Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 44)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa. Anh hùng Nguyễn Chích trong khởi nghĩa Lam Sơn: Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nếu chiếm được Nghệ An và nói theo cách nói của Nguyễn Chích là nghĩa quân Lam Sơn đã tìm được đất đứng chân. Quả đúng là từ vùng đất đứng chân đặc biệt này, nghĩa quân Lam Sơn đã liên tiếp làm nên những kỳ tích giải phóng Nghệ An. Mùa Thu năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã nhân đà thắng lợi, tiến gấp ra giải phóng đất Thanh Hóa. Giặc hốt hoảng co về cố thủ trong thành Tây Đô. Đầu mùa Đông năm 1425, quân Lam Sơn tấn công vào Tân Bình và Thuận Hóa (bấy giờ vùng này tương ứng với miền đất từ phía Nam tỉnh Hà Tĩnh vào đến Quảng Ngãi ngày nay). Nguồn: Internet.

Kỳ 44

Vào được Nghệ An, thế và lực quân Lam Sơn tăng lên rất mạnh. Thanh niên Nghệ An đua nhau gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Quân số lên 10 vạn người. Quân Lam Sơn vừa bao vây thành Nghệ An, vừa đánh địch ngoài thành. Đầu tháng 5 năm 1425, quân Minh ở Đông Quan vào tăng viện cho Trần Trí. Trần Trí nói với các tướng:

-Có quân viện binh ở Đông Quan đang vào, ta nên đem quân ra ngoài thành đánh từ mặt Nam, viện binh Đông Quan đánh từ mặt Bắc ép từ hai mặt, quân Lam Sơn chắc chắn thất bại.

Phương Chính nói:

-Phó tổng binh nói phải lắm.

Tháng 5, trời đất Nghệ An nóng như trút lửa, lại thêm gió lào thổi khô khốc, trời cao xanh, cây cối lặng im không một chút lay động theo gió. Quân Minh hành quân rất mỏi mệt. Chiều tối mới tới một bờ sông. Trần Trí hỏi một tên Việt gian dẫn đường:

-Đây là đâu?

-Dạ bẩm, đây là Khả Lưu thuộc huyện Đô Lương, phủ Nghệ An. Sông này gọi là sông Lam.

Nhìn sang bên kia bờ sông thấy quân Lam Sơn hạ trại san sát có vẻ như đang nghỉ ngơi mà không phòng bị. Trần Trí nói với Phương Chính:

-Trời cho ta thành công chuyến này. Đêm nay ta vượt sông bao vây đánh bất ngờ, quân Lam Sơn chắc chết. Tướng quân Phương Chính:

-Dạ, có mạt tướng.

-Khi qua được sông, tướng quân vây đánh quân Lam Sơn mặt phía Đông.

-Dạ, Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Lý An.

-Dạ, có mạt tướng.

-Khi qua được sông, tướng quân bao vây và đánh vào mặt Bắc và mặt Tây quân Lam Sơn.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Canh ba đêm đó, quân Minh dùng cầu phao qua sông Lam. Khi đạo quân Phương Chính sang vượt sông, các đạo còn lại còn đang giữa sông thì quân Lam Sơn mai phục sẵn tấn công vào quân Phương Chính. Những trận mưa tên làm quân Minh chết chồng như núi, máu chảy như suối nhuộm đỏ sông Lam. Quân Lam Sơn còn dùng thuyền nhỏ tấn công vào hai đạo quân Minh còn trên cầu phao làm quân Minh chết rơi xuống nước hoặc quá hoảng sợ mà nhảy xuống sông chết đuối hàng vạn làm dòng sông Lam tưởng như tắc nghẽn. Trong khi đó, doanh trại quân Minh ở bờ Nam cũng bị quân Lam Sơn tấn công, lửa cháy ngút trời trong tiếng hò reo chém giết vang động cả một vùng Khả Lưu. Cả ba nơi bị đánh không cứu ứng được nhau, quân Minh đại bại. Trận này quân Minh chết 3 vạn. Trần Trí rút quân về lập doanh trại ở Đông Khả Lưu, ngăn không cho quân Lam Sơn thừa thắng tiến xuống đồng bằng Nghệ An. Đang điên cuồng tức giận vì bại trận thì Trần Trí trông thấy quân Lam Sơn nhổ trại hành quân lên thượng nguồn sông Lam. Trần Trí vội vã ra lệnh:

-Tập hợp binh mã đuổi theo quân giặc, không để chúng chạy mất dấu vết.

7 vạn quân Minh còn lại rùng rùng truy kích quân Lam Sơn. Trời đã sáng, quân Minh đến một nơi địa thế vô cùng hiểm trở. Trần Trí hỏi tên Việt gian:

-Đây là đâu?

-Dạ, bẩm Phó tổng binh, nơi đây dân địa phương gọi là Bồ Ải.

Trần Trí nói:

-Địa thế quá hiểm trở, đề phòng có mai phục. Tướng quân Hoàng Thạch đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân dẫn 1 vạn quân đi tiên phong dò xem có mai phục không.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Hoàng Thạch dẫn quân đi, cờ dong trống mở cốt cho quân Lam Sơn trông thấy. Qua được Bồ Ải không thấy động tĩnh gì. Hoàng Thạch cho thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Phó tổng Binh, quân tiên phong đã qua Bồ Ải, không có mai phục.

Trần Trí yên tâm dẫn 6 vạn quân lọt vào Bồ Ải. Khi toàn bộ quân Minh lọt vào khu hiểm trở thì một phát tên lửa bắn lên trời rồi những trận mưa tên, mưa đá trút xuống đầu quân Minh. Hàng nghìn quân Minh gục xuống. Quân Minh định rút chạy nhưng quân Lam Sơn bịt kín cả hai đầu thung lũng mà đánh. Một canh giờ sau, trống chiêng tù và nổi lên vang động, 7 vạn quân Lam Sơn reo hò tràn xuống như thác nước chém giết quân Minh. Phía bên trái Bồ Ải là sông, quân Minh hoảng loạn quên cả sông sâu nhảy xuống sông mà chết đuối. Trần Trí dồn quân lại công phá phía Đông, mở đường máu mà chạy thoát. Quân Lam Sơn chuyển sang truy kích đến tận thành Nghệ An. Trận này quân Minh chết 3 vạn, tướng Hoàng Thạch tử trận, Đô úy Chu Kinh bị bắt. Sau trận này, quân Minh không thể ngăn được quân Lam Sơn tràn xuống đồng bằng Nghệ An. Bách tính được giải phóng vui mừng phấn khởi như từ chỗ chết được sống lại. Thanh niên nô nức tòng quân, bách tính tự nguyện góp lương thực. Quân số Lam Sơn lên đến 15 vạn người. Thanh thế chấn động Giao Chỉ. Chính quyền nhà Minh ở Nghệ An tan rã và các quan chức ra hàng như tri châu Ngọc Ma là Cầm Quý đem 8000 quân bản bộ và 10 thớt voi ra hàng, được Lê lợi phong cho chức thái úy. Quân Lam Sơn bao vây thành Nghệ An. Tổng hành dinh của Lê Lợi ở Đô Lương. Trời mùa hè như đổ lửa, nước sông Lam vẫn tuôn dòng. Một sáng, Lê Lợi đang trong hổ trướng tiếp các bô lão thì có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, quân Minh do tướng Lý An chỉ huy vào cứu thành Nghệ An, Trần Trí, An Bình ở thành Nghệ An ra đón bị quân ta mai phục đánh ở Quất Giang, huyện Đỗ Gia. Quân Minh bị giết 2000 tên. Trần Trí, Lý An phải chạy vào thành Nghệ An.

Lại có thám mã từ Diễn Châu về báo:

-Dạ bẩm chúa công, tướng Đinh Lễ mai phục đã giết chết tướng Thiên Hộ nhà Minh họ Trương và 300 thuộc hạ. Tướng Minh Trương Hùng tải lương vào tiếp viện cũng bị đánh thua, đã từ Diễn Châu chạy về Thanh Hóa. Tướng quân Đinh Lễ đã truy kích đến Thanh Hóa rồi ạ. Quân ta đang bao vây thành Diễn Châu ạ.

Lê Lợi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Cho gọi các tướng Lê Sát, Lý Triện, Lưu Nhân Chú, Lê Bị vào tổng hành dinh.

-Dạ.

Các tướng Lê Sát, Lý Triện, Lưu Nhân Chú, Lê Bị vào:

-Dạ, bẩm chúa công cho gọi:

Lê Lợi ra lệnh:

-Bốn tướng hãy đem 3 vạn quân và 20 thớt voi ra chi viện cho tướng quân Đinh Lễ ở Thanh Hóa. Nếu thuận lợi giải phóng luôn phủ Thanh Hóa đi. Trừ thành Tây Đô thì bao vây.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Vài ngày sau thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, các tướng Lê Sát, Lý Triện, Lưu Nhân Chú, Lê Bị đã đánh úp trại của Trương Hùng, diệt 5000 tên. Toàn bộ quân Minh ở Thanh Hóa đã rút vào Tây Đô. Thanh Hóa đã được giải phóng. Bách tính tham gia tòng quân và góp lương thực nhiều không kể xiết.

Mùa thu năm 1425 quân Lam Sơn đã làm chủ ba phủ quan trọng của Bắc miền Trung là Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa. Một vùng nông thôn rộng lớn được giải phóng. Quân Minh ở ba phủ bị bao vây ở các thành Nghệ An, Diễn Châu và Tây Đô. Nguyễn Trãi nói với Lê Lợi.

-Ta nên tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa để mở rộng địa bàn, hơn nữa khi ta tấn công ra Đông Quan, không còn lo bị quân Minh tấn công ở phía Nam.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-44-76872