Những khúc ca khải hoàn (Tập III) - Kỳ 53

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tượng thờ Ngô Thì Nhậm. Nguồn: Internet

Bằng “Nước cờ rút quân về chỗ hiểm Tam Điệp” đi vào sử sách, Ngô Thì Nhậm cho 290.000 quân Thanh ngủ trọ một đêm trước khi đuổi chúng chạy thoát thân không còn mảnh giáp.

Kỳ 53II

Lê Quýnh và quan nội thị đi ra, Càn Long hỏi:

-Sứ giả của An Nam Quốc Vương Lê Chiêu Thống cầu viện ta đưa quân vào Đại Việt đánh Tây Sơn. Các khanh đã nghe hết rồi. Không biết ta có nên xuất quân không. Tấm gương của Lưu Cung nhà Nam Hán, của Tống Thái Tông, Tống Thần Tông, của Nguyên Thế Tổ và của Minh Tuyên Tông làm ta rất ái ngại khi xua quân vào nước đó. Các khanh có cao kiến gì không?

Đại thần Hòa Thân bước ra tâu:

-Bẩm hoàng thượng, nước có lúc thịnh lúc suy, triều đại cũng vậy. Muốn lấy được của người thì nhằm lúc họ suy mà lấy. Chỉ có điều là có dám chớp thời cơ hay không. Như tình thế Trung Hoa năm 1644, khi nhà Minh sụp đổ, Lý Tự Thành tác oai tác quái, đức Thái Tông Thuận Trị của ta mà không nắm bắt cơ hội, kiên quyết tiến vào Trung Nguyên thì làm sao ta có cơ đồ Đại Thanh ngày nay. Như An Nam mấy trăm năm nội chiến, dân tình cơ cực chết chóc, nội tình tàn sát lẫn nhau. Đó là lúc suy, nhà Hậu Lê đã bên bờ vực diệt vong. Đây là lúc trời cho ta chiếm Đại Việt và tiến xuống làm chủ Đông Nam Á. Mong hoàng thượng đừng bỏ lỡ thơi cơ.

Tể tướng họ Lưu tấu:

-Hòa đại nhân nói sai rồi. Khai quốc đệ nhất công thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”sau khi đánh bại nhà Đại Minh năm 1427 rằng:

“Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu” đó sao. Nay nhà Hậu Lê suy vong, An Nam rối loạn nhưng đã nổi lên những anh hùng bách chiến bách thắng như Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đó sao? Thần xin hoàng thượng không nên cất quân, can qua khổ cực cho bách tính hai nước. Có tạm thời lấy được chưa chắc lâu dài đã giữ được. Vả lại, với một tay dụng binh như thần của Nguyễn Huệ thì quân ta không thể chiến thắng được.

Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, nước Đại Việt quả loạn lạc, rối ren, do sự đe dọa của Tây Sơn mà Lê Chiêu Thống đã hai lần rời Thăng Long lên Kinh Bắc. Tháng 7 năm 1788, bọn cận thần Lê Quýnh đã đưa hoàng thái hậu và hoàng tử đến hành doanh của thần ở Long Châu kêu khóc thản thiết xin được Đại Thanh ta giúp đỡ, lấy lại ngai vàng. Thần cho rằng trong cái khó khăn có cái thuận lợi. Lê Chiêu Thống là cháu chắt của nhà Hậu Lê. Dưới con mắt của bách tính Bắc Hà, cái ơn của Lê Thái Tổ đánh nhà Minh, giải phóng cho họ làm cho họ nhớ ơn muôn đời. Cho nên, các thế lực dù mạnh đến đâu cũng không dám lật đổ nhà Hậu Lê để lấy lòng dân như các chúa Trịnh. Ngay đến Nguyễn Huệ cũng có dám phế nhà Hậu Lê đâu. Chẳng qua Lê Chiêu Thống trót cùng Nguyễn Hữu Chỉnh có mâu thuẫn với Tây Sơn nên sợ mà bỏ chạy, tự làm mất ngai vàng. Nay ta lấy danh nghĩa “Phù Lê” thì bách tính Bắc Hà sẽ ủng hộ và ta sẽ thành công trong việc nhập Đại Việt vào với Đại Thanh ta.

Càn Long nói:

-Ta vẫn có nguyện vọng chiếm Đại Việt và Đông Nam Á và đây là thời cơ. Tôn Tổng đốc nói phải lắm. Khanh có dám chỉ huy 30 vạn quân tiến vào Thăng Long và vào Phú Xuân bắt Nguyễn Huệ không?

-Dạ, thần bất tài nhưng nếu hoàng thượng tin cậy thần xin tuân chỉ.

Càn Long nói:

-Tất cả nghe chỉ dụ:

Bá quan văn võ vội bước ra quỳ xuống. Vua Càn Long nói:

-Nay phong Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Nam đại tướng quân chỉ huy 30 vạn quân huy động từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu tiến đánh An Nam với danh nghĩa “Phù Lê”. Phong đề đốc Hứa Thế Hanh làm phó nguyên soái cho chủ soái Tôn Sĩ Nghị. Thành lập hành doanh và dưới trướng Tôn Sĩ Nghị có các tướng: Tổng binh Thượng Duy Thăng, tổng binh Khánh Thành, tổng binh Trương Triều Long, tổng binh Lý Hóa Long.

-Trong 30 vạn quân, Nam chinh đại tướng quân Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 20 vạn quân theo Ải Nam Quan vào Lạng Sơn mà tiến xuống Thăng Long.

-Nay chỉ dụ cho đề đốc Vân-Quý là Ô Đại kinh chỉ huy quân Vân Nam-Quý Châu từ Vân Nam tràn vào ải Bạch Mã, theo đường Tuyên Quang tiến xuống.

-Nay chỉ dụ cho tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống chỉ huy quân Điền Châu tràn vào Cao Bằng tiến xuống Thăng Long.

-Nay chỉ dụ cho Phúc An Khang chuyên trách việc quân lương, hậu cần cho đạo quân viễn chinh.

-Ta ở Tử Cấm Thành sẽ theo dõi sát cuộc Nam chinh của các khanh. Chúc các tướng sĩ ca khúc khải hoàn.

-Chúng thần tuân chỉ, tạ ơn hoàng thượng. Chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Bãi triều.

* *
*

Cuối tháng 10 năm 1788, khắp kinh thành Thăng Long chìm trong giá lạnh. Gió lạnh thổi cắt da, cắt thịt. Cây cối, cung điện chìm trong sương giá. Những lâu đài rêu phong đọng những giọt sương. Những đà đao của những mái cung điện, lâu đài vươn lên trời xám mang hình đầu những con rồng đen. Điện Thiên An trong hoàng thành Thăng Long bây giờ vắng chủ. Hoàng đế nước Đại Việt Lê Chiêu Thống mưu chống lại nhà Tây Sơn đã bỏ cung điện, kinh thành chạy đi lưu vong cầu cứu nhà Thanh. Trong cung điện chỉ còn những tướng lĩnh nhà Tây Sơn thay mặt Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trông coi Bắc Hà tạm thời làm quân doanh.

Sáng nay trong một căn phòng nhỏ trong điện Thiên An, Ngô Văn Sở đang ngồi bàn cũng các tướng Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Dụng. Ngô Văn Sở nói:

-Chúng ta đã mời Lê Chiêu Thống về lại ngai vàng nhưng ngài ta nhất mực không về. Theo tin tức thám mã báo về thì nhà vua đã sai thân vương đại thần là Lê Quýnh làm sứ giả sang cầu cứu Càn Long nhà Thanh đưa quân sang xâm lược nước ta.

Phan Văn Lân tức giận nói:

-Lê Thái Tổ và các vị tiên liệt của ông ta là hiển hách, oanh liệt, sao lại sinh ra một ông vua cháu chắt đớn hèn và kiên quyết phản quốc đến như vậy?

Chợt có thám mã của trấn thủ Nguyễn Văn Hòa về báo:

-Dạ, cấp báo Đại tư mã, 20 vạn quân Thanh do tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã tràn vào Lạng Sơn. Thế giặc rất mạnh. Trấn thủ Lạng Sơn Phan Khải Đức đã đầu hàng giặc, quân sĩ đã bỏ chạy. Tướng Nguyễn Văn Diễm đã chạy về Kinh Bắc, hội quân cùng trấn thủ Nguyễn Văn Hòa. Mạt tướng vâng lệnh của trấn thủ Nguyễn Văn Hòa về đây cấp báo.

Lại có thám mã từ Tây Bắc về báo:

-Dạ, cấp báo, quân Thanh thuộc Vân Nam-Quý Châu do Ô Đại Kinh chỉ huy đã vượt ải Bạch Mã theo đường Tuyên Quang đang tiến về Sơn Tây.

Lại có thám mã ở miền Bắc về báo:

-Dạ, bẩm Đại tư mã, quân Thanh ở Điền Châu do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy theo đường Long Châu tràn vào Cao Bằng và đang tiến xuống Thăng Long.

Ngô Văn Sở nói:

-Vậy là 30 vạn quân Thanh đã tràn vào xâm lược nước ta. Trọng tâm của chúng là đánh chiếm Thăng Long. Các tướng quân và quân sư Ngô Thì Nhậm có cao kiến gì để chống giặc không?

Nguyễn Văn Dụng nói:

-Mạt tướng nghĩ trong ba đạo quân đó, đạo 20 vạn của Tôn Sĩ Nghị là đạo chủ lực. Quân ta ở Bắc Hà có 6 vạn. Ta nên đem quân lên dùng chiến thuật mai phục như xưa của Lê Thái Tổ diệt đạo quân Liễu Thăng. Đạo quân Tôn Sĩ Nghị bị tiêu diệt thì hai đạo quân kia cũng rút lui.

Ngô Thì Nhậm nói:

-Thời thế đã thay đổi và lực lượng đã khác nhau. Xưa quân Liễu Thăng có 10 vạn thì Lê Thái Tổ trong chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang cũng phải có 10 vạn, nay ta chỉ có 6 vạn là không đủ. Xưa quân Lam Sơn chủ động, mai phục ngay ở Quỷ Môn Quan và ải Chi Lăng, đánh dập đầu con rắn ngay từ trận đầu, nay ta bị động, để cho giặc qua ải Chi Lăng rồi rất khó đánh. Xưa quân Lam Sơn mai phục là giữ được bí mật, nay ta mai phục thì bọn Việt gian, bọn cần vương tay sai của Lê Chiêu Thống sẽ báo hết cho quân Thanh, ta sẽ sa vào vòng vây của chúng, sẽ chết 6 vạn quân vô ích. Nay chi bằng ta áp dụng chiến thuật của Trần Thái Tông, của Trần Hưng Đạo, rút lui chiến lược, bảo toàn lực lượng, làm cho địch chủ quan để nó phạm sai lầm, chờ đại quân của Bắc Bình Vương ra để phản công tiêu diệt giặc cũng chưa muộn.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-53-77073