Những kỷ vật trường tồn với thời gian

Đến bảo tàng Phòng không Không quân vào một ngày mưa phùn tháng 12, chúng tôi không khỏi xúc động với những kỷ vật được trưng bày trong triển lãm 'Đánh thắng B.52' đang diễn ra tại đây nhân kỷ niệm 45 năm 'Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không'. Xem lại những kỷ vật, những hình ảnh, tư liệu tại Bảo tàng mới thấy được sự hy sinh to lớn của những người đi trước để làm nên một Hà Nội – thành phố vì hòa bình hôm nay.

Hơn 300 tư liệu, hiện vật được giới thiệu tại triển lãm, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được công bố như bức thư của phi công Nguyễn Xuân Thiều gửi về cho gia đình trước ngày ông hy sinh khi dùng máy bay MIG21 lao thẳng vào máy bay B52 của địch trong trận không chiến 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Bức thư có những lời quan tâm, trăn trở và đoán trước được những âm mưu đánh bom của kẻ địch: “Bố mẹ và cả nhà thương yêu, dạo này con bận quá, hầu như ít lúc nào rỗi rãi, có rỗi thì cũng phải ngủ và nghỉ vì khá mệt. Ở nhà, tình hình sức khỏe, sinh hoạt ra sao? Có sơ tán đi đâu không? Con nghĩ ở nhà nên sơ tán bớt lũ trẻ bởi không thể nào lường trước được mức độ ác liệt của những cuộc chiến đấu sắp tới, tụi nó dám dùng B52 để đánh Hà Nội lắm chứ…”. Lá thư vừa được gia đình tặng lại cho bảo tàng Phòng không Không quân.

Kỷ vật, tư liệu được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không Không quân. Ảnh: Bảo Thoa

Kỷ vật, tư liệu được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không Không quân. Ảnh: Bảo Thoa

Hay những hiện vật như một phần của máy bay MiG-21 đã bắn rơi B52 đêm ngày 27/11/1972; bộ quần áo của phi công Phạm Tuân đã mặc khi đối mặt với B52 được trưng bày tại triển lãm. Cùng với đó, một số hình ảnh về ký ức những ngày tháng chống máy bay B52 cũng được sắp xếp, tái hiện sống động. Đại tá Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Phòng không Không quân cho biết, có nhiều tư liệu và hiện vật mới lần đầu được trưng bày lần này như ra-đa đã phát hiện và thông báo B52 bay vào Hà Nội sớm 35 phút, hay những hình ảnh về trận đánh tiêu biểu, những gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội phòng không không quân. Đặc biệt lần này có trưng bày cuốn “sách đỏ” về cách đánh B52.

Theo Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt – Nguyên Phó Tổng tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân, người trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972, thì đây là quyển sách gồm 35 trang, đóng lại bằng bìa đỏ, cho nên gọi là “sách đỏ”. Quyển sách này giúp cho bộ đội tên lửa cách bố trí đội hình, cách tổ chức đánh B52, chỉ người chỉ huy cấp trung đoàn trở lên mới được giữ vì phải đảm bảo bí mật. Một điểm nhấn tại triển lãm lần này là mô hình sa bàn 3D tái hiện một cách trung thực diễn biến 12 ngày đêm bộ đội phòng không - không quân đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Hà Nội khi Mỹ mở chiến dịch Linebeker - chiến dịch quan trọng nhất trong việc tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Việt Nam.

Xem lại những kỷ vật, những hình ảnh, tư liệu tại Bảo tàng, người ta mới thấy được sự hy sinh to lớn của cha ông đi trước để làm nên một Hà Nội – thành phố vì hòa bình hôm nay. Ông Trần Văn Quân, một cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ đến tham quan triển lãm, bày tỏ: “Thật xúc động khi nhìn những kỷ vật này, nhất là những kỷ vật như đồ dùng của các chiến sỹ đã hy sinh để bảo vệ Hà Nội như áo, mũ, những bức thư, nhật ký… Tôi có cảm giác như gặp lại những đồng đội xưa trên chiến trường. Những kỷ vật được trưng bày đã phần nào gợi lại một cách chân thực về sức mạnh của quân, dân Hà Nội với một tinh thần đoàn kết một lòng và ý chí quật cường để chiến thắng những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ”.

Bạn Trần Huyền Anh, sinh viên Đại học Sư phạm đến thăm triển lãm lần này cũng không khỏi xúc động: “Vốn rất yêu thích môn lịch sử cho nên em thường đi xem triển lãm về lịch sử. Em cảm thấy xúc động nhất là lá thư của phi công Nguyễn Xuân Thiều gửi gia đình trước khi hy sinh dũng cảm. Em cũng rất cảm động với kỷ vật lưu giữ mảnh áo bông của liệt sỹ Nguyễn Đức Thuấn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ sơ tán nhân dân, mảnh áo còn vương lại bên miệng hố bom B52 trút xuống Khâm Thiên đêm 26/12/1972”. Tại đây, cũng trưng bày bảng vàng lập công của nhân dân Miền Bắc và những đơn vị tiêu biểu trong chiến dịch. Nhân dân Thủ đô đã bắn rơi được 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52 và 5 máy bay F11, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ, bắn cháy 9 tàu chiến.

Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân xúc động chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc triển lãm: “Đây là những tài liệu, hiện vật phản ánh sinh động về người chiến sỹ phòng không không quân, về quân và dân thủ đô Hà Nội đã không sợ hy sinh gian khổ, chiến đấu anh dũng kiên cường trên mặt trận đối không, về nghệ thuật tác chiến phòng không, về ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri rút hết quân về nước, tạo tiền đề dành thắng lợi mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.” Thời gian càng lùi xa, nhưng qua những hiện vật, tư liệu được lưu trữ lại cùng dòng chảy lịch sử, người xem có điều kiện nhận thức lại một cách đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về tầm vóc to lớn của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-ky-vat-truong-ton-voi-thoi-gian-65863.html