Những kỷ niệm xúc động với ngành Dầu khí

Qua lời kể của ông Trần Quân Ngọc, nguyên thư ký của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, lịch sử vẻ vang, hào hùng của ngành Dầu khí được tái hiện sinh động. Đó thật sự là một bản hùng ca được viết nên từ sự lao động cống hiến quên mình, từ mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh của lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, người lao động Dầu khí.

Là một trong những sinh viên đầu tiên của Việt Nam được cử sang Liên Xô học từ năm 1954, đến năm 1972 ông Trần Quân Ngọc về nước làm công tác nghiên cứu hóa học, tham gia lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa Việt Nam. Do học về hóa, thông thạo tiếng Nga, khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ trước, ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, theo dõi về ngành hóa, dầu khí và công nghiệp quốc phòng. Sau đó, ông được giao đặc trách theo dõi ngành Dầu khí và làm thư ký cho đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách công nghiệp và xây dựng cơ bản (sau là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Sau chiến tranh, ông Trần Quân Ngọc đã theo dõi, hỗ trợ nhiều công tác trong ngành Dầu khí, từ những bước sơ khai, tham gia các cuộc đàm phán với các nước, xây dựng cảng, giàn khoan, công trình trọng điểm... và được chứng kiến những giờ phút lịch sử của ngành.

Ông Trần Quân Ngọc thời trẻ

Ông Trần Quân Ngọc thời trẻ

Ông Trần Quân Ngọc kể lại: Sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam ký một loạt hợp đồng với các công ty nước ngoài như Deminex (CHLB Đức), Agíp (Italia), Bow Valley (Canada) để họ thăm dò dầu khí cho Việt Nam, nhưng sau một thời gian hoạt động không đem lại kết quả cụ thể nào nên các hợp đồng đã bị chấm dứt.

Từ năm 1980, Bộ Chính trị thấy rằng, nếu chỉ dựa vào hợp tác với các nước thì khó có thể hình thành được ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, do đó đã quyết định đàm phán và dựa vào sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô. Ngày 3-7-1980, Việt Nam ký với Liên Xô Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đến ngày 19-6-1981, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro.

Xây dựng cảng dầu khí trong 100 ngày

Việc chúng ta quyết định xây dựng cảng, các cơ sở chế tạo, lắp ráp giàn khoan ở Vũng Tàu có ý nghĩa rất quan trọng. Khi Việt Nam ký hợp tác với Deminex, Agíp, Bow Valley, lúc đó chúng ta chưa có dịch vụ dầu khí. Họ bảo rằng, tất cả dịch vụ dầu khí phục vụ cho khoan, thăm dò sẽ sử dụng từ Singapore. Nếu sử dụng dịch vụ từ Singapore sẽ rất đắt.

Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng cùng phái đoàn Liên Xô họp bàn về Hiệp định thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu khí với Liên Xô

Trước tình hình đó, Chính phủ quyết định xây dựng gấp cảng chuyên dùng dầu khí và giao cho ông Nguyễn Ngọc Sớm, một trong những cán bộ chủ chốt của ngành Dầu khí lúc đó đảm nhiệm việc này. Ông Sớm cam kết trong 100 ngày sẽ làm xong cảng, để cho những tàu dịch vụ, tàu 10.000 tấn có thể ra vào được. Thế nhưng, trong lúc đang thi công xây dựng cảng thì có nhiều ý kiến cho rằng chắc chắn sẽ thất bại vì ở các nước, thông thường phải mất mấy năm mới làm xong một cảng, còn chúng ta chỉ trong 100 ngày thì không thể nào làm được. Vì vậy, dự án bị đề nghị đình lại vì lo ngại sẽ tốn công vô ích. Tuy nhiên, trước khi giao nhiệm vụ làm cảng cho ông Nguyễn Ngọc Sớm, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký một quyết định với nội dung cho phép ông Sớm toàn quyền quyết định các vấn đề xây dựng cảng. Nên khi dự án bị đề nghị dừng lại, ông Sớm đưa quyết định đó ra và kiên quyết tiếp tục triển khai dự án. Cuối cùng, trong 100 ngày, cảng đã xây dựng xong, tàu cập được cảng. Sau đó, các công ty dầu khí nước ngoài phải ký với chúng ta hợp đồng sử dụng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô ký Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro

Để xây dựng được cảng dầu khí trong thời gian kỷ lục, thời kỳ đó phải huy động một lực lượng lớn gồm công nhân, cán bộ kỹ thuật, các chiến sĩ từ Binh đoàn 308 ra giúp sức. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong quân đội chuyển ngành ra làm công việc xây dựng, làm ngày đêm không nghỉ với quyết tâm xây dựng cảng trong điều kiện vô cùng thiếu thốn…, ông Trần Quân Ngọc nhớ lại.

