Những kịch bản cho nước Mỹ nếu bệnh tình Tổng thống Trump trở nặng vì Covid-19

Theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống sẽ là người thay thế nếu Tổng thống không đủ khả năng điều hành đất nước hoặc qua đời, nhưng trong tình hình hiện nay, mọi thứ trở nên mù mờ hơn.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến nhiều người nghĩ tới các kịch bản có thể xảy ra, dù là rất xa xôi, nếu không còn khả năng điều hành đất nước, hoặc thậm chí không qua khỏi nếu các triệu chứng bệnh Covid-19 trở nặng.

Phó Tổng thống Mike Pence (giữa) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 hôm 2/10. Ảnh: New York Times

Phó Tổng thống Mike Pence (giữa) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 hôm 2/10. Ảnh: New York Times

Một số nhân vật ở Washington đã sẵn sàng thảo luận vấn đề này ngay từ hôm 2/10 khi ông Trump được đưa tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed để điều trị Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế Hiến pháp và Quốc hội từ lâu đã đặt ra kế hoạch tiếp quản để đảm bảo đất nước được bảo vệ khỏi kẻ thù và xung đột nội bộ khi Tổng thống được bầu không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Hiến Pháp quy định rất rõ ràng, phó tổng thống là nhân vật đầu tiên kế vị nếu tổng thống qua đời khi chưa hết nhiệm kỳ, và có thể sẽ nắm quyền tổng thống nếu người đứng đầu không còn năng lực điều hành đất nước. Phó Tổng thống Mike Pence, 61 tuổi, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 hôm 2/10.

Các tình huống khác thì lại phức tạp hơn và vẫn còn gây tranh cãi về mặt pháp lý, đặc biệt khi xét đến các trường hợp tổng thống không đủ khả năng điều hành nhưng lại không chịu từ bỏ quyền lực, hoặc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng không thể phục vụ, hoặc trong trường hợp cả tổng thống và phó tổng thống đều không đủ khả năng điều hành đất nước.

Dưới đây là một số tình huống cụ thể có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Nếu Tổng thống qua đời hoặc không thể phục vụ đất nước?

Hiến pháp và luật pháp Mỹ rất rõ ràng trong các trường hợp tổng thống qua đời hoặc phải từ chức. Tu chính án 25 nêu rõ: “Trong trường hợp tổng thống phải rời nhiệm sở [bị bãi nhiệm], qua đời hay từ chức, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống”.

Việc thăng chức cho phó tổng thống trong những trường hợp này không phải là hiếm thấy trong lịch sử Mỹ. Có 8 lần phó tổng thống đảm nhận cương vị cao nhất vì Tổng thống đương nhiệm qua đời. Lần gần đây nhất là năm 1963, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Khi đó, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống. (Năm 1974, Phó Tổng thống Gerald Ford trở thành Tổng thống sau khi Richard M. Nixon từ chức).

Theo Hiến pháp, Quốc hội có quyền quyết định điều gì sẽ xảy ra nếu phó tổng thống cũng qua đời hoặc không thể phục vụ đất nước, và một số bộ luật đã được kích hoạt để sắp đặt kế hoạch.

Gần đây nhất, Đạo luật kế vị tổng thống có hiệu lực năm 1974 sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời năm 1945. Đạo luật này nêu rõ, Chủ tịch Hạ viện đứng thứ 2 trong danh sách kế vị (sau phó tổng thống), tiếp đến là Chủ tịch Thượng viện tạm quyền (1), sau đó đến các thành viên nội các - bắt đầu từ Ngoại trưởng.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, 80 tuổi, hôm 2/10 nói rằng bà âm tính với SARS-CoV-2 và tin tưởng rằng các kế hoạch đúng đắn sẽ được thiết lập nếu cần thiết.

“Tính liên tục của chính phủ luôn được đảm bảo. Tôi luôn nói rằng điều đó dựa vào các tiền lệ, nhưng mặt khác, họ nói rằng chúng tôi có phần việc của mình cần phải làm, và lần này chúng tôi sẽ làm”, bà nói với MSNBC.

Thượng nghị sỹ (đảng Cộng hòa) bang Iowa Charles E. Grassley, 87 tuổi, đang là Chủ tịch tạm quyền tại Thượng viện

Nếu Tổng thống lâm bệnh nặng và không đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ?

Theo Tu chính án 25, được thông qua những năm 1960 để quy định việc tổng thống không đủ năng lực và kế hoạch tiếp quản vị trí này, các tổng thống có thể tình nguyện chỉ định phó tổng thống là người tiếp quản quyền lực nếu bản thân họ lâm bệnh nặng hoặc không thể thực hiện các nhiệm vụ của một tổng thống.

Nếu Tổng thống Trump trở nặng, ông có thể gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch tạm quyền Thượng viện nói rằng ông “không thể thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của văn phòng tổng thống” để giao lại quyền lực cho Phó Tổng thống Pence. Ông Trump có thể sẽ khôi phục lại mọi quyền hành khi ông khỏi bệnh.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: New York Times

Chiều 2/10, khi ông Trump dự kiến tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói rằng Tổng thống vẫn nắm mọi quyền hành.

“Không có sự chuyển giao nào cả. Tổng thống vẫn đang chịu mọi trách nhiệm”, ông nói.

Kể từ khi Tu chính án 25 được phê duyệt năm 1967, có 3 lần phó tổng thống tiếp quản quyền lực trong tình huống như thế này, và cả 3 lần đều rất “chớp nhoáng”.

Năm 1985, khi Tổng thống Ronald Reagan phải gây mê để làm thủ thuật đại tràng, ông đã trao quyền của mình cho Phó Tổng thống George H. W. Bush trong khoảng 8 giờ, mặc dù ông đã tránh viện dẫn chính thức viện đến Tu chính án 25.

