Những kiệt tác hội họa từng bị phá hủy không thương tiếc

Nhiều kiệt tác hội họa, nổi tiếng thế giới đã bị hủy hoại và tốn không ít công sức, thời gian, tiền bạc để phục chế.

Mona Lisa của Leonardo Da Vinci là một trong những kiệt tác hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Tác phẩm được tác giả Leonardo vẽ vào năm 1503 và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi bị đánh cắp vào năm 1911, khiến Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) phải đóng cửa 1 tuần để điều tra. Những năm sau đó, bức họa nhiều lần bị phá hoại. Năm 1956, bức tranh bị đổ axit. Tiếp đó, năm 1974, một người phụ nữ đã phun sơn lên tác phẩm nhằm trả thù bảo tàng. Khi đó, bức tranh được treo tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Nhật Bản). Năm 2009, bức tranh tiếp tục bị phá bởi 1 phụ nữ người Nga.

Rokeby Venus được họa sĩ Diego Velazquez vẽ trong khoảng thời gian 1647 - 1651. Bức họa được thực hiện trong chuyến viếng thăm Ý của họa sĩ và mô tả vẻ đẹp của nữ thần Venus trong tư thế gợi cảm. Vào 10/3/1914, một người phụ nữ có tên Mary Richardson đã hủy hoại bức tranh khi tác phẩm được treo tại phòng tranh Quốc gia ở London (Anh). Sau khi để lại bảy dấu gạch chéo trên bức tranh, Richardson bị kết án 6 tháng tù. Sau đó, bức tranh được phục chế thành công bởi nhà khôi phục Helmut Ruhemann.

Guernica là một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Tây Ban Nha Pablo Picasso hoàn thành vào tháng 6/1937. Tác phẩm được nhiều nhà phê bình nghệ thuật coi là một trong những bức tranh chống chiến tranh mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Bức tranh lột tả sự đau khổ của con người và động vật vì bạo lực, hỗn loạn. Năm 1974, người đàn ông 30 tuổi, có tên Tony Shafrazi đã sơn lên bức tranh dòng chữ “Kill All Lies”. Sau khi bị bắt, ông ta hét lên: “Gọi người phụ trách tới đây. Tôi là một nghệ sĩ”. Tony Shafrazi sinh năm 1943, là chủ sở hữu của Phòng trưng bày nghệ thuật Shafrazi ở New York (Mỹ).

Một bức họa khác của Picasso cũng là tác phẩm nổi tiếng trong giới hội họa, đó chính là Woman in a Red Armchair (được vẽ năm 1929). Vào ngày 13/6/ 2012, bức tranh đã bị phá hoại trong khi trưng bày tại phòng trưng bày Menil (Houston, Mỹ). Một người đàn ông 22 tuổi, tên là Uriel Landeros đã dùng sơn vẽ lên bức tranh. Sau đó, Landeros bị kết án 2 năm tù giam với tội danh vẽ lên bức tranh quý và có hành động phá hoại mang tính chất tội phạm. Ngoài ra, tác phẩm Woman Nude Before Garden cũng do danh họa Tây Ban Nha thực hiện từng bị cắt một mảnh bởi bệnh nhân tâm thần vào năm 1999.

Mới đây, vào tháng 5/2018, hãng thông tấn Reuters đưa tin kiệt tác của hội họa Nga - Ivan bạo chúa và con trai Ivan ngày 16/11/1581 – đã bị rách 3 mảnh, hư hại nghiêm trọng sau khi một người đàn ông 37 tuổi tấn công vào đêm 25/5. Người này lẻn vào phòng triển lãm Quốc gia Tretyakov ở Moscow (Nga) và đập vỡ tấm kính bảo vệ bức tranh trong tình trạng mất kiểm soát vì say rượu. Bức tranh là tác phẩm của danh họa người Nga Ilya Repin, hoàn thành vào năm 1885 và từng bị rạch 3 nhát vào năm 1913.

Một người đàn ông 26 tuổi, có tên Wlodzimierz Umaniec đã bị kết án 2 năm tù giam vì hủy hoại bức tranh Black on Maroon của Mark Rothko được trưng bày tại Phòng trưng bày Tate Modern của London (Anh). Anh bị buộc tội làm hỏng bức tranh nổi, có giá trị lớn sau khi viết thông tin cá nhân bằng bút mực đen lên bức họa. Phòng trưng bày đã mất 18 tháng và một số tiền lớn để phục hồi bức tranh sau những hư tổn nghiêm trọng.

Tác phẩm của Leonardo da Vinci đã bị thiệt hại đáng kể sau vụ tấn công vào 17/7/1987. Robert Cambridge, 37 tuổi đột nhập Phòng trưng bày Quốc gia (London, Anh) và phá hủy bức tranh bằng một khẩu súng. Robert Cambridge đã bị gửi đến trại tị nạn vào tháng 12 cùng năm sau khi bị kết tội phá hoại tác phẩm nghệ thuật vô giá. Bức tranh được vẽ bằng than và phấn trắng đen, trên tám tờ giấy dán lại với nhau.

Theo Minh Hạo/Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-kiet-tac-hoi-hoa-tung-bi-pha-huy-khong-thuong-tiec-1151759.html