Không chỉ lao động trong nước, trong thời kỳ đầu Liên Xô cũng cử sang Việt Nam nhiều chuyên gia dầu khí có kinh nghiệm, rất nhiệt tình. Trong đó có Giám đốc đầu tiên của Vietsovpetro là ông Mameđốp, nguyên là Tổng cục phó Tổng cục Khai thác dầu tại biển Caspi. Ông là người rất điềm đạm, hết lòng chỉ bảo, chia sẻ kinh nghiệm cho các chuyên gia kỹ thuật của nước ta. Còn ông Ardanốp, chánh kỹ sư của Vietsovpetro, nguyên là kỹ sư trưởng của mỏ dầu Chiumen, Liên Xô, là người từng được giải thưởng Lênin về việc cải tiến khai thác dầu khí, tính tình bộc trực, thấy ai làm sai, hay kỷ luật kém, không chăm chỉ… là ông nhắc nhở ngay.

Chai dầu đầu tiên lấy lên từ thềm lục địa được ông Bacalô, Tổng lãnh sự Liên Xô ở Vũng Tàu đem đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ông Trần Quân Ngọc kể lại, khi công tác ở nước ta, ông Ardanốp làm việc rất say sưa, quên cả ăn, ngủ, mới sang ta được ít lâu mà người gầy rộc đi. Một lần đồng chí Đỗ Mười vào công tác thấy vậy mới giật mình bảo: “Sao đồng chí Ardanốp dạo này trông gầy và già đi ghê thế, chắc là làm việc quên mình?”. Ông Ardannốp trả lời: “Đúng là như vậy! Tôi làm việc vất vả quá, mà cũng thiếu thốn nhiều thứ...”. Đồng chí Đỗ Mười băn khoăn mãi với suy nghĩ họ giúp đỡ mình chứ mình chưa giúp đỡ được gì cho họ nên rất áy náy. Sau đó, các chuyên gia của Liên Xô được hưởng chế độ đặc biệt, với thức ăn, thức uống hằng ngày tốt hơn. Đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo thư ký Trần Quân Ngọc viết một thư thăm hỏi và kèm theo thư là gửi cho các lãnh đạo của Vietsovpetro một số trà sâm để bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe.

Bức ký họa của ông Trần Quân Ngọc về cảnh xây dựng cảng Dầu khí

Với sự hăng say lao động quên mình, sự đoàn kết của cả một tập thể lớn các chuyên gia và công nhân hai nước Việt - Xô, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã xây dựng xong cảng chuyên dùng dầu khí, các cơ sở chế tạo và lắp ráp giàn khoan và nhiều hạng mục quan trọng khác. Việc thăm dò dầu khí trên biển cũng được triển khai nhanh chóng.

Ngày 30-4-1984, tàu khoan Mikhain Mirchink đã khoan trúng lớp đá có chứa dầu tại tầng móng Bạch Hổ. Ngày 24-5-1984, mũi khoan này tiếp tục phát hiện dòng dầu công nghiệp.

Đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ

Khi có dòng dầu công nghiệp đầu tiên, chúng ta tổ chức lễ đốt đuốc vào ngày 7-3-1985, để đánh dấu thời điểm bắt đầu khai thác dầu thô quy mô công nghiệp, mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp dầu khí và nền kinh tế nước ta.

Lá thư đồng chí Đỗ Mười viết căn dặn ông Trần Quân Ngọc chuẩn bị thư thăm hỏi và gửi một ít trà sâm cho các lãnh đạo Vietsovpetro bồi bổ phục hồi sức khỏe

Vì là sự kiện rất quan trọng nên lãnh đạo Vietsovpetro đã mời cả 3 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Tố Hữu tham dự lễ đốt đuốc. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta chỉ có bay trực thăng MI-8 vận chuyển công nhân và kỹ sư từ đất liền ra giàn khoan và ngược lại. Để bảo đảm an toàn cho chuyến đi, sau khi bàn bạc, Ban tổ chức quyết định dùng chiếc tàu nghiên cứu khoa học Gambursev của Liên Xô để chở đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra mỏ Bạch Hổ dự lễ đốt đuốc.

