Những kỷ niệm không bao giờ quên

Biết tin nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu qua đời, tôi vô cùng xúc động. Nhớ bác Lê Khả Phiêu, tôi xin kể lại một vài kỷ niệm đẹp về ông mà tôi không bao giờ quên.

Tháng 8-1978, tôi là trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Sư đoàn 8 (Quân khu 9), được đơn vị cử lên TP Cần Thơ (nơi Bộ tư lệnh Quân khu 9 đóng quân) để tập huấn về công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Đây là lớp tập huấn đầu tiên cho cán bộ trung cấp (từ thượng úy đến trung tá) của quân khu. Ngày khai mạc lớp học, chúng tôi được gặp Đại tá Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9. Ấn tượng đầu tiên là ông rất trẻ so với tuổi 46 lúc đó, quân phục gọn gàng, tóc cắt cua, khỏe khoắn. Ông phát biểu khai mạc lớp tập huấn và thông tin thời sự, phân tích tỉ mỉ tình hình thế giới và trong nước.

Ông nói rất hay và dễ hiểu. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nghe và hiểu khá sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của CTĐ, CTCT. Sau lớp tập huấn, tôi trở về Sư đoàn 8 công tác được hơn một tháng thì một hôm, đồng chí Trần Cương, Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn gọi tôi đi cùng lên phòng Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn gặp thủ trưởng Quân khu 9. Thật bất ngờ, đến phòng đồng chí Huỳnh Công Trứ, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, đã thấy thủ trưởng Lê Khả Phiêu đang ngồi ở đấy.

Thấy chúng tôi, ông vui vẻ bắt tay, bảo ngồi xuống rồi nói luôn: "Các đồng chí làm công tác tuyên huấn phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình. Đến nay, đất nước đã được giải phóng, sự nghiệp cách mạng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; hoạt động CTĐ, CTCT của LLVT nói chung, của quân đội nói riêng phải thật phong phú và sáng tạo. Tôi nhớ đại ý bác Phạm Văn Đồng (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) có nói: Giảng một bài chính trị cho bộ đội, nó vào rồi lại ra, nhưng nội dung chính trị ấy chuyển tải thành tiết mục văn nghệ, văn hóa cho bộ đội xem, nó vào rồi sẽ không ra nữa. Tôi đã trao đổi với đồng chí Châu Hoàng Nam, Chính ủy sư đoàn rồi, hôm nay trao đổi với anh Trứ và các đồng chí. Sư đoàn 8 phải tổ chức ngay một cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng, sau đó chọn ra những anh chị em có năng khiếu nhạc, ca, múa ... thành lập đội văn nghệ của sư đoàn (gọi tên là đội tuyển văn) cùng với hai đội chiếu phim hiện có của sư đoàn để phục vụ bộ đội".

Chấp hành sự chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, tháng 9-1978, Sư đoàn 8 tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, chọn khoảng 30 đồng chí nam, nữ thành lập đội tuyển văn, đến các đơn vị thực hiện nhiệm vụ ở biên giới Việt Nam-Campuchia để phục vụ bộ đội; được cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi đón nhận.

Lần ấy, chúng tôi cũng đôi lần thoáng nghĩ, sau khi chỉ đạo xong như vậy, chắc thủ trưởng Phiêu bận nhiều công việc, có thể không biết Sư đoàn 8 đã thành lập đội văn nghệ hay chưa? Nhưng chúng tôi đã sai, không những ông luôn theo dõi mà còn kiểm tra, qua việc điện cho đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 8 để nắm tình hình.

Tháng 12-1978, Sư đoàn 8 thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, được điều động chuyển quân từ Mộc Hóa về Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), chiến đấu bảo vệ biên giới ở Hà Tiên. Bộ tư lệnh Quân khu 9 thành lập sở chỉ huy tiền phương, chỉ huy các đơn vị phía trước ở các tỉnh Kiên Giang và An Giang, đồng chí Lê Khả Phiêu được cử làm Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 ở tiền phương.

Một hôm, anh em đội văn nghệ đang luyện tập thì đồng chí Huỳnh Công Trứ (lúc này là Chính ủy Sư đoàn 8) đưa đồng chí Lê Khả Phiêu đến thăm. Tôi vô cùng vui sướng được thay mặt Ban Tuyên huấn sư đoàn báo cáo tình hình hoạt động của đội tuyên văn. Đồng chí lắng nghe rất chăm chú và hỏi: "Hiện nay anh em có khó khăn gì không?". Tôi mạnh dạn báo cáo rằng tinh thần phục vụ của anh chị em rất tốt, nhưng trang bị rất thiếu thốn, chỉ có đàn guitar thùng, sáo, đàn mandolin và không có bộ trống, không có bộ âm ly, máy nổ, phông màn... Nghe xong, đồng chí Lê Khả Phiêu khẳng định: "Tôi sẽ cho bộ phận vật tư của Cục Chính trị quân khu xuống nắm cụ thể và cấp kinh phí mua sắm những trang bị cần thiết để anh em đi phục vụ bộ đội được hiệu quả hơn".

Sau lần được thủ trưởng Lê Khả Phiêu trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, đội văn nghệ của Sư đoàn 8 đã có bước phát triển vượt bậc; chuyến biểu diễn nào cũng được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nước bạn hết lòng khen ngợi.

Đại tá TRẦN BÁ ĐIỀM - Nguyên cán bộ cơ quan chính trị Mặt trận 979, Quân khu 9

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-ky-niem-khong-bao-gio-quen-631528