Những lá đơn xin ra khỏi diện nghèo

Cuối năm, các làng quê lại 'nóng' chuyện bình xét hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều nhà muốn 'giành' lấy một suất để hưởng thêm vài chế độ ưu đãi của Nhà nước dù thực sự họ không quá khó khăn. Nhưng ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang), có nhiều hộ làm đơn xin thoát nghèo.

Cuộc sống khá hơn thì xin thoát nghèo

Những tia nắng đầu tiên trong ngày rọi xuống, dần xua tan màn sương mù bao phủ núi rừng. Chị Hoàng Thị Hệ, cán bộ xã Thanh Luận xăng xái dẫn tôi đi bộ đoạn dài đường đất để vào nhà ông bà Ngô Văn Chức - Nguyễn Thị Khuôn ở cuối thôn Náng.

 Bà Khuôn ở thôn Náng, xã Thanh Luận nhận máy cày do Nhà nước hỗ trợ.

Bà Khuôn ở thôn Náng, xã Thanh Luận nhận máy cày do Nhà nước hỗ trợ.

Ngôi nhà trần 1 tầng, lát gạch men hoa vừa đủ kê tủ thờ, hai chiếc giường, bộ bàn ghế nhựa, tủ quần áo và tủ thờ, mấy đứa trẻ con ngồi chăm chú xem ti vi, thỉnh thoảng lại vỗ tay cười phá lên. Như thể đã quá quen thuộc với gia đình, chị Hệ vừa rót nước, vừa giới thiệu: “Ông đây đã 84 tuổi, còn bà cũng 73 rồi. Tuổi cao nhưng ông bà vẫn rất chịu khó làm ăn, chỉ có điều đông con, lại mấy chục năm nuôi hai đứa ốm đau, bệnh tật nên nghèo quá”.

Nghe nhắc đến con, ông Chức nói như mếu: "Tôi đi bộ đội, bị nhiễm chất độc da cam, sinh được 7 đứa con thì 2 đứa bệnh tật mất rồi. Thằng lớn bị ảnh hưởng chất độc da cam là do tôi, từ lúc đẻ ra đến lúc mất là 39 tuổi, không nói năng, không đi lại được, cứ thù lù trong nhà”. “Lại còn thằng kia gần 30 năm chạy thận, cũng mới mất năm kia, chưa vợ con gì”- bà Khuôn chỉ tay lên di ảnh con trai tiếp lời.

“Ông bị bệnh cũng nặng nhưng không đi chữa, toàn bảo dành tiền cho con. Bao nhiêu năm chạy chữa cho hai đứa, muốn thoát nghèo lắm mà không được. Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều rồi, có đợt còn cho cả con bò để làm kế sinh nhai, vậy mà cũng đành phải bán lấy tiền cho con đi viện. Cuối cùng tiền hết, bò cũng bán mà người chẳng còn…”- bà Khuôn rơm rớm nước mắt.

Ngồi phía đối diện, bà Hoàng Thị Hạ, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động lên tiếng phá tan bầu không khí đang trùng xuống: “Khó khăn thế nhưng năm nay gia đình ông bà đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đấy”.

Lá đơn ghi rõ hộ gia đình gồm 6 người, ngoài ông bà còn có vợ chồng con trai, hai đứa cháu nội. Lý do làm đơn đề nghị công nhận hộ thoát nghèo là “Gia đình đã được hỗ trợ công cụ sản xuất”. Năm ngoái, huyện hỗ trợ cho gia đình một máy cày mà như lời bà Khuôn nói là loại đẹp nhất, tốt nhất, có cả thùng chở, trị giá 25 triệu đồng.

“Có máy cày, các em nó tranh thủ đi làm đồng, làm rừng cũng thấy phấn khởi. Làm được nhiều hơn, tiện hơn. Hai đứa con cũng có việc làm, thu nhập. Mấy chục năm hộ nghèo rồi, được hỗ trợ nay tôi thấy cuộc sống khá hơn thì nhường lại cho người khác. Khi đem ý kiến này trao đổi, các con đều đồng ý. Chứ mãi là hộ nghèo, cũng xấu hổ lắm”-bà Khuôn cho biết.

Sơn Động là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị định số 07/NĐ-CP, đến cuối năm 2021 huyện có 5.350 hộ nghèo, chiếm 25,80% và 6.272 hộ cận nghèo, chiếm 30,25%. Như vậy tổng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện là 56,05%.

Ở huyện Sơn Động, chuyện gia đình ông Chức-bà Khuôn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo không phải là ngoại lệ.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Đình Ban (75 tuổi)-Đỗ Thị Vóc (73 tuổi) ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử cũng làm đơn. 5 người con lập gia đình không ai ở cùng.

