẽ nên duyên lứa đôi khi đất nước thống nhất: “Ngày mai thống nhất nước nhà/Bắc Nam sum họp tình ta vẹn tròn”.

Đấu là du kích xã nổi tiếng với tài bắn súng, giết giặc với nhiều trận đánh đã trở thành huyền thoại của xóm làng. Lá thư tình thêu trong chiếc khăn tay ấy Đấu luôn mang bên mình, nhưng anh đã hy sinh khi giết tên giặc thứ 299 và bị một tên Mỹ bắn ngay trước mặt Nhàn. Còn nỗi đau nào hơn tận mắt chứng kiến cảnh ấy. Nhưng thù nhà, nợ nước đã biến thành lòng quyết tâm sắt đá của Nhàn trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với giặc xâm lược để bảo vệ quê hương.

Bức ảnh: "Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn" và "Mẹ con người tử tù" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long.

Đó là lá thư đầy bao dung của chị Hoa gửi anh Lâm Hồng Long, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với 2 tác phẩm ảnh để đời “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con người tử tù”.

Chị Hoa và anh Lâm Hồng Long đều là người Phan Thiết. Tình yêu của chị dành cho anh là mối tình đẹp như huyền thoại, e ấp, đợi chờ, thủy chung và đầy bao dung. Những năm 1950, Lâm Hồng Long tham gia kháng chiến, chiến tranh loạn lạc, chị ở lại và anh ra Bắc tập kết, bặt tin nhau. Khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, anh nhận được tin chị đã bị địch thủ tiêu khi bị giam ở Côn Đảo.

Ngày Phan Thiết giải phóng, Lâm Hồng Long có dịp ghé thăm nhà sau hơn hai mươi năm xa cách. Gặp lại má, gặp lại người thân trong niềm vui vô bờ bến, nhưng điều anh không ngờ nhất đã xảy đến: Hoa vẫn còn sống và suốt bao nhiêu năm qua vẫn chờ đợi anh… Còn anh, vì nghĩ chị Hoa đã hy sinh, nên vừa lập gia đình, vợ chuẩn bị sinh con đầu lòng. Vợ anh, cũng đã có một đời chồng và chồng cô ấy cũng đã hy sinh khi ra mặt trận.

Cuộc gặp gỡ riêng giữa hai người sau bao nhiêu năm xa cách với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nước mắt mừng vui ngày hội ngộ, và cả nước mắt nghẹn ngào cho sự trớ trêu mà đó không gì khác chính là sự nghiệt ngã của chiến tranh. “- Nghe anh Hai nói em đã bỏ mình ngoài biển. Nào ngờ em vẫn còn sống và đợi chờ anh cho đến ngày thắng lợi này”. Tôi vừa nói, Hoa đã bật khóc…” (Trời vẫn sáng trong mưa).

Bứt rứt, khổ tâm vì mọi thứ đã trở nên lỡ dở. Nhưng mọi điều đã được hóa giải, cũng bằng bức thư chị Hoa viết cho anh Lâm Hồng Long:

“… Anh đã trở về… Ước mơ, chờ đợi bao năm ấy, ngày hôm nay đã đến với em bằng sự thật. Còn nói đến tình cảm yêu thương, em không hề có ý nghĩ không đẹp về anh. Em luôn nghĩ đó là do hoàn cảnh tạo ra cho con người phải như vậy.

… Má đã qua ở với em trong những ngày tuổi già. Má biểu em viết thư nói anh đưa chị và cháu về, còn một ít vàng dành dụm má sẽ cho anh để anh gây dựng cuộc sống.

… Anh yên tâm, đừng nên suy nghĩ nhiều về em. Mọi việc đã qua không nên gợi sống lại trong lòng nữa anh ạ. Em nghĩ mình em chịu mất mát đã quá đủ rồi. Không nên để cả hai người phụ nữ cũng chịu đau khổ, mà chị ở ngoài ấy đã một lần mất mát. Những điều ấy em đã nghĩ…”.

Lá thư ghi ngày 3/6/1975. Sài Gòn đã giải phóng, Đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối. Lòng người cũng ấm áp, nhẹ nhõm, bao dung và tràn đầy yêu thương. Bức thư đã hóa giải mọi suy nghĩ còn day dứt, cho cả người ra đi và người ở lại.