Theo kế hoạch, chỉ một đêm đến sáng hôm sau là tàu có mặt tại giàn khoan. Tuy nhiên, đến nửa đêm, bão đến một cách bất ngờ, sóng lên cao đến 4-5m, không ai chịu được, “Trừ các thủy thủ chuyên nghiệp, tất cả đều nôn mửa mật”, ông Trần Quân Ngọc nhớ lại.

Lúc đó ông Trần Quân Ngọc cũng say sóng đến độ không biết gì. Vài giờ sau, khi bão giảm đi, ông tỉnh dậy và bò theo cầu thang lên tầng trên để xem tình hình sức khỏe các đồng chí lãnh đạo. Đến nơi, ông Ngọc thấy trán đồng chí Phạm Văn Đồng ướt đẫm mồ hôi, bảo là đang rất khó chịu vì muốn nôn mà không nôn được. Cạnh đó là một chiếc điện thoại to rơi từ trên xuống, còn đồng chí bảo vệ nằm trên sàn, súng một nơi, người một nơi, không biết gì cả…

Gần sáng, tàu đến giàn khoan Ekhabi. Hàng trăm công nhân, kỹ sư Việt Nam - Liên Xô và đại biểu các bộ, ngành, địa phương ra đứng cạnh lan can, vui mừng vẫy chào đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, vì sóng vẫn còn rất mạnh nên tàu không thể cập được vào giàn khoan mà phải đi vòng quanh. Hai bên nói chuyện với nhau qua điện đài. Ông Ngọc hồi tưởng lại, trong nắng sớm, giàn khoan Ekhabi nổi lên trên nền trời vàng rực, hùng vĩ soi mình trên nước biển xanh ngắt. Từ tàu Gambursev, trong niềm hân hoan vô tận, qua hệ thống loa phóng thanh phát lên rất mạnh, đồng chí Phạm Văn Đồng nói chuyện với công nhân, cán bộ, các đại biểu có mặt trên giàn khoan, cảm ơn và chúc mừng những thành tựu bước đầu mà các công nhân, cán bộ hai nước đã đạt được. Đồng chí Phạm Văn Đồng ví mỏ dầu như một cô công chúa xinh đẹp ngủ dưới đáy biển và được các chàng hoàng tử của hai nước Việt - Xô đánh thức. Nàng công chúa ấy đã hóa thân thành ngọn lửa, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nước ta.

Lát sau, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng, Nhà nước ra lệnh đốt đuốc và từ đầu một ống thép vươn ra biển, một ngọn lửa khổng lồ dài hàng chục mét bùng cháy sáng rực cả một khoảng trời, đó là ngọn lửa đốt khí đồng hành thu được khi khai thác dầu thô.

Trong giây phút đầy rung cảm đó, mọi người đứng cạnh nghe đồng chí Phạm Văn Đồng nói một câu với giọng trầm ấm: “Giá Bác Hồ được chứng kiến cảnh tượng này!”. Mọi người đều lặng đi vì xúc động!

Sau này, để ghi lại những kỷ niệm về chuyến đi đó, đồng chí Tố Hữu đã viết bài thơ “Ngọn lửa”. Ông Trần Quân Ngọc cũng làm bài thơ “Ngọn đuốc giữa Biển Đông” thuật lại lễ đốt đuốc, thử vỉa dầu đầu tiên trên thềm lục địa phía Nam: “…Ekhabi đứng giữa biển Đông/ Mặt trời dậy, sáng bừng khối thép/ Càng đẹp thêm ngọn đuốc rực hồng/ Từ đài chỉ huy tàu Gambursev/ Bác Tô nhìn sang, đôi mắt nheo cười/ Bác chúc mừng những thợ khoan Xô - Việt/ Khoan trúng vỉa dầu dưới đáy biển khơi/ Nhìn ngọn đốc sáng trên biển cả/ Lòng vui sao nước mắt ứa trào!/… Trong giờ phút sướng vui tràn ngập/ Lòng bỗng dưng nghẹn nhớ Bác Hồ…”.

