Những kỷ niệm với Trung tướng Phạm Hồng Cư

Trung tướng Phạm Hồng Cư (1926-2021), tên thật là Lê Đỗ Nguyên, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1986-1995), Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 2 (1978-1986). Ông sinh ngày 11 tháng 2 năm 1926, quê ở xã Đông Cương, huyện Đông Sơn (nay là Phường Đông Cương, Thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông vừa rời cõi tạm về cõi vĩnh hằng ngày 27-1-2021.

Tôi biết Trung tướng Phạm Hồng Cư từ khi ông là Đại tá, Cục trưởng Cục Văn hóa, Tổng cục Chính trị. Đó là năm 1979, khi tôi là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi làm luận văn tốt nghiệp về văn học phương Tây dưới sự hướng dẫn của Phó giáo sư Đặng Thị Hạnh, vợ của Trung tướng Phạm Hồng Cư. Mỗi lần tôi đến nhà riêng của cô Hạnh ở 16 Lý Nam Đế để nộp bài và nghe cô nhận xét thì chồng cô nhiệt tình đón tiếp và trò chuyện thân tình, cởi mở.

Năm 1981, tôi là phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân lên công tác ở Quân khu 2 thì lúc đó Trung tướng Phạm Hồng Cư là Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 2. Tôi được đi cùng ông lên Quân đoàn 29, tới một đơn vị đóng quân ở Lai Châu để dự cuộc họp "đầu bờ" về chống quân phiệt. Thời kỳ đó, hiện tượng quân phiệt của cán bộ với chiến sĩ xảy ra ở nhiều đơn vị nên Quân khu 2 chọn một đơn vị làm điểm để chấn chỉnh kịp thời thực trạng này. Hội trường của đơn vị là căn nhà tranh tre nứa lá nằm bên cạnh sườn núi. Sương mù bao phủ, gió bấc thổi hun hút, cái rét tái tê lùa vào mà ai nấy đều không đủ áo ấm, cứ co ro chịu lạnh. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó tư lệnh Phạm Hồng Cư không khỏi bức xúc. Ông lên phát biểu và chỉ trích gay gắt hiện tượng cán bộ chỉ huy cấp cơ sở có những hình thức kỷ luật thái quá đối với chiến sĩ. Ông chỉ ra những nguyên nhân và đồng thời nêu lên những biện pháp cụ thể để khẩn trương chấm dứt tình trạng này. Ông cho rằng, cán bộ chỉ huy đã vô tình làm giảm sút sức chiến đấu, phá vỡ quan hệ cán binh, mất đoàn kết nội bộ, trong khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc đang diễn ra căng thẳng. Ông yêu cầu các đơn vị cần tổ chức ngay những cuộc họp rút kinh nghiệm và gặp gỡ chiến sĩ, dân chủ bàn bạc, nhận khuyết điểm trước anh em…

Năm 1984, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới phía Bắc diễn ra nóng bỏng ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Tôi lên đây công tác và lại được gặp, làm việc với ông tại sở chỉ huy tiền phương của Quân khu 2. Đó là giai đoạn chiến sự căng thẳng và ác liệt nhất. Ông và Thiếu tướng Lê Duy Mật thường thông báo cho chúng tôi kế hoạch tác chiến những ngày sắp tới để chúng tôi phân công nhau theo dõi. Một buổi chiều hè, ông cho chúng tôi biết về trận đánh của bộ đội pháo binh sáng sớm hôm sau đánh vào điểm cao 1509. Tôi được tổ công tác phân công tối hôm ấy vào đơn vị pháo binh để sáng hôm sau tường thuật cuộc đấu pháo. Rồi vài ngày sau đó, ông lại thông báo chiến sự diễn ra ở Bạch Đích, Yên Minh. Cứ như vậy, tôi đã kịp thời có mặt nơi mặt trận nóng bỏng để kịp thời đưa tin bài về.

Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ảnh: Trần Hồng.

Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ảnh: Trần Hồng.

Mấy năm sau ông chuyển về Hà Nội, làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác văn hóa văn nghệ, báo chí và theo dõi các đoàn thể. Thời kỳ này tôi được đi công tác với ông nhiều hơn. Dự nhiều hội nghị ở các đơn vị trong toàn quân, tôi thấy ông có khả năng nắm bắt vấn đề rất nhanh. Khi phát biểu kết luận hội nghị, ông đưa ra những nhận xét, đánh giá rất sắc sảo; chỉ đạo các đơn vị tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, bứt phá đi lên.