Năm 2002 và 2007, Tổng thống George W. Bush cũng từng tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống Dick Cheney trong thời gian khám ruột kết.

Tổng thống có bị thay thế một cách ép buộc hay không?

Tu chính án 25 cũng nói về việc cưỡng chế bãi nhiệm tổng thống, bao gồm cả trường hợp nếu tổng thống bệnh quá nặng để thực hiện các quyền hạn của mình, hay chỉ đơn giản là từ chối chuyển giao. Đối với các tác giả của Tu chính án này, đó không chỉ là những giả thuyết hoang đường.

Sau khi bị đột quỵ vào năm 1919, Tổng thống Woodrow Wilson đã trải qua phần còn lại của nhiệm kỳ trong tình trạng bị liệt một phần và mù lòa; tình trạng của ông hầu như được giữ bí mật.

Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống cùng với nội các hoặc một nhóm do Quốc hội chỉ định, có quyền can thiệp. Nếu phần lớn các thành viên trong nhóm này quyết định và thông báo cho Hạ viện, Thượng viện rằng tổng thống “không thể thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của văn phòng tổng thống” thì “phó tổng thống sẽ ngay lập tức đảm nhận quyền hạn và nhiệm vụ với tư cách là quyền tổng thống”. Dù vậy, quyền này chưa bao giờ được sử dụng và những cân nhắc chính trị có thể khiến nó khó được thực hiện.

Các bên sẽ dàn xếp cho đến khi tổng thống thông báo cho Quốc hội rằng “không có tình huống mất năng lực nào tồn tại” và ông có thể thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nếu nhóm muốn bãi nhiệm ông không đồng ý, câu trả lời sẽ nằm ở Quốc hội, và đòi hỏi phải có 2/3 thành viên Hạ viện và Thượng viện ủng hộ thì mới có thể tước quyền của tổng thống được bầu.

Trường hợp bất đồng về việc ai sẽ nắm quyền tổng thống

Mặc dù việc kế vị tổng thống được quy định rõ ràng trong luật, nhưng một số học giả pháp lý cho rằng thực tế có thể không được thực hiện đúng với Hiến pháp, từ đó đặt ra những vấn đề tai hại tiềm ẩn nếu hai nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước không thể tiếp tục phục vụ.

Ông Trump làm việc tại phòng Tổng thống của Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed này 3/10. Ảnh: White House

Một số học giả về hiến pháp đã nêu ra những nghi vấn về việc liệu Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch tạm quyền của Thượng viện có đủ tư cách để đảm đương vị trí tổng thống hay không. Họ cho rằng những người soạn thảo Hiến pháp chỉ nói đến các quan chức trong nhánh hành pháp, bởi Hiến pháp sử dụng từ “viên chức”.

Jack L. Goldsmith, một giáo sư trường luật Harvard, đã từng cảnh báo rằng, sẽ có một cuộc tranh chấp phức tạp. Ví dụ, có thể bà Pelosi và Ngoại trưởng Mike Pompeo - quan chức nhánh hành pháp tiếp theo trong danh sách kế vị, sẽ đưa ra các tuyên bố cạnh tranh cho vị trí tổng thống.

“Đây đều là những kịch bản ác mộng vì những điều này thực sự chưa bao giờ được thử nghiệm”, ông Goldsmith nói.

Cũng không rõ điều gì sẽ xảy ra nếu tổng thống và phó tổng thống đều tạm thời không còn năng lực điều hành. Norman J. Ornstein, một học giả về hiến pháp tại Viện Sự nghiệp Mỹ, cho rằng tình huống như vậy có thể dễ dàng dẫn đến tranh chấp quyền hạn tổng thống trong ngắn hạn giữa chánh văn phòng Nhà Trắng, Ngoại trưởng và các nhân vật khác.

Nếu Tổng thống Trump không thể tranh cử?

Tình hình sẽ nhanh chóng trở nên hỗn loạn.

Trước tiên, Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa sẽ phải đề cử ứng viên mới. Tuy nhiên, vì nhiều bang đã in, gửi thư và nhận phiếu bầu, trong khi một số bang đã tiến hành bỏ phiếu trực tiếp; tên của ứng viên mới có thể sẽ không được in trên các lá phiếu kịp thời cho Ngày Bầu cử chính thức (3/11).

Khi đó, mọi chuyện sẽ do từng bang quyết định nên xử lý như thế nào và hầu hết các bang lại đều không đặt ra quy tắc cho tình huống này.

“Vấn đề là ở chỗ luật của mỗi bang quy định như thế nào và không quy định thế nào về những gì xảy ra trong tình huống này. Luật của nhiều bang luật thậm chí còn không đề cập khả năng này”, theo Richard L. Hasen, Giáo sư luật tại Đại học California.

Câu hỏi có thể sẽ còn phức tạp hơn nếu ông Trump giành chiến thắng nhưng lại không thể đảm đương nhiệm vụ. Một số bang không bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên giành được đa số phiếu phổ thông ở bang đó, nhưng cho dù phần lớn các bang có luật ràng buộc đại cử tri thì luật đó cũng không đề cập tới việc điều gì sẽ xảy ra nếu một ứng cử viên qua đời hoặc không thể phục vụ đất nước.

Câu hỏi có thể được giải quyết ở Quốc hội – nơi xác nhận lá phiếu của đại cử tri đoàn, hoặc có thể do các tòa án định đoạt./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-kich-ban-cho-nuoc-my-neu-benh-tinh-tong-thong-trump-tro-nang-vi-covid-19-783381.vov