Những kỷ niệm nhỏ về Đại tướng Lê Văn Dũng

Đại tướng Lê Văn Dũng là Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam người Bến Tre đầu tiên!

Đại tướng Lê Văn Dũng. (Ảnh: Ngọc Chính).

Đại tướng Lê Văn Dũng. (Ảnh: Ngọc Chính).

Đại tướng Lê Văn Dũng tên thật là Nguyễn Văn Nới, sinh ngày 25/12/1945, tại Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), gốc Nam Bộ. 17 tuổi, ông đã thoát ly gia đình, gia nhập Quân Giải phóng Miền Nam, trở thành chiến sĩ trinh sát của Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Đoàn Bình Giã và lấy tên mới là Lê Văn Dũng. Từng kinh qua các chức Tiểu đội trưởng trinh sát, Phó Trung đội trưởng, Trung đội trưởng, Phó Đại đội trưởng thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 và được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam ngày 23/9/1965. Tháng 6/1968, sau chiến dịch Mậu Thân, ông làm công tác chính trị: Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9; tháng 3/1969 - Chính trị viên phó đến tháng 9 cùng năm - Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Cuối năm 1970, được cử đi học tại H14 (Trường trung cấp Quân chính thuộc Bộ chỉ huy Miền, lớp cán bộ trung đoàn) đến tháng 6/1971, ông trở về đơn vị, được cử làm Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, cấp bậc Đại úy. Tháng 3/1973, ông được bổ nhiệm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (từ 20/7/1974 thuộc Quân đoàn 4); tháng 10/1974 - Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.

Tháng 12/1977, ông đi học tại trường Văn hóa - Bộ Quốc phòng rồi tiếp tục theo học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Tháng 8/1980, ông trở lại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, giữ chức Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng, tháng 6/1986 - Sư đoàn trưởng, cấp bậc Đại tá.

Tháng 4/1989, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng, tháng 8 cùng năm được bổ nhiệm Phó Tư lệnh thứ Nhất Quân đoàn 4 và được cử đi học bổ túc lý luận cao cấp tại Học viện Chính trị Quân sự. Tháng 9/1990, được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 7; tháng 10/1991 -Tư lệnh Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) và tháng 10/1995, ông về Quân khu 7 giữ chức vụ Tư lệnh Quân khu.

Tháng 1/1998, ông giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tháng 4 năm đó - được thăng quân hàm Trung tướng. Cũng trong năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 5/2001, ông giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 6/2003, ông được Chủ tịch nước thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và ngày 6/7/2007 được thăng quân hàm Đại tướng.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam các khóa VIII, IX, X, được bầu vào Ban Bí thư các khóa IX, X và Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII. Năm 2014, Đại tướng Lê Văn Dũng được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đầu năm 2011, ông nghỉ hưu, trở về quê nhà tại Phong Mỹ, Giồng Trôm, Bến Tre. Những ngày đầu tháng 4/2016, Bến Tre gặp hạn mặn trầm trọng, đến đâu cũng thấy dân than thiếu nước, thế nhưng ở xã ông thì nước máy vẫn ào ào chảy tới từng nhà. Đó là vì từ năm 2006, trong một dịp về thăm quê, Đại tướng Lê Văn Dũng đã vận động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cấp nước từ TP Bến Tre về xã, trị giá 25.000 USD. Vào thời điểm ấy, Phong Mỹ là xã đầu tiên trong tỉnh có nước máy.

Không chỉ ở quê hương, Đại tướng luôn ấp ủ tâm huyết giúp đỡ, đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa trên khắp đất nước. Từ khi nghỉ hưu, ông dành thời gian tìm tới từng nhà các đồng đội cũ đang gặp khó khăn để thăm hỏi gia cảnh và huy động các cá nhân, doanh nghiệp giúp đỡ. Cũng trong cuộc hành trình tìm lại đồng đội của ông, nhiều căn nhà tình nghĩa được dựng lên ở các huyện trong tỉnh Bến Tre.

Tôi là cán bộ thuộc quyền của ông có dễ đến cả mười năm, nhưng thường thì mỗi tháng chỉ gặp ông có một lần. Ấy là trong các buổi giao ban hàng tháng của cơ quan Tổng cục Chính trị, trong đó tất cả Cục trưởng, cấp trưởng của các cơ quan thuộc Tổng cục phải có mặt, và đích thân ông chủ trì. Tôi vốn ngại nói trong các cuộc hội nghị, vả lại, một đơn vị “ngoại thành” như Văn nghệ Quân đội có muốn nói cũng chắc gì đến lượt? Tôi nhớ, có một lần duy nhất, ông “mời” tôi phát biểu, giải trình về việc Văn nghệ Quân đội đăng một bài báo mà các cơ quan chức năng nói là “có vấn đề”. Sau khi nghe tôi trình bày, tưởng ông sẽ “đập bàn, đập ghế” và ra lệnh này nọ, không ngờ ông chỉ nói đại ý: lãnh đạo Tổng cục và ông tin tôi nên mới giao quyền quản lý các nhà văn và lãnh đạo Văn nghệ Quân đội – một tờ tạp chí có bề dày truyền thống, một địa chỉ quen thân của giới văn học cả nước. Là Tổng biên tập không nên để xảy ra những vụ việc tương tự nữa...

Và chỉ mấy ngày sau, ông đột ngột đi bộ ra thăm “nhà số 4”. Ông nói nhà mình ở ngõ 30 cùng phố, cách tòa soạn chúng tôi chỉ chừng 300 mét nên sang chơi với các nhà văn thôi, không có việc gì. Rồi ông rủ nhà thơ Trần Đăng Khoa chụp ảnh chơi và bảo: “Tui chụp ảnh với ông Khoa không phải vì ông ấy là “thần đồng” thơ mà vì ông ấy cũng…thấp như tui”.