Trong “Thời tôi sống” không chỉ có những lá thư tình của đồng nghiệp, những người mà mà nhà báo Trần Mai Hạnh khi là phóng viên chiến trường đã có thời gian được sống cùng, chiến đấu cùng; mà còn có những lá thư của chính ông viết cho người yêu đầu tiên của mình. Đó được coi là những kỷ niệm, kỷ vật không thể thiếu trong cuộc đời của ông.

Nhập mô tả ảnh

Khi cuốn sách “Thời tôi sống” vừa ra mắt bạn đọc, có dịp đến nhà ông, tôi đã được xem những trang nhật ký, những lá thư ông viết trong những ngày tháng bom đạn ác liệt ở chiến trường Quảng Đà. Những lá thư đã nhuốm màu thời gian, được viết bằng nét chữ rất đẹp trên khổ giấy nhỏ giờ đã chuyển màu úa vàng. Có một lá thư viết kín 6 trang giấy pơluya, và không hề được gửi đi.

Lá thư tình ấy, ông đã viết trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 26 (ngày 1/1/1969), khi “một mình ngụy trang ẩn nấp trong bụi điền thanh cô độc giữa cánh đồng chết chóc của chiến tranh”, trong tiếng rít của động cơ máy bay săn lùng, tiếng rốc két, tiếng bom và đạn pháo dội xuống xóm làng Điện Thái, Điện Bàn, Quảng Nam (Dẫu giọt sương rơi).

Những dòng mở đầu chất chứa “nỗi niềm của mối tình dang dở” của chàng sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và thế nên không tránh khỏi sự “hờn trách”. Nhưng ngay sau đó là những dòng chữ đầy khí chất của người con trai trong cuộc chiến ác liệt, là thái độ - sự lựa chọn – sự dấn thân cho lý tưởng của mình.

Bức thư tình nhà báo Trần Mai Hạnh viết ngày 1/1/1969.

“Bắc Thu Bồn, 1-1-1969

Mai em!

Thế là một năm lại đã qua đi, qua đi trong quan hệ “không kèn không trống” giữa chúng ta, qua đi trong những ngày tháng đầy thử thách gian nan của anh trên cái chiến trường Quảng Đà ác liệt này. Chiến tranh tàn khốc khiến người ta vì sự sinh tồn trong từng giờ từng phút của mình, mà ít có điều kiện để nghĩ tới những kỷ niệm quá khứ...”.

“Em ạ, dẫu giọt sương rơi còn ướt áo, huống gì những năm tháng xa xôi trĩu nặng trong lòng. Chiến tranh hơn lúc nào hết làm con người ta thấy quý và thấy hết giá trị những ngày đã sống...”; “Anh đi chiến dịch, lăn lộn với các chiến sĩ, lấy tài liệu, suy nghĩ, viết lách được rất nhiều và trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng những khát vọng về cuộc sống, sự nghiệp và cả những con đường đi...”.

Trong bức thư tình không gửi ấy, chàng trai 26 tuổi cũng chia sẻ về những mất mát của cuộc chiến tranh, lột tả chân thực về cuộc chiến đấu can trường, anh dũng, bất khuất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Một cuộc sống, mà khi trên mặt đất bom đạn cày xéo không còn một mái nhà, chất độc hóa học ngấm cả vào từng thớ đất, nhưng người dân vẫn kiên cường bám làng, đào hầm sâu trong lòng đất để tiếp tục sinh tồn và chiến đấu đánh thắng kẻ thù. Đó là sức mạnh phi thường mà kẻ thù phải khiếp sợ.

“Anh đã từng tham dự những trận đánh ác liệt, chiến đấu như một người lính thực thụ, từng cùng với các chiến sĩ mở đường máu thoát vây, từng ngủ hầm bí mật, nhịn đói nhịn khát, từng đội bom B52 và pháo bầy đến ê ẩm… Gian khổ, ác liệt nhiều lắm Mai ạ, nhưng thực ra chưa thấm gì với những hy sinh vô bờ bến của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Nhiều gia đình đã hy sinh tới người cuối cùng. Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường”.

Tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà 1968 - 1969.

Nhà báo Trần Mai Hạnh ngoài cùng hàng trên bên trái.

Và vượt lên tất thảy, đó là niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống: “Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...”.

Đẹp hơn nữa, trong trái tim người con trai, ở kết bức thư là niềm tin chiến thắng vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: “Anh đón ngày sinh nhật của mình, đón chào năm mới với trái tim của một người lính và niềm tin trước ngưỡng cửa của chiến thắng cuối cùng. Nhớ viết cho anh. Sẽ sớm gặp lại”.

Sau này, đã có lúc về định đến gặp lại Mai, ông cầm theo lá thư viết ngày nào ở chiến trường định trao tận tay nhưng rồi lại lầm lũi ra đi vì “Mai đã lấy chồng và vừa sinh con gái đầu lòng”. Lần khác, khi điều trị ở Bệnh viện E (Hà Nội) – ông còn viết một bức thư nữa, bức thư cuối cùng cho Thùy Mai. Lá thư viết vào giáp Tết, ghi ngày 15/2/1970 cũng không gửi... Những dòng thư ông viết về những năm tháng đợi chờ, sự đổ vỡ của chiến tranh, sự mất mát của lòng người mang tới những dư chấn ám ảnh nơi người đọc...

“Đã gần năm mươi năm trôi qua tôi vẫn giữ, chưa một ai đọc nó. Giờ công bố cũng chẳng phải dành cho riêng ai, và cũng chẳng để làm gì, có chăng là góp thêm một bức thư tình vào một thời bom đạn đã xa...”.

Nhà báo Trần Mai Hạnh vừa trầm ngâm nói, vừa xếp lại những lá thư một cách cẩn thận. Nhìn cách gói ghém những kỷ niệm của ông, tôi định hỏi ông về một điều thầm kín, tế nhị khác nhưng ngập ngừng rồi thôi.

Như đoán được ý tôi, ông khẽ mỉm cười rồi kể: - Trước khi lấy nhà tôi bây giờ, tôi đã nói với cô ấy, em hãy cầm những lá thư này và cả những tập nhật ký anh viết từ thời sinh viên về đọc. Nếu sau khi đọc mà em thấy có thể “chấp nhận” được và cho anh giữ lại thì chúng ta sẽ làm đám cưới. Vì những trang nhật ký và cả những bức thư tình mà anh chép lại trước khi gửi là tài sản tâm hồn quí giá cho sự nghiệp viết văn sau này của anh. Rất may là sau đó, có thể vì vừa là một nhà giáo vừa là nhà thơ nên sau khi cân nhắc mọi nhẽ nhà tôi đã đồng ý và đã giữ gìn cho tôi tất cả những tài liệu, kỷ vật sau bao biến cố thăng trầm của gia đình. Vì thế, những bức thư tình từ gần 50 năm trước mới còn tới hôm nay, và hiện diện trong các tác phẩm “Dẫu giọt sương rơi”, “Một thoáng buồn rầu”, … của “Thời tôi sống”.

Nghe ông nói, tôi hiểu thêm về tình yêu mà người phụ nữ dành cho người đàn ông của mình. Họ có thể vì niềm vui, hạnh phúc của người mình yêu mà thấu hiểu, bao dung. Và cũng vì sự bao dung ấy, mà những câu chuyện tình yêu, những bài thơ, lá thư đầy ám ảnh trong “Thời tôi sống” đã hiện diện và thực sự chạm tới rung cảm sâu xa nơi người đọc. Chiến tranh đã qua đi, những vết thương cũng dần liền lại, nhưng vẫn còn lại đó sự lặng lẽ của những bức thư tình nhắc nhớ những thao thức, ám ảnh về một thời bom đạn đã xa...

* Tên các nhân vật “Kim” trong “Bài thơ tình đẫm máu”, Mai trong “Dẫu giọt sương rơi”… đã được tác giả cuốn sách “Thời tôi sống” thay đổi.

Bài: Xuân Phong

Trình bày: Nguyễn Hà

Trong bài có sử dụng một số ảnh tư liệu do nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp

(Nguồn: baotintuc.vn)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/longform-nhung-la-thu-tinh-de-lai-364347.html