Ông bà hiện sống trong căn nhà vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, mới dọn vào ở cách đây chưa được một tháng.

Nếu theo các tiêu chí của chuẩn nghèo đa chiều mới thì gia đình ông bà vẫn thuộc diện hộ cận nghèo nhưng bà bảo: “Nhà nước hỗ trợ xây nhà, ông nhà tôi đi bộ đội giờ được trợ cấp hơn 3 triệu đồng, cũng đủ sống rồi.

Gia đình mặc dù chưa hẳn hết khó khăn nhưng vẫn có nguyện vọng xin thoát nghèo nên làm đơn. Chả nhẽ chết mới thoát nghèo à ?” - bà Vóc vui vẻ. Rồi bà kể xem trên ti vi thấy cụ bà 84 tuổi ở Thanh Hóa còn làm đơn xin thoát nghèo; hay như có cháu học sinh buồn chán khi ở trường bị các bạn chê cười vì gia đình là hộ nghèo, khóc lóc nhờ ông bà nói với bố mẹ xin ra khỏi hộ nghèo.

Là thương binh chống Mỹ, ông Ngô Văn Lan (70 tuổi) ở thôn Rỏn, xã Thanh Luận có cuộc sống rất khó khăn. Vợ mất cách đây hơn 20 năm, một mình ông xoay xở nuôi 7 người con, lại nuôi người em trai Ngô Văn Lý nay đã 60 tuổi bị tâm thần, không vợ không con suốt mấy chục năm.

Với quyết tâm cao, ông Ngô Văn Lan, thôn Rỏn, xã Thanh Luận xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Ông tâm sự: "Trước khi mất, vợ tôi bị viêm đa khớp, đi bệnh viện suốt dẫn đến nợ nhiều. Cách đây 6 năm, tôi còn bị tai nạn nên liệt người, chữa mãi mới đỡ được như thế này. Hoàn cảnh khó khăn quá, được công nhận là hộ nghèo tôi cũng ái ngại lắm. Trong thâm tâm lúc nào tôi cũng nghĩ phải cố gắng để các con các cháu nhìn vào”.

Được biết, mấy năm vừa rồi, vợ chồng người con út đi làm công nhân ở Công ty Than Đông Bắc, thu nhập ổn định, chi tiêu vừa phải, tích cóp dần dần, cuối năm 2020, gia đình ông đã dựng được căn nhà khang trang. “Ở đời, danh dự của con người là rất cần thiết. Tự lo cuộc đời mình vẫn là sướng nhất.

Có nhà ở mới là tôi làm đơn luôn, không muốn mình cứ mãi là hộ nghèo”- ông Lan cho biết. “Năm ngoái ông Lan đang từ hộ nghèo chuyển thành cận nghèo. Năm nay chúng tôi đang đi rà soát thì thấy ông gửi đơn, xin ra khỏi hộ nghèo” - bà Hệ thông tin.

Chia tay "bầu sữa" hỗ trợ

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Sơn Động cũng đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước xóa đói, giảm nghèo. Bước chuyển mới của năm 2021 là không tặng quà Tết cho hộ cận nghèo mà tập trung cho những hộ nghèo. Huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, người có công.

Vợ chồng ông Ban - bà Vóc ở thị trấn Tây Yên Tử gửi đơn xin thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ người nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận người nghèo lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức vươn lên.

Đa số người nghèo là do bệnh tật, ốm đau thường xuyên phải đi bệnh viện; cũng có người không may gặp tai nạn rủi ro, không còn sức lao động; có hộ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu tư liệu sản xuất và cũng không loại trừ những gia đình lười lao động, ỷ lại, không có lòng tự trọng, cố tình giành lấy suất hộ nghèo để hưởng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

Những hộ viết đơn xin thoát nghèo ở huyện nghèo Sơn Động chưa hẳn đã có cuộc sống sung túc. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của họ đó là lòng tự trọng, là mong muốn tự lực vươn lên, nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình thật sự khó khăn hơn.

Viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cũng đồng nghĩa họ sẽ “chia tay” với “bầu sữa” hỗ trợ bấy lâu nay, không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Nhưng họ lại thấy vui, coi đó là động lực để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Hy vọng những lá đơn xin thoát nghèo ở Sơn Động sẽ là làn gió đổi thay, hứa hẹn mang đến tương lai tươi sáng hơn trong công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/393866/nhung-la-don-xin-ra-khoi-dien-ngheo.html