Hết lòng với cơ sở dầu khí

Ông Trần Quân Ngọc cho biết, sau chiến tranh, ngành Dầu khí được xem là lĩnh vực rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển nên được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, đặc biệt là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng chí Đỗ Mười đã theo dõi chặt chẽ, đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành Dầu khí. Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa, đồng chí Đỗ Mười khi đó đã cho các lãnh đạo Vietsovpetro một đặc quyền là có khó khăn, vướng mắc gì cần sự can thiệp, giúp đỡ của Chính phủ thì có thể tới “gõ cửa” nhà ông bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm. Và, các lãnh đạo Vietsovpetro đã làm đúng như vậy. Khi có gì quan trọng thì dù đêm hôm, lãnh đạo Vietsovpetro cũng gọi ra cho đồng chí Đỗ Mười và được đồng chí giúp giải quyết vấn đề ngay. Ngoài ra, ngành Dầu khí được tăng cường nhiều cán bộ kinh nghiệm, năng nổ, từng lãnh đạo nhiều công trình trọng điểm của đất nước trong thời kỳ đầu như: Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Hòa, Phan Tử Quang…

Trong thời kỳ đầu, khi quy chế hoạt động của ngành Dầu khí còn chưa rõ ràng, nhiều vấn đề phải trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Do đó, đòi hỏi thư ký phải là người hiểu biết rất rõ về ngành, về từng công trình, dự án cụ thể để có thể trình bày, giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đánh giá đúng vấn đề và đưa ra quyết định chính xác. Ông Trần Quân Ngọc nhớ lại việc trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt khoan mũi BH04 mỏ Bạch Hổ là một quyết định rất “cân não”. Cụ thể, khi khoan mũi BH05, chúng ta khoan cạnh mũi khoan của Công ty Mobil (Mỹ) trước đó để kiểm tra lại các số liệu có chính xác hay không. Mũi khoan đầu tiên này may mắn khoan trúng dầu ở tầng đá móng. Tuy nhiên, một mũi khoan chưa thể khẳng định được điều gì, chưa biết diện tích mỏ rộng hay hẹp, cấu tạo như thế nào, nên chúng ta quyết định khoan thêm mũi BH04. Khi đó, Vietsovpetro đề xuất khoan mũi BH04 cách BH05 đến 10km. Ngay lập tức, nhiều ý kiến phản đối cho rằng khoan như thế quá xa, nếu khoan xuống mà thất bại, không có dầu thì sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, một mũi khoan tốn đến hàng triệu USD. Vì thế, không ai dám quyết định và việc này được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Với vai trò là chuyên viên, ông Trần Quân Ngọc, bằng những kiến thức của mình và tìm hiểu kỹ lập luận của các bên, đã báo cáo và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký đồng ý khoan mũi BH04. Và, đó là một quyết định chính xác.

Trong thời gian làm việc ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách về ngành Dầu khí, ông Trần Quân Ngọc luôn nỗ lực, hỗ trợ hết mình cho cơ sở dầu khí để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười: “Hết sức giúp đỡ, phải bắt tay vào cùng làm, coi đó là việc chung của đất nước mà làm đến nơi, đến chốn”. Ông Ngọc vẫn nhớ, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ Mười từng dặn dò ông rằng, những anh em dầu khí hầu hết là bộ đội chuyển ngành, một số anh em học ở nước ngoài về chủ yếu là học về kỹ thuật, nên một số vấn đề về kinh tế, hợp đồng… còn chưa thông thạo, mình phải lao vào hỗ trợ, đừng câu nệ nghĩ mình là cấp trên, ở Hội đồng Bộ trưởng mà toàn chỉ đạo không thôi. Với ông Trần Quân Ngọc, đó là những bài học rất lớn, là kim chỉ nam trong suốt quá trình công tác liên quan đến ngành Dầu khí.

Nhớ lại những bước đi đầu tiên và nhìn bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp dầu khí hôm nay, ông Trần Quân Ngọc tin tưởng rằng những công nhân, cán bộ đầy bản lĩnh, năng nổ, sáng tạo của ngành Dầu khí Việt Nam ngày nay sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống đầy tự hào để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành Dầu khí.

Mai Phương (ghi)

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-ky-niem-xuc-dong-voi-nganh-dau-khi-539337.html