Một lần, trong cuộc họp tổng kết về hoạt động đoàn và phong trào thanh niên, khi phát biểu chỉ đạo, ông nói: Triển khai các nhiệm vụ ở đơn vị, bao giờ đoàn viên thanh niên cũng là lực lượng xung kích đi đầu. Nhưng tôi thấy, một năm mà các đồng chí phát động liên tục nhiều phong trào thi đua, phong trào nọ gối đầu lên phong trào kia là không ổn. Sức người có hạn, chưa hết phong trào nọ lại đến cao trào kia thì sức nào chịu nổi. Đoàn viên thanh niên cứ phải căng mình ra để cố hoàn thành mục tiêu thi đua, không còn có lúc nào được nghỉ ngơi, thư giãn để lấy lại sức. Chủ nhật cũng không được nghỉ. Như vậy là không được. Các đơn vị phải rút kinh nghiệm về việc phát động phong trào thi đua; phải dành thời gian nhất định để đoàn viên thanh niên tái tạo sức lao động. Không thể xung kích liên miên được...".

Cũng trong hội nghị, ông nhắc tới bài báo tường ở một đơn vị phía Nam do một đoàn viên viết:

Hôm qua lợp lại chuồng heo

Thanh niên xung kích phải leo mái nhà

Hôm nay sửa chữa chuồng gà

Lực lượng xung kích vẫn là thanh niên

Xung kích, xung kích liên miên

Xung kích như thế phát điên phát rồ

Đến một đơn vị ở phía Bắc, ông nghe anh em đoàn viên nói về vị trung đoàn trưởng, cứ ngày nghỉ chủ nhật lại động viên anh em vào rừng tìm kiếm gỗ lim, gỗ lát rồi xẻ ra, chuyển về quê cho mình. Anh em cũng làm mấy câu thơ mà ông nghe được:

Chân đi điệu lát

Tay múa điệu lim

Thủ trưởng đi tìm

Chúng em đi vác

Vừa đi vừa hát

Lát lát, lim lim

Ông bảo: Thế đấy. Việc riêng của thủ trưởng cũng lợi dụng lực lượng xung kích là thanh niên thì không thể chấp nhận được! Chính sự đi sâu, đi sát chiến sĩ, ông mới nắm bắt được những hiện trạng đáng phê phán và cần phải chấn chỉnh đó.

Một lần lên dự cuộc hội thảo về đổi mới chương trình và mục tiêu đào tạo của Trường Sĩ quan Chính trị - quân sự. Cuối buổi hội thảo, ông lên phát biểu chỉ đạo. Ông đã phát hiện ra những điều bất hợp lý và yêu cầu điều chỉnh ngay. Ông nói: Các đồng chí đưa vào chương trình quá nhiều nội dung, đề ra mục tiêu không phù hợp. Trường ta đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội thì nội dung chính phải là chính trị chứ không thể ôm đồm nhiều nội dung khác. Tôi thấy các đồng chí mời giảng viên các trường đại học về giảng dạy nhiều môn. Nhưng không có môn nào chuyên sâu mà chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Văn, sử, nhạc, họa, ngoại ngữ đều học. Đặc biệt, nhạc giao hưởng, thính phòng mà các đồng chí phát trên hệ thống loa truyền thanh rồi cho anh em tập trung nghe thì không được. Nhạc ấy sao lại phát qua loa nén công suất cao để học viên thưởng thức. Vì vậy, nhà trường phải điều chỉnh ngay nội dung, chương trình đào tạo.

Nói chuyện ở nhiều đơn vị trong toàn quân, ông đã truyền đạt nhiều kiến thức văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc và đất nước. Đặc biệt, ông phân tích rõ về danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông nói: Lâu nay chúng ta vẫn nghe “Bộ đội Cụ Hồ” và nhiều người cứ nghĩ rằng danh xưng đó do Đảng, Nhà nước đặt ra. Nhưng không phải, danh xưng đó do nhân dân ta yêu mến, cảm phục quân đội nên đã phong tặng cho. Và có người lại gọi là “Anh Bộ đội Cụ Hồ”. Không phải. Chỉ có “Bộ đội Cụ Hồ” thôi.

Đi với ông những chuyến công tác ở đơn vị như vậy nên tôi đã viết được nhiều bài báo tâm đắc về hoạt động đoàn và công tác thanh niên quân đội trong thời gian dài.

Gần ông, tôi càng nhận ra rằng, ông là một cán bộ quân đội lão thành, uyên thâm nhiều lĩnh vực. Có thể gọi ông là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà tuyên huấn, nhà chính trị.

Trải qua các cương vị Cục phó Cục Tuyên huấn, Cục trưởng Cục Văn hóa, Tổng cục Chính trị; Phái viên Tổng cục Chính trị tại chiến trường B5, tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; Phó tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại ấn tượng sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Nhớ về ông, tôi lại nhớ về vị tướng có tư duy nhạy bén, mạch lạc, có cách nói chuyện khúc chiết, dễ hiểu, có tác phong giản dị, dễ gần.

BÙI ĐỨC TOÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nhung-ky-niem-voi-trung-tuong-pham-hong-cu-650699