Những kiệt tác hội họa là bảo vật quốc gia

Đó là những tác phẩm độc bản, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng.

Vườn xuân Trung Nam Bắc là tác phẩm sơn mài khổ lớn (kích thước 5,4x2 cm) được họa sĩ Nguyễn Gia Trí - bậc thầy sơn mài - sáng tác trong 20 năm (1969-1989). Tranh mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống đặc trưng của ba miền Trung, Nam, Bắc đi dự hội xuân. Tác phẩm được sáng tác từ khi đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, như lời nguyện cầu thống nhất, hạnh phúc. Năm 1991, UBND TP.HCM đã mua bức tranh với giá 100.000 USD và tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lưu giữ. Mới đây, bảo tàng cho vệ sinh, bảo quản phòng ngừa đã khiến tác phẩm hư hại tới 30%. Sự việc khiến giới yêu nghệ thuật và công chúng đau xót.

Hai thiếu nữ và em bé được họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1944, với chất liệu sơn dầu trên vải toan, kích thước 102x71,8 cm. Bức tranh vẽ hai phụ nữ mặc áo dài ngồi tâm sự ngoài hiên, bên cạnh là bé trai đang ngồi chơi. Ba nhân vật tạo thành bố cục hình tam giác trong khung hình dọc là cách bố cục cổ điển của nghệ thuật hội họa phương Tây. Tuy nhiên, từ trang phục áo dài, các đồ vật như chõng tre, mành tre, cây vông hoa trắng, phong thái của hai người phụ nữ... đều toát lên không khí êm đềm, quang cảnh rất phương Đông, mang nét đẹp đặc trưng của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Bức tranh tạo ra sự kết hợp đầy rung cảm của tâm hồn phương Đông với kỹ thuật hội họa phương Tây. Tác phẩm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn (1943) với chất liệu sơn dầu trên vải toan, kích thước 60x45 cm. Tranh vẽ chân dung em Thúy ngồi trên ghế mây, được tác giả đặc tả với tinh thần lãng mạn, trong trẻo. Tác phẩm mang phong cách riêng biệt của họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại, một bậc thầy tạo nên ảnh hưởng tới những thế hệ sau. Thông qua chân dung em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trải qua thời gian, bức tranh Em Thúy có phần mai một. Năm 2004, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện một cuộc đại trùng tu, với sự tham gia trong ba tháng của chuyên gia phục chế đến từ Australia.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là tác phẩm sơn mài kích thước 112,3x180 cm, được họa sĩ Nguyễn Sáng hoàn thành năm 1956. Tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên, toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp Đảng được diễn ra trong không gian chiến hào. Trong tranh, nhóm ba nhân vật chính (trong đó có chiến sĩ bị thương còn quấn khăn trên đầu) liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. Hậu cảnh là hình ảnh chiến sĩ hối hả ra trận. Bức tranh là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác giả khắc họa hình tượng người chiến sĩ bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Hiện, tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Một tác phẩm khác của Nguyễn Gia Trí được công nhận là bảo vật quốc gia là tấm bình phong hai mặt: Thiếu nữ trong vườnPhong cảnh. Tác phẩm có niên đại 1939, gồm 8 tấm vóc ghép lại thành bình phong hình chữ nhật có kích thước 159x400 cm. Mặt thứ nhất của bình phong thể hiện bức tranh Thiếu nữ trong vườn đậm chất cao sang và trang nhã. Trên nền vàng lộng lẫy là hình ảnh các thiếu nữ duyên dáng áo dài thướt tha trong khung cảnh hoa lá, cây cỏ thơ mộng. Trên mặt tranh có vài vết đạn, hiện đã được gắn vá.

Mặt thứ hai của bình phong là tranh Phong cảnh diễn tả cây dọc mùng trong khu vườn nông thôn Bắc bộ. Những mảng lung linh của vỏ trứng, sắc đỏ của son, ánh rực rỡ của vàng... làm cho khóm dọc mùng trở nên nổi bật. Tấm bình phong hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc là tranh sơn mài của họa sĩ Dương Bích Liên sáng tác năm 1980, kích thước 99,8x180 cm. Tranh vẽ Bác Hồ và con ngựa chuẩn bị qua suối. Bác trong trang phục giản dị áo nâu, túi vải, bình tĩnh chuẩn bị vượt qua dòng lũ cuộn chảy. Người và con ngựa nhập thành một khối nhỏ đặt ở vị trí1/3 tranh phía phải. Không gian núi rừng, trời nước bao la được thể hiện bởi hai gam màu chính là vàng và xanh lục như chia đôi tranh. Nếu như núi rừng có vẻ xao xác, dòng nước cuộn chảy, thì con người lại hết sức ung dung, tự tại. Con người không phải gồng mình trước thiên nhiên, còn bình tĩnh vỗ về con ngựa. Tác phẩm hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 1990, chất liệu sơn mài, kích thước 90x120,3 cm. Tác phẩm vẽ Thánh Gióng như biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, quật cường của dân tộc. Với ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, tác giả khai thác họa tiết dân tộc trên trống đồng Đông Sơn và các hoa văn đồ gốm Lý Trần, tạo nên bản sắc riêng. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm có sự khúc chiết, kỹ thuật điêu luyện và giàu tính dân tộc. Ông từng nói: "Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại". Tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Thanh niên thành đồng của họa sĩ Nguyễn Sáng bằng chất liệu sơn mài, sáng tác trong khoảng năm 1967-1978. Bức tranh độc bản mô tả cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chiến tranh trong những năm 1960, phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam và hát vang những bài ca yêu nước, kêu gọi đình chiến, mong muốn được hòa bình. Bìa trái là hai lính Mỹ đứng quay lưng ra phía người xem, chân mang giày cao cổ, tay lăm lăm súng chĩa về phía đám đông. Để nhấn mạnh tinh thần bất khuất của thanh niên, trên mép tranh Nguyễn Sáng còn đề thêm hai từ tiếng Anh “Go home”. Bức tranh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tần Tần
Ảnh: Thế giới di sản, vnfam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-kiet-tac-hoi-hoa-la-bao-vat-quoc-gia-post942473.html