Những ký ức mãi không quên

Đã 65 năm trôi qua, nhưng câu chuyện cảm động về trận chiến đấu kiên cường, dũng cảm của bộ đội chủ lực Sư đoàn 325 cùng du kích xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng (Hà Nam) và cán bộ, nhân dân nơi đây vào ngày 3-7-1954 với quân Pháp tại xóm Buộm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của nhiều người. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, 47 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực và du kích địa phương đã anh dũng hy sinh. Đến nay, vẫn còn 45 ngôi mộ của họ chưa xác định được danh tính.

Cụ Vũ Thị Kim Vinh thắp hương cho liệt sĩ vô danh.

Cụ Vũ Thị Kim Vinh thắp hương cho liệt sĩ vô danh.

Ngày quyết tử

Những ngày tháng bảy tri ân, chúng tôi về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoàng Tây, nhân dịp chính quyền và nhân dân trong xã tổ chức lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sĩ nơi đây. Cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ và những du kích năm xưa thắp hương cho các liệt sĩ, chúng tôi càng thấy rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Trong 150 phần mộ tại nghĩa trang, có đến 47 liệt sĩ cùng hy sinh ngày 3-7-1954.

Trong cuốn lịch sử Ðảng bộ xã Hoàng Tây có ghi: Hoàng Tây là xã nằm ở phía đông bắc huyện Kim Bảng, có địa hình đồng bằng nhưng có vị trí quân sự trọng yếu. Từ Hoàng Tây có thể quan sát tình hình địch và chia cắt quốc lộ 1A khi chúng rút từ Nam Ðịnh lên Hà Nội. Sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ ngày 7-5-1954, quân Pháp tại Hà Nam tư tưởng đều rệu rã. Ðể mở đường cho cuộc rút chạy vào lúc 5 giờ sáng ngày 3-7-1954, địch mở đợt hành quân bằng 20 xe lội nước từ Phủ Lý tiến sâu vào địa phận huyện Kim Bảng. Chúng hành quân từ Phủ Lý qua Ba Ða đến Kim Bình và chia thành hai mũi: mũi thứ nhất qua thôn Trung Ðồng, xã Văn Xá về xã Hoàng Tây; mũi thứ hai qua xã Kim Thanh lên xã Văn Xá đánh về xã Ngọc Sơn. Ðịch điều một tiểu đoàn bộ binh đóng ở bốt Nhật Tựu rải quân từ Yên Phú đến thôn Ðiền Xá, xã Văn Xá. Trên không chúng cho máy bay trinh sát, máy bay B26 ném bom.

Cuối tháng 6-1954, một đại đội của Sư đoàn 325 được cấp trên giao nhiệm vụ đóng quân tại xã Hoàng Tây, làm nhiệm vụ quan sát tình hình địch và đánh chia cắt địch tại đường 1 khi chúng rút từ Nam Ðịnh lên Hà Nội. Bộ đội chủ lực và du kích bố trí thành các cụm chiến đấu ngoài sông Nhuệ, phát hiện địch hành quân bằng xe lội nước, ta rút về xóm Ðông, sang xóm Buộm. Xe lội nước của địch hành quân từ Kim Bình lên Ðình Si, thấy bộ đội ta rút sang xóm Buộm, chúng dừng lại gọi pháo binh ở bốt Nhật Tựu bắn về, phối hợp pháo trên xe và bộ binh, đồng loạt tiến công vào trận địa của ta tại xóm Buộm. Sau các đợt pháo kích, chúng dồn tiểu đoàn bộ binh và quân từ các xe lội nước tỏa ra càn quét vây hãm. Trước sức tấn công ồ ạt của kẻ thù, với tinh thần quả cảm, kiên trung, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ du kích Hoàng Tây khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu. Thế trận diễn ra quyết liệt giữa kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại, quân số đông với một bên là lực lượng cách mạng chiến đấu gồm hai thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến không cân sức diễn ra dai dẳng, quyết liệt. Ta không chịu lùi bước trước sức tiến công của kẻ thù, quyết tâm chốt giữ từng ngôi nhà, từng ngõ xóm.

Với khí thế chiến đấu anh hùng của bộ đội chủ lực, du kích và nhân dân Hoàng Tây, địch bị tổn thất nặng nề và rút chạy. Chúng điều máy bay trực thăng từ Hà Nội xuống vận chuyển thương binh. Trong trận chiến đấu này, 45 bộ đội chủ lực thuộc một đại đội của Sư đoàn 325 và hai du kích xã Hoàng Tây là Nguyễn Văn Can, Lê Văn Nhân anh dũng hy sinh; hai du kích xã bị thương.

Tâm nguyện của người ở lại

Mặc dù ngày chiến đấu quyết tử ấy cách đây đã tròn 65 năm, nhưng ký ức vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những du kích từng tham gia. Ðó là cụ Lê Văn Bao (83 tuổi), Vũ Thị Kim Vinh (85 tuổi), Vũ Thị Trịnh (83 tuổi) cùng trực tiếp tham gia trận chiến đấu ác liệt năm xưa.

Nhắc lại ngày ấy, cụ Vũ Thị Kim Vinh mắt rớm lệ: Ngày đó tham gia đội du kích của xã, chị em tôi còn trẻ, hăng hái lắm. Trong lúc chiến đấu, tôi bị thương, bị địch bắt cùng với bà Trịnh. Chúng đưa về tận nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội) để giam. Ngày địch trao trả tù binh, em Trịnh còn chưa đi được, tôi phải tìm đường về quê báo tin để gia đình lên đón.

Nhìn những bia mộ vẫn ghi dòng chữ Vô danh, bà Vinh nghẹn ngào: Chị em tôi may mắn hơn đồng đội đã ngã xuống, các anh còn trẻ lắm, cùng chiến đấu mà chưa kịp biết tên ai, chỉ biết là phần lớn chưa lập gia đình, là người nói tiếng Nghệ An, Quảng Trị. Từ bấy đến nay, chúng tôi ngày đêm mong mỏi, mà chưa có người thân của các anh tìm về. Thương các anh lắm, đã bao năm nằm lại trên quê hương Hoàng Tây. Hằng năm, vào các ngày lễ, chúng tôi về thắp nén hương trên phần mộ tưởng nhớ đến sự hy sinh cao cả của các anh...

Giờ đây, những du kích năm xưa cùng chiến đấu với bộ đội Sư đoàn 325 chỉ còn cụ Bao, cụ Vinh và cụ Trịnh, đều đã ngoài tám mươi tuổi. Các cụ đều có chung một niềm mong mỏi sớm có một tấm bia lớn được dựng lên nơi 47 người đã hy sinh và xác minh được tên, tuổi, quê quán từng người, để họ mãi không phải là những liệt sĩ Vô danh.

Nói về trận đánh ngày ấy, đồng chí Nguyễn Thị Thiện, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Tây cho biết: Ðã 65 năm trôi qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Tây luôn khắc ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã ngã xuống. Chúng tôi mong muốn sớm có một tấm bia tưởng niệm để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ, ghi nhận sự hy sinh dũng cảm của thế hệ cha anh.

Bài, ảnh: Ðào Phương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41170502-nhung-ky-uc-mai-khong-quen.html