Hôm ông nhận quyết định phong quân hàm Đại tướng, tôi nhớ đó là một ngày trời Hà Nội xanh và nắng thu Hà Nội vàng. Sau lễ vinh thăng, ông và gia đình tổ chức bữa cơm thân mật tại Nhà khách của Tổng cục Chính trị ở số 16A – Lý Nam Đế, bên cạnh cổng gác Cửa Đông. Trong bữa liên hoan có mặt các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục, các tướng nguyên là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và lãnh đạo, chỉ huy các Cục, các cơ quan trong Tổng cục Chính trị, ông “xin nói mấy lời” thật bình dị và rất Nam Bộ đại ý: Hôm nay được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và quân đội; do sự phấn đấu của bản thân, sự giúp đỡ cộng tác của các đồng chí ngồi đây, trực tiếp nhất là ba đồng chí thư ký và những người thân trong gia đình mà quan trọng nhất là “bà xã” tui, các đồng chí lái xe…nên ông được nhận quân hàm Đại tướng…. Đi làm cách mạng, tham gia quân đội không ai nghĩ mình sẽ vào Trung ương vào Ban Bí thư và không phải ai cũng có thể trở thành Đại tướng! Thế nên vinh dự đi đôi với trách nhiệm, vinh dự càng cao trách nhiệm càng lớn…Và hôm nay, bữa tiệc gia đình ông tổ chức không lớn nhưng là vui lớn. Đã là vui lớn phải… “vui tới bến luôn”!

Đại tướng Lê Văn Dũng (thứ 4 từ phải sang) với anh chị em tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Hôm ấy, mặc dù không phải là môn đệ của vua rượu, nhưng tôi đã uống hơi nhiều. Lúc về tới nhà, vợ con tôi cứ tưởng hình như tôi đã trở thành một con người khác!

Năm 2011 vì hết tuổi phục vụ theo luật định, Chủ tịch nước ký quyết định để ông thôi giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong lễ bàn giao chức vụ Chủ nhiệm tổ chức tại Sở chỉ huy Tổng cục Chính trị, sau các thủ tục, sau phát biểu chân thành, cảm động đầy tình đồng chí, đồng đội của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh về cuộc đời, về những cống hiến cho quân đội, nhất là với các cơ quan như: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị cũng như tác phong, lối sống giản dị, tình cảm chân thành và luôn lạc quan vui vẻ của Đại tướng, của “anh Bảy Dũng”, Đại tướng “anh Bảy” đứng lên với nụ cười thật tươi để lộ “hai chiếc răng thỏ” chẳng giống ai, và giọng nói rất Nam Bộ, thật Bến Tre, tự nhiên hóm hỉnh và trào lộng. Ông bảo, báo cáo anh Thanh, tui về hưu vậy là “khỏe lắm”!

Cũng với nụ cười tươi, lời nói hóm hỉnh nhưng hôm vào sở chỉ huy Tổng cục Chính trị nhận sổ hưu, tôi nhớ là sáng ngày 30/7/2013 và dự buổi liên hoan chia tay ông cùng các tướng lĩnh cao cấp trong Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và những cán bộ thuộc quyền là lãnh đạo chỉ huy các cơ quan trong Tổng cục, Đại tướng Lê Văn Dũng không mặc quân phục mà “diện” bộ đồ ký giả màu sáng nom rất chi là “anh Hai”, lại đi cùng bà xã. Sau khi nhận sổ hưu, sau khi nghe Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu lời chia tay đầy chân tình và cảm động về những năm tháng, về những kỷ niệm tươi đẹp đối với “anh Bảy Dũng”, Đại tướng Lê Văn Dũng cảm động nhắc lại những kỷ niệm, kể về những việc làm được và chưa làm được trong thời gian ông giữ vai trò là người đứng đầu Tổng cục Chính trị… Sau cùng, ông nói thêm, ông luôn nghĩ, đi làm cách mạng không phải là để ở nhà chòi, ở lều rách! Phải phấn đấu, phải lo để mọi người có chỗ ăn chỗ ở càng đàng hoàng, càng tinh tươm càng tốt. Ông bảo, nhà mới của ông dựng trên đất ông bà để lại, rộng rãi lại có ao, có vườn nên mời tất cả anh em trong cơ quan Tổng cục dù đang làm việc hay đã nghỉ hưu có dịp qua Bến Tre, đến xứ Dừa ghé chơi. Muốn gà có gà, muốn cá có cá; rượu thì dĩ nhiên là có rồi! Tất nhiên, mươi đồng chí một lần thôi, đông quá sợ thiếu chu đáo, mang tiếng là không hiếu khách!

Lúc liên hoan ở Hội trường tầng 5 của Sở chỉ huy Tổng cục, tôi cũng đã định mang ly rượu đến chia tay và chúc sức khỏe anh chị Bảy, nhưng không hiểu sao tôi lại cứ bị choáng ngợp giữa cả rừng sao của những tướng lĩnh đang vây quanh vợ chồng ông? Chỉ là một Đại tá lại dám “liều mình” chen vai thích cánh với các tướng đến chuốc rượu một Đại tướng, tôi sợ có gì thất thố, vô duyên, nên thôi…

Hà Nội, Thu 2019

Đại tá Ngô Vĩnh Bình
(Nguyên TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-ky-niem-nho-ve-dai-tuong-le-van-dung-tintuc449284