Những kiến nghị, góp ý, bổ sung về dự thảo bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới

Có lên hạng, xuống hạng, giáo viên công tác tốt ở hạng cao thì việc chia hạng mới có tác dụng hiệu quả khi tất cả giáo viên phấn đấu không ngừng trong công tác.

Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến đến ngày 20/7.

Dự thảo sau khi được công bố, nhiều giáo viên vui mừng vì có nhiều điểm mới trong dự thảo cơ bản xóa được nhiều bất cập, bất công trong quá trình bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên.

Tuy nhiên, trong dự thảo lại phát sinh một bất cập lớn do sẽ có nhiều giáo viên không đủ tiêu chuẩn ở các hạng I, II sẽ vẫn được bổ nhiệm ở hạng I, II hay nói chính xác bất cập phát sinh là có nhiều giáo viên “nhầm hạng”, chuyển từ bất cập của Thông tư 01-04/2021 khó bổ nhiệm hạng sang “nhầm hạng”.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Những ngày cuối cùng của việc lấy ý kiến dự thảo về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trên, người viết xin được gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo một số góp ý, kiến nghị của bản thân về Dự thảo trên.

Thứ nhất, chia giáo viên thành các hạng I, II, III là hợp lý

Người viết tán thành với việc chia giáo viên mầm non, phổ thông thành các hạng I, II, III.

Chia hạng để giáo viên ở hạng cao làm việc tốt hơn, hưởng lương cao hơn, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu để được thăng hạng.

Rất mong đợt bổ nhiệm, chuyển xếp lương này chấm dứt tình trạng giáo viên giỏi, công tác tốt ở hạng thấp, giáo viên chưa có thành tích gì, không phấn đấu ở hạng cao.

Người viết kiến nghị ở bậc mầm non hạng I, II, III có hệ số lương giống như của bậc tiểu học đến trung học phổ thông, tức hạng I có hệ số lương 4,4-6,78; hạng II hệ số lương 4,0-6,38; hạng III có hệ số lương 2,34-4,98.

Thứ hai, giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào phải được bổ nhiệm hạng đó

Theo người viết nên quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn ở các hạng, tiêu chuẩn các hạng nên ngắn gọn, cụ thể như giáo viên hạng I có tiêu chuẩn nhiệm vụ; tiêu chuẩn trình độ, đào tạo; thành tích trong công tác,…

Đây là tiêu chuẩn vô cùng quan trọng hay nói đúng hơn là tiêu chuẩn “cứng” để bổ nhiệm hạng.

Giáo viên phải đạt các tiêu chuẩn của hạng I, II thì mới được bổ nhiệm hạng I, II.

Người viết cho rằng trong dự thảo dự kiến việc bổ nhiệm lương mới chỉ căn cứ vào “trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề” được bổ nhiệm hạng I, II mới không phù hợp, sẽ có nhiều người không giữ nhiệm vụ gì, không đạt tiêu chuẩn các hạng được bổ nhiệm hạng I, II mới.

Theo Thông tư 01-04/2021 và cả dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04 đều quy định cách chuyển xếp lương từ hạng III, IV cũ sang hạng III mới, hạng II cũ sang hạng II mới, hạng I cũ sang hạng I mới.

Chính vì lý do đó, chỉ căn cứ vào hạng cũ để bổ nhiệm sang hạng mới phát sinh nhiều trường hợp giáo viên giỏi, công tác tốt, có nhiều thành tích, đảm bảo các tiêu chuẩn nhưng đang ở hạng III, IV cũ không được bổ nhiệm hạng I, II mới.

Do đó, người viết mạnh dạn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, lần bổ nhiệm này không căn cứ vào hạng cũ để bổ nhiệm xếp lương giáo viên, giáo viên đạt tiêu chuẩn hạng nào bổ nhiệm hạng đó.

Có nghĩa giáo viên đạt tiêu chuẩn hạng I bổ nhiệm hạng I, đạt tiêu chuẩn hạng II bổ nhiệm hạng II,… chỉ như vậy mới đúng ý nghĩa của việc xây dựng tiêu chuẩn các hạng, giáo viên giỏi, có thành tích ở hạng cao, xếp lương cao hơn.

Thứ ba, kiến nghị bỏ thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi bổ nhiệm, thăng hạng

Quy định thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề 9 năm và 6 năm để được bổ nhiệm, thăng hạng II, I là thời gian quá dài, làm mất đi động lực phấn đấu của giáo viên.

Người viết kiến nghị thời gian tổ chức xét thăng hạng 3 năm một lần, trong thời gian 3 năm, giáo viên phấn đấu đạt tiêu chuẩn hạng cao hơn liền kề thì được xét bổ nhiệm, thăng hạng ở hạng cao hơn liền kề.

Thứ tư, bổ sung các trường hợp xuống hạng

Nguyên tắc của việc chia hạng là giáo viên giỏi, công tác tốt, nhiều thành tích ở hạng cao, giáo viên ở hạng thấp phấn đấu để được thăng hạng cao hơn là vô cùng đúng.

Tuy nhiên, giáo viên khi bổ nhiệm hạng cao lại không phấn đấu giữ hạng, vi phạm trong công tác không bị xuống hạng là điều không phù hợp.

Người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các trường hợp giáo viên không đạt các tiêu chuẩn trong 3 năm thì phải được xuống hạng thấp hơn, bổ nhiệm vào lương ở hạng thấp hơn.

Có lên hạng, xuống hạng, giáo viên công tác tốt ở hạng cao thì việc chia hạng mới có tác dụng hiệu quả khi tất cả giáo viên sẽ phấn đấu không ngừng trong công tác.

Thứ năm, kiến nghị bỏ chỉ tiêu các hạng trong thi, xét thăng hạng

Hiện nay, một số địa phương đã ban hành các chỉ tiêu giáo viên ở các hạng như hạng I 5%, hạng II 15%, hạng III 80%, chính chỉ tiêu này khiến nhiều giáo viên giỏi, nhiều thành tích nhưng phải ngậm ngùi ở hạng thấp mà không thể thăng hạng vì hết chỉ tiêu.

Người viết cho rằng để đảm bảo nguyên tắc giáo viên đủ tiêu chuẩn ở hạng nào được bổ nhiệm hạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có đề nghị các địa phương không được ban hành các chỉ tiêu ở các hạng I, II.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên được đa số giáo viên cảm kích, hy vọng sau thời gian tiếp thu góp ý của giáo viên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên phần mềm Temis,… lần ban hành Thông tư bổ nhiệm, xếp lương này đảm bảo được nguyên tắc giáo viên tốt, giỏi ở hạng cao tạo động lực cho giáo viên phấn đấu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nhật Khoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-kien-nghi-gop-y-bo-sung-ve-du-thao-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-moi-post228126.gd