Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 42)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa: Danh tướng Nguyễn Chích trong khởi nghĩa Lam Sơn Nguồn: Internet.

Kỳ 42

-Dạ bẩm chúa công, Trần Trí dẫn 10 vạn quân Minh từ Đông Quan vào đang hạ trại nghỉ ở ải Kính Long ạ.

Khi đó Lê lợi đang cùng các tướng Lam Sơn gặp mặt tướng quân Nguyễn Chích. Nguyễn Chích quê ở Đông Ninh, Đông Sơn Thanh Hