Những kiêng kị trong chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân

Cuốn sách 'Bay vào vũ trụ' của Đại tá Nguyễn Công Huy cho biết anh hùng phi công Phạm Tuân có những điều 'khang khác' các phi công trên khắp thế giới.

Thường trong quá trình đào tạo phi công, nếu ai đó không thể bay được, không đủ điều kiện bay thì sẽ chuyển xuống học kỹ thuật. Riêng Phạm Tuân ngược lại. Khi khám tuyển trong nước, ông không đủ sức khỏe để học lái máy bay nên được cử đi học kỹ thuật ở Liên Xô, sau đó lại được tuyển chọn từ đội ngũ kỹ thuật chuyển lên học bay rồi trở thành phi công tiêm kích.

Khi khám tuyển phi công vũ trụ cũng vậy, việc khám chọn, tuyển lựa phi công Việt Nam để đưa đi đào tạo phi công vũ trụ được thực hiện ở trong nước, Phạm Tuân lại đang học ở Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Từ học viện, ông được chọn đi khám tuyển trong khi danh sách đội bay để đưa đi đào tạo đã lập từ Việt Nam. Phạm Tuân "trúng cử" và trở thành phi công vũ trụ bay chính thức trong chuyến bay trên con tàu vũ trụ "Soyuz” (Liên hợp) số 37.

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko.

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko.

Cuốn sách Bay vào vũ trụ do đại tá phi công, anh hùng LLVTND Nguyễn Công Huy chấp bút (NXB Thanh niên, phát hành năm 2018). Ông Huy là người bạn, người đồng đội thân thiết và sau đó là cấp dưới của trung tướng Phạm Tuân. Hai ông từng cùng nhau tham gia phi đội đánh đêm trực chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng 12/1972 và đều lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ.

Từ lời kể của chính trung tướng Phạm Tuân, cùng các tư liệu, báo chí, phỏng vấn các bác sĩ của Bệnh viện Không quân và gia đình trung tướng, cuốn sách cho độc giả biết rất nhiều câu chuyện đặc biệt của nghề phi công vũ trụ.

Anh hùng Phạm Tuân - người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ ngày 23/7/1980 - cho biết theo quy trình chặt chẽ của ngành hàng không vũ trụ, trước khi bay, các phi công đều được tắm rửa sạch sẽ, thông thụt vệ sinh, uống thuốc rồi dùng cồn vô trùng toàn bộ cơ thể.

Khi thay quần áo để mặc bộ đồ vũ trụ, các phi công vũ trụ Liên Xô thường để một ít tiền trong các túi quần áo cũ của mình và treo lại vào tủ.

Ông giải thích về tục lệ này: Để chuẩn bị cho chuyến bay, có hai đội cùng tập nhưng chỉ có một đội bay, một đội ở lại (dự bị cho chuyến bay này là hai phi công Bùi Thanh Liêm và Bykovsky). Người ra đi đầy hiểm nguy nhưng cũng được vinh danh, người ở lại dầu sao cũng có sự nuối tiếc, nhưng luôn dõi theo người bay.

Khi con tàu vào quỹ đạo, trung tâm gửi lời chúc mừng và các phi công trên vũ trụ đáp lời. Đấy là giây phút thiêng liêng nhất của đội - kể từ phút này, họ được "gắn mác" là phi công vũ trụ. Lúc đó, ở dưới sân bay, mọi người nâng ly chúc mừng và số tiền các phi công để lại trong túi quần áo là phần góp vui cùng liên hoan với các đồng đội ở mặt đất.

Nói thêm về những điều “kiêng kỵ” của phi công vũ trụ, ông chia sẻ lúc trực chiến của phi công Việt Nam thường kiêng việc để các cô nuôi quân đem cơm đi qua đầu máy bay mà luôn phải đi phía sau đuôi máy bay; hoặc phi công Việt Nam khi ngồi xe ra sân bay cũng thường… tiểu tiện vào lốp xe. “Phi công vũ trụ cũng vậy, ai cũng làm thế”, ông kể.

Cuốn sách cũng cho thấy những chuyện “khang khác” của Phạm Tuân. Như trước khi bay, hai phi công được ngủ trưa, và Phạm Tuân ngủ say đến mức người đồng hành với anh là Gorbatko phải gõ cửa gọi. Khi Gorbatko thắc mắc: "Lạ thật đấy, tớ bay đến chuyến thứ ba rồi mà cũng vẫn còn trằn trọc, khó ngủ, vậy mà cậu đặt lưng nằm là ngủ say, giỏi thật! Thế có chuẩn bị bay không đấy?”

Phạm Tuân trả lời: “Tôi có thói quen ấy từ thời trực ban chiến đấu trong chiến tranh rồi. Kể cả khi ngồi trong buồng lái trực chiến cũng vẫn có thể tranh thủ chợp mắt, thấy pháo hiệu bắn lên là tỉnh dậy, mở máy được ngay. Nếu cứ trằn trọc, không ngủ nghê gì thì lấy đâu ra sức mà đánh nhau”.

Cũng theo lời kể của Phạm Tuân, để chọn lựa xem đội bay có ăn ý với nhau, Trung tâm Hàng không vũ trụ Liên Xô thực hiện rất nhiều bài kiểm tra, thậm chí cả… lấy tử vi và kết quả cuối cùng là hai người rất ăn ý và phù hợp với nhau.

Cuốn sách kể chi tiết về quá trình tuyển chọn, huấn luyện, chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của một phi công người Việt. Anh hùng Phạm Tuân cũng kể chi tiết quá trình làm việc trên trạm vũ trụ Chào mừng 6, với 24 thí nghiệm mà 4 phi công vũ trụ thực hiện trong suốt 8 ngày (trên trạm đã có 2 nhà du hành là Popov và Ryumin). Đặc biệt là thí nghiệm với bèo hoa dâu nổi tiếng mà ông vẫn "mang tiếng" vì báo chí thời xưa giải thích không rõ ràng.

Trung tướng Phạm Tuân đã nhận 3 danh hiệu anh hùng: Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô. Ảnh: Tiên Long.

Độc giả cũng có thể biết trên máy bay các phi công vũ trụ ăn gì, uống gì, sinh hoạt, ngủ nghỉ như thế nào, cảm giác khi nhìn thấy đất nước ra sao, cũng như cảm giác của họ sau khi về Trái Đất, việc đón nhận sự chào đón nồng hậu của lãnh đạo và nhân dân cả nước.

Tác giả cuốn sách, đại tá Nguyễn Công Huy, nguyên là Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn không quân 371. Ông là tác giả nhiều cuốn sách hấp dẫn viết về cuộc sống, chiến đấu của các phi công anh hùng Việt Nam, như Vũ Xuân Thiều - phi công cảm tử, Thanh kiếm bầu trời viết về Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị, Tôi từng là phi công tiêm kích (tự truyện).

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-kieng-ki-trong-chuyen-bay-vao-vu-tru-cua-anh-hung-pham-tuan-post953507.html