'Những kỷ niệm tưởng tượng' chinh phục độc giả nước ngoài

Những kỷ niệm tưởng tượng, là tập thơ đầu tay của nhà thơ, PGS, TS Trương Đăng Dung (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học) do NXB Thế giới ấn hành năm 2011.

Độc giả Việt Nam nếu đã có dịp tiếp cận 25 bài thơ trong ấn phẩm này hẳn sẽ nhận ra ở đó những ám ảnh khôn nguôi, những dằn vặt đến đau đớn, những bất an thường trực về thân phận con người. Vượt lên khỏi những giới hạn của không gian, thời gian (mang tính quy ước), vượt lên cả những định chế của quốc gia hay tôn giáo, chủng tộc, thơ Trương Đăng Dung chạm đến những vấn đề cốt lõi, phổ quát của đời sống con người. Đó là lý do vì sao tập thơ giành giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011. Ở đó, người đọc nhận ra khuôn mặt lạnh lùng, tàn nhẫn của thời gian, sự “vô tính” của nó-luôn là hiện tại, nhưng lại chi phối triệt để đến hiện hữu. Một thứ thời gian bên trong-thời gian mang “ý hướng tính” của chủ thể đã trùm phủ hay đúng hơn là xuyên nhập trong cấu trúc thơ Trương Đăng Dung. Không quan trọng là ba mươi năm hay ba triệu năm, mà quan trọng hơn là ý niệm của chủ thể về hiện hữu, về tồn tại. Ở đó, mọi thứ bỗng rơi vào một cơn ác mộng với biết bao điều phi lý, bất ổn, giới hạn, tàn hủy. Cũng ở đó, sự sống đúng nghĩa và các giá trị nhân bản sâu xa bỗng trở nên xa xỉ, thậm chí chỉ còn là những niềm tuyệt vọng diệu kỳ và đau đớn. Trương Đăng Dung thấm thía đến tận cùng bản thể thảm trạng của đời sống con người, trong nỗi bất hạnh bị sinh ra, bị ném vào đời, bị đặt vào các tình thế không được chọn lựa. Và thơ, như một hình thái đỉnh cao của tư tưởng, nghệ thuật, đã cất lời về “hữu thể và thời gian” trong cuộc hiện sinh đầy bị động và mỏi mệt.

Vẫn nguyên không khí thơ ca ấy, phiên bản Những kỷ niệm tưởng tượng do NXB châu Âu (Európa) ấn hành năm 2018 tại Hungary có thêm 14 bài thơ mới như: Sách của Gióp, Sách của Gio-na, Sách của Aylan Kurdi, Lên cao Lên cao, Tinh thần Kafka, Ác mộng, Tự do của Kazantzaki, Tự bạch… Đề từ trên bìa của tập thơ đã nói lên sự đồng cảm sâu xa của một cộng đồng đọc khác: “Do đâu mà những bài thơ-thời-gian này, cơn ác mộng hiện đại thể hiện qua bản dịch của Háy János, lại quen thuộc với chúng ta đến thế? Giữa các câu thơ là sự vận hành của thời gian, là nỗi vô vọng khôn nguôi của sự sa đọa, sự bất an và tha hóa các giá trị” (bìa 1). Viện Balassi trong kế hoạch giới thiệu các giá trị nhân loại vào Hungary đã cho thấy lựa chọn của họ là có cơ sở. Thơ Trương Đăng Dung đã vượt ra khỏi những ranh giới của một cộng đồng biệt lập, tiến đến các giá trị nhân bản, chạm vào những câu chuyện của không riêng bất kỳ quốc gia, dân tộc, thể chế, tôn giáo hay chủng tộc nào:

Em nói trời xanh anh chỉ thấy mắt em

em nói mùa xuân anh chỉ thấy môi em

hoàng hôn xuống đã trùm lên hết thảy

bóng hai ta nhỏ bé giữa đất dày

(Không đề)

Không gian, thời gian cùng những chuyển động của nó hiện diện một cách đủ đầy trên phận người nhỏ bé. Bởi thế, bất an, lo lắng, sợ hãi, cô độc, ác mộng và cái chết dường như luôn là điều khiến thi sĩ bận tâm-từ cá nhân đến bản thể. Không thể không nhận ra những ảnh hưởng một cách sâu đậm tinh thần của triết học hiện sinh trong thơ Trương Đăng Dung. Nhưng, điều đó dường như chỉ là một yếu tố chi phối đến sáng tạo thi ca. Tinh ý hơn, từ góc độ thực hành nghệ thuật, hiện tượng luận đặt trong bối cảnh đầy bi đát của chủ nghĩa hiện đại mới là điều Trương Đăng Dung lựa chọn cho chiến lược phát ngôn của mình. Tính hiện đại, chủ nghĩa hiện đại với các nguy cơ của nó (chúng ta sống trong nỗi cô đơn tập thể), các khả năng cũng như giới hạn của nó đã được “giảm trừ” để trở về với yếu tính của hiện hữu, của đời sống, của bản thể. Bởi thế mà, con người gần như trần trụi trong tình thế của nó. Không phải là hình thái như Desmond Morris đã nói (Vượn trần trụi), mà là sự trần trụi đáng thương trong yếu tính của tồn tại. Chẳng có gì che chở, cứu rỗi con người ngoài một thân phận bé nhỏ, một số kiếp ngắn ngủi, một định mệnh lưu đày. Vượt thoát khỏi những khuôn khổ của một nền nghệ thuật phản ánh luận, giải bỏ những thao tác có tính điển phạm để đi đến xác lập các mô hình có tính tương đối, chấp nhận các đan xen bất quy tắc của tồn tại, khiến cho thời gian, không gian, con người trong thơ Trương Đăng Dung có được sự linh hoạt (như nó vốn có). Ở đây, tôi chợt nhớ đến quan niệm của William Faulkner khi ông cho rằng, chính chiếc đồng hồ mới là kẻ cực đoan, cứng nhắc về thời gian-những bộ máy, những bánh xe tí hon, vận hành một cách máy móc, đã giết chết thời gian (Âm thanh và cuồng nộ). Còn, Trương Đăng Dung thì nhận thấy rằng: “Thời gian ở trong máu, không lời” (Anh không thấy thời gian trôi). Đó là thời gian nội tại, thời gian của chủ thể, gắn với “ý hướng tính”. Một khi, nắm được yếu tính của thời gian-luôn là hiện tại, việc xử lý những dịch chuyển trong lịch sử, trong không gian thuộc về chủ thể. Điều đó mở ra cơ hội cho những kết nối xuyên lịch sử, liên/ xuyên văn hóa. Kết quả của nó, như đã thấy, giúp cho hành trình đến với nhân loại-thực ra là trở về với bản thể của hiện hữu người được xác lập.

Không phải ngẫu nhiên mà người đọc châu Âu lại nhận ra những “quen thuộc” từ Những kỷ niệm tưởng tượng. Vì thế, vượt qua những biên giới hữu hình và vô hình, giá trị đích thực của thơ ca đã đến với trái tim nhân loại.

TS NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-ky-niem-tuong-tuong-chinh-phuc-doc-gia-nuoc-ngoai-542021