Những kỷ niệm về nhà tình báo Trần Quốc Hương (kỳ cuối)

Sự kiên trung và khéo léo khi ứng phó với đối phương của ông Mười Hương đã đạt đến nghệ thuật hoàn hảo, tới mức tuy ở trong lao Thừa phủ Huế nhưng ông vẫn gợi ý hướng dẫn ông Vũ Ngọc Nhạ sắm vai như thế nào để được Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu tin cậy và ông Nhạ đã trở thành cố vấn của 2 đời tổng thống VNCH.

BẬC THẦY VỀ CÔNG TÁC BÍ MẬT

Trong sự an toàn và vỏ bọc hoạt động bí mật của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người ta ít nhắc đến công lao của nhà tình báo Trần Quốc Hương mà như ông Ẩn thường tâm sự: "Nếu không có ông Mười thì không có Ẩn này đâu!".

Từ tháng 4-1972, ông Mười Hương vừa là Trưởng ban An ninh T4 vừa là Phó bí thư Sài Gòn - Gia Định, đồng thời nhận nhiệm vụ của Đảng phân công phụ trách Thành đoàn trong tình thế cực kỳ khó khăn: Phong trào đô thị do Thành đoàn làm xung kích đang tạm lắng.

Các ông Mười Hương, Sáu Ngọc và đồng sự cùng lúc thực hiện 3 công việc nặng nề: gầy dựng lại lực lượng ở Sài Gòn đã bị địch càn quét, bắt bớ, khủng bố, đánh phá; nhanh chóng phát triển phong trào để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn trước, trong và sau Hiệp định Paris, đồng thời vừa phải giữ cho lực lượng nội đô an toàn, vững chắc...

Cũng chỉ trong ngần ấy thời gian, lực lượng an ninh T4 đã gặt hái nhiều kết quả đáng phấn khởi: giữ được các cán bộ và cơ sở Thành đoàn; ông Mười Hương và ông Lê Thanh Vân cùng các cán bộ an ninh đã phát hiện ra âm mưu, tổ chức, phương thức hoạt động phá hoại phong trào công khai của địch, tiêu diệt chúng từ trong trứng nước.

Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang), chỉ huy của những huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy...

Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang), chỉ huy của những huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy...

Là bậc thầy về công tác bí mật cũng như sử dụng công tác này để tạo điều kiện cho hoạt động công khai và ngược lại, ông Mười Hương, ông Sáu Ngọc cùng các cán bộ an ninh đã chỉ đạo phong trào đô thị tiến lên bước mới vững chắc mà nòng cốt là những Cụm Điệp báo An ninh, trong đó có cụm A10, và số cơ sở làm lõi trung tâm cho các hoạt động công khai của phong trào đô thị...

PHẢI CÓ CÁI ĐẦU LẠNH, TRÁI TIM NÓNG VÀ BÀN TAY SẠCH

Chiều tối 21-4-1975, dưới ánh đèn dầu trong căn nhà của một nông dân bên bờ kênh ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa (Long An), nằm sát Tân Nhật - Tân Kiên - Bình Chánh (Gia Định), sau khi Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức tổng thống VNCH và chửi Mỹ bỏ rơi ngụy, các ông Mười Hương, Sáu Ngọc đã triệu tập số cụm trưởng và cán bộ trên đường hành quân về giải phóng thành phố họp hội ý về tình hình nhiệm vụ cấp bách sắp tới.

Ông Sáu Ngọc nhắc lại chỉ thị của Đảng lúc này là phải "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng" đồng thời "truyền đạt tức khắc đến cơ sở nội đô". Lúc này ông Mười Hương vào ở tạm trong con hẻm rộng tại Bà Quẹo, giáp Q11 và Hóc Môn (giờ gần khu chợ Bà Hoa, cuối đường Tân Kỳ Tân Quý), căn nhà nhìn bên ngoài trông bình thường nhưng có 3 điều tối thiểu cần thiết: gần những con hẻm khác, có thể quan sát và biết được di biến động của những nhà chung quanh; trong khu vực có người của ta và các mẹ, các chị sẵn sàng giúp đỡ khi xảy ra tình huống nguy hiểm.

Tiểu đội tiếp cận đi với ông Mười Hương biết mình sắp sống trong những giờ phút lịch sử của đất nước. Anh em trang bị AK xếp gọn trong ba lô và 5 quả lựu đạn mỗi người, đưa ông Mười Hương về hướng Củ Chi, số còn lại trong vai lính thủy quân lục chiến từ Quảng Trị về sẽ quyết liệt chống trả nếu xảy ra sự cố. Ông Mười Hương cùng các đồng sự an ninh được phân công phụ trách mảng nổi dậy ở nội đô, đặc biệt chú ý động thái của Mỹ trong việc thay con bài Thiệu và dự đoán chắc chắn người đó không ai khác là tướng Dương Văn Minh - một viên tướng VNCH có lịch sử hoạt động phức tạp nhưng cũng dễ bị tác động nhất.

Nhiệm vụ của Trung ương Đảng và Trung ương Cục truyền đạt rất cụ thể đến Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và ông Mười Hương quyết tâm bằng mọi giá phải chớp lấy thời cơ vàng, giải phóng miền Nam trong năm 1975, nhưng ít đổ máu nhất, ít thương vong nhất và phải cố gắng giữ được sự toàn vẹn của thành phố Sài Gòn.

Chiều 26-4-1975, ông Mười Hương chỉ thị các cụm tình báo bằng mọi cách vận động các dân biểu còn ở lại tìm cách đưa Dương Văn Minh lên làm tổng thống VNCH và thực hiện ngừng bắn, nói rõ với họ đó là cách giảm bớt thương vong khi Quân đội Mặt trận đã nổ súng tấn công vào Sài Gòn. Ngày 27-4-1975, trong lúc tiếng bản giao hưởng Moon light Sonata của nhà soạn nhạc Beethoven vang lên nhẹ nhàng trong căn phòng rộng nhìn ra vườn của căn nhà ông Mười Hương đang tạm dừng chân, thì ở trung tâm Sài Gòn, ngày càng nhiều người di tản được nhồi nhét lên những chiếc máy bay C.141. Các nhánh tình báo, điệp báo của ta dưới sự lãnh đạo của ông Mười Hương cùng các đồng nghiệp Quân đội đã "tấn công" tác động dồn dập đến tướng Dương Văn Minh và cuối cùng cũng thuyết phục được viên tướng này nghĩ đến lợi ích dân tộc, chấp nhận buông súng đầu hàng trong hòa bình.

6 giờ sáng 30-4-1975, Dương Văn Minh nhấc điện thoại, mọi con mắt dồn vào nét mặt mệt mỏi của ông ta và tiếng của tân tổng thống cất lên như một lời trách móc tuyệt vọng: "Không còn chút hy vọng gì về việc thương thuyết à?... Vâng, chúng tôi sẽ tuyên bố...". Mọi người đều đoán bên kia đầu dây là một vị thượng tọa có ảnh hưởng mạnh mẽ với Minh, nhưng họ không biết bên cạnh đó có một trinh sát điệp báo An ninh T4.

Sau đó là những giờ phút cả dân tộc đều choáng ngợp bởi niềm kiêu hãnh, nỗi hân hoan tột cùng khi cuộc chiến dai dẳng, tàn khốc đã thực sự chấm dứt bằng lời kêu gọi quân đội Sài Gòn đơn phương ngừng bắn để bàn giao cho Cách mạng của tổng thống cuối cùng của chính quyền VNCH Dương Văn Minh.

Ngay khi nghe qua radio lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh, ông Mười Hương bỗng ứa nước mắt nhớ đến vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bác ơi, miền Nam được giải phóng rồi, tiếc rằng chúng con không được đón Người vào thăm...".

Ông Mười Hương rời miền Bắc khi mái tóc hãy còn đen, mà nay đã lấm tấm muối tiêu lúc vào thành phố trực tiếp sắp xếp cho màn kết thúc cuộc chiến 20 năm, nếu tính luôn thời Pháp là 30 năm, mà cũng chẳng ai ngờ chuyến đi sau khi ông nhận nhiệm vụ, tranh thủ về thăm mẹ, được bà nấu cho nồi cháo thịt, cảm nhận hơi ấm nóng từ những giọt nước mắt của bà rơi trên mặt ông đêm đó, ban đầu dự định chỉ 6 tháng đã kéo dài tới 10 năm...

Sáng suốt, bản lĩnh, kiên cường trong bất cứ hoàn cảnh nào, "kiến trúc sư trưởng ngành tình báo Việt Nam" còn là tấm gương của sự khiêm tốn, bình dị, ai ở gần ông cũng đều cảm nhận được sự ấm áp, chân tình. Với ông, làm công an, tình báo phải có tấm lòng với nhân dân, phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng, bàn tay sạch và đừng bao giờ đặt cái tôi hơn tất cả, như thế trăm trận sẽ trăm thắng.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt ông!

Nguyễn Minh Trí

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-ky-niem-ve-nha-tinh-bao-tran-quoc-huong_94444.html