Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa: Lý Thường Kiệt, Người anh hùng 'phá Tống, bình Chiêm' rạng danh lịch sử Việt Nam. Nguồn: Internet

Kỳ7
II

Ngày 8 tháng 1 năm 1077, cửa biển Khâm Châu thuộc Quảng Nam Tây Lộ chìm dưới bầu trời mùa đông u ám giá lạnh, rét cắt da cắt thịt. Sóng lừng từ biển mênh mông đen kịt vỗ vào mạn hàng trăm chiến thuyền tung bọt trắng xóa. Trời như liền với biển một màu xam xám.

Trái với sự u ám của mùa đông, hải cảng Khâm Châu tấp nập bởi 400 chiến thuyền và 5 vạn quân Tống chuẩn bị xuất phát theo đường biển tiến đánh Đại Việt. Từng chiếc thuyền to lừng lững, cờ vàng trên cột buồm viết chữ “Đại Tống” tung bay theo gió. Quân lính đứng chật cả thuyền, vũ khí tua tủa sáng loáng. Viên tướng đứng trên lâu thuyền ra lệnh xuất phát. Đi tiên phong là tướng Hòa Mân, đi trung quân là chủ soái đạo thủy binh Dương Tùng Tiên. Lâu thuyền cao lắc lư theo sóng, trên là lá cờ vàng đề chữ “Soái” bay phấp phới. Đi hậu quân là đoàn thuyền lương chở 10 vạn hộc lương thực do tướng Tô Tử Nguyên đốc chiến. Đoàn thuyền đi hàng dọc, đè sóng tiến lên với sức đẩy của sức chèo và sức đẩy vào cánh buồm của gió nên thuyền lướt như bay trên biển. Bách tính Khâm Châu đứng trên bờ nhìn đoàn thuyền ngao ngán lắc đầu:

-Lại chiến tranh.

-Đánh nước nào vậy? Chiêm Thành hay Đại Việt?

-Nghe nói đánh Đại Việt.

-Không học được bài học năm xưa của Hầu Nhân Bảo sao?

-Dân tình đói khổ không cứu giúp, lại phung phí vàng bạc vào cuộc chiến tranh bất nghĩa tốn kém.

-Đánh thế nào được Đại Việt, bên đó có Tể tướng Lý Thường Kiệt, đã đánh Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu mà Tống Thần Tông bó tay ngay trên đất mình. Lần này lại chuốc lấy thất bại nhục nhã thôi.

-Hàng chục vạn con em ta lại chết oan rồi, than ôi!!!

Đạo thủy quân đi được nửa ngày trời, Dương Tùng Tiên hỏi tên hướng đạo:

-Đây là đâu?

-Dạ, bẩm tướng quân, chúng ta đã tiến vào biển châu Yên Bang, lộ Hải Đông của Đại Việt, sắp vào phía Bắc đảo Vân Đồn và quần đảo Bái Tử Long.

Dương Tùng Tiên nói:

-Biển của Đại Việt quá đẹp, đúng là bõ công chinh phạt mà chiếm lấy.

Chợt phía trước mũi thuyền của quân Tống, xuất hiện hàng trăm chiến thuyền nhỏ của quân Việt, chèo như bay tấn công vào đội hình thuyền Tống. Quân Tống đi hàng dọc nên bị những chiến thuyền Việt đánh tạt ngang sườn. Quân Việt bắn tên có lửa sang thuyền Tống. Thuyền Tống to và nặng nề khó vận động, khó tránh, hàng nghìn lính đã chết và 60 chiến thuyền đã cháy. Dương Tùng Tiên ra lệnh:

-Dàn thành đội hình chiến đấu!

300 chiến thuyền liền dàn hình tam giác mà mũi nhọn đi đầu, hai cạnh hai bên bảo vệ cho lâu thuyền chủ soái và đoàn thuyền lương thực, hậu quân là cạnh đáy bảo vệ phía sau. Dù vậy, thuyền quân Tống di chuyển rất chậm. Trong những ngày sau đó, thủy binh Tống bị chiến thuyền Việt chặn đánh 8 trận. Quân Tống thiệt hại thêm 8 thuyền và hàng nghìn binh sĩ. Dương Tùng Tiên rất tức giận với lối đánh du kích của thủy binh Việt. Y nói với viên tùy tướng:

-Bọn thủy binh của Lý Thường Kiệt chẳng qua cũng chỉ là đàn chuột nhắt nhát gan, không dám dàn trận đánh hẳn hoi đàng hoàng.Thuyền chiến Tống sắp tiến vào biển Vân Đồn, được gọi là sông Đông Kênh. Con đường thủy này có thể gọi là “Quỷ Môn Quan” dưới nước. Bên phía Tây là bờ biển làng mạc, bên phía Đông dòng nước là các đảo, giữa là dòng nước hẹp cho thuyền bè qua lại. Tên hướng đạo nói:

-Bẩm tướng quân, chúng ta sắp tới Vân Đồn, địa thế rất hiểm yếu, phải đề phòng có mai phục.

Mai phục thì cũng phải đi qua để vào được sông Cầu chở 10 vạn bộ binh, kỵ binh của chủ soái Quách Quỳ qua sông để tiến đánh Thăng Long. Ta không vào được, lỡ kế hoạch, ta và các ngươi có chịu nổi lưỡi gươm hình phạt giáng vào cổ không? Vả lại không tiến lên thì ta là đồ nhát gan, còn mặt mũi nào mà làm tướng nữa. Lại còn 10 vạn hộc lương thực không vào được sông Cầu, 10 vạn quân đói khát, còn nói gì đến đánh thắng đây?

Tô Tử Nguyên nói:

-Chủ tướng nên cho 2 vạn quân lên bờ bảo vệ mặt Tây, vượt qua sông Đông Kênh rồi đón họ lên thuyền cũng chưa muộn.

Hòa Mân nói:

-Nên dàn đội hình đi ba hàng dọc, lương thực và thuyền chủ soái đi giữa, thuyền chiến đi hai bên bảo vệ.

Dương Tùng Tiên nói:

-Hai tướng quân nói phải lắm. Tướng quân Tô Tử Nguyên.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy hai vạn quân đổ bộ lên bờ, bảo vệ thuyền chiến và đánh quân mai phục nếu có.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Hòa Mân.

-Dạ, có mạt tướng.

-Ta ra lệnh dàn binh thuyền đi ba hàng dọc, bản tướng quân đi giữa chỉ huy, tướng quân đi sau đốc chiến.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Rồi ghé thuyền vào chỗ gần bờ, Dương Tùng Tiên đổ 2 vạn quân lên bờ, bảo vệ phía Tây cho đoàn binh thuyền. Sau đó chiến thuyền Tống đi thành ba hàng dọc tiến vào sông Đông Kênh, Vân Đồn, châu Yên Bang, lộ Hải Đông.

Khi binh thuyền Tống đã lọt hết vào sông Đông Kênh, thốt nhiên bị hàng trăm chiến thuyền Việt chặn đánh phía trước. Tên có lửa bay như sao sa bắn vào chiến thuyền quân Tống. Ở phía Đông trên các đảo quân Việt dùng máy bắn đá, tên có lửa, tên không lửa dội như mưa vào chiến thuyền quân Tống. Thuyền Tống bốc cháy ngùn ngụt, hàng nghìn thủy binh chết gục trên thuyền hoặc xác lăn xuống biển. Trên bờ phía Tây, 2 vạn lính thủy đi bộ cũng bị phục binh Việt bắn tên, sau đó xông ra chém giết. Phút chốc, 2 vạn quân Tống chết quá nửa, số còn lại vội tháo chạy xuống thuyền. Trong khi đó, máy bắn đá của quân Việt trên bờ nã như mưa xuống thuyền quân Tống. Không cần chờ lệnh của Dương Tùng Tiên, số chiến thuyền đi sau do Hòa Mân chỉ huy vội quay đầu và chạy ngược lại hướng Bắc thoát thân. Dương Tùng Tiên cũng vội bỏ đoàn thuyền lương và hàng vạn quân sĩ mở đướng máu chạy ra biển chạy thoát. Đạo thủy binh Tống hầu hết bị tiêu diệt với 4 vạn quân, còn khoảng 100 chiến thuyền mấy ngày sau Dương Tùng Tiên mới tập trung lại được rồi về biển Khâm Châu cố thủ. Dương Tùng Tiên hỏi một tùy tướng:

-Tướng thủy sư Đại Việt nào vừa đánh bại ta vậy?

Viên tùy tướng đáp:

-Dạ, đó là tướng Lý Kế Nguyên, dòng dõi hoàng tộc nhà Lý.

Dương Tùng Tiên thở dài:

-Có Lý Thường Kiệt, lại có Lý Kế Nguyên, chủ soái Quách Quỳ phen này lại bại trận rồi. Chúng ta đã quên bài học của Hầu Nhân Bảo năm 981 rồi. Than ôi!!!

Rồi Dương Tùng Tiên cùng các tùy tướng nằm chờ vua Tống xử theo quân luật trong nỗi buồn sầu thảm…

* **

Cùng ngày 18-1-1077, trong khi đạo thủy binh Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy đang rời cảng Khâm Châu thì trên bộ 10 vạn quân chiến đấu, 20 vạn phu phen vác lương thực do Quảng Nam Tuyển Phủ Sứ Quách Quỳ làm chủ soái, Ngoại lang bộ lại Triệu Tiết làm phó soái đã tiến đến gần biên cương Đại Việt. Quách Quỳ và Triệu Tiết đi trung quân, Yên Đạt, Trương Thế Cự đi tiên phong, Vương Mân, Lý Tường, Tư Kỷ đi hậu quân, Miêu Lý, Vương Tiến đi tả hữu trung quân. Khắp không gian biên cương hai nước núi non trùng điệp cao thấp đủ hình thù, chỉ giống nhau là cùng một màu xanh xám cây lá và trắng xóa màn sương mong manh. Vài đàn chim chao cánh trên nền trời xám. Quân đi rùng rùng, gươm giáo sáng lòa, cờ vàng rợp trời đất, hàng vạn con ngựa khua móng vang động trên đường, cất tiếng hí vang lừng, cát bụi chinh yên bay mù mịt.

Quách Quỳ đang suy nghĩ mông lung trước mùa chiến tranh u ám, bỗng có thám mã của đạo tiên phong về báo:

-Bẩm chủ soái, bắt đầu vào đất của Đại Việt, vào quan ải đầu tiên là ải Quyết Lý. Quân Đại Việt bắt đầu chiến đấu chống lại. Đại tướng Tư Kỷ đang giao chiến với địch.

Quách Quỳ hỏi:

-Cờ của chủ soái quân Việt mang tên gì?

-Dạ, bẩm chủ soái, cờ mang chữ “Phò mã áo chàm Thân Cảnh Phúc”.

Quách Quỳ nói:

-Đó không phải là quân chủ lực của Lý Thường Kiệt, đó là dân binh người Tày do Thân Cảnh Phúc chỉ huy.

Quách Quỳ hỏi Triệu Tiết:

-Sao Thân Cảnh Phúc là người Tày lại được phong phò mã?

Triệu Tiết đáp:

-Nhà Lý của Đại Việt thường gả công chúa cho các tù trưởng người dân tộc để họ trung thành và giữ biên cương cho triều đình. Thân Cảnh Phúc nay là Tri Lạng Châu. Họ Thân đã ba đời là phò mã nhà Lý, rất trung thành với triều đình Đại Việt.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--chuong-i--i--ky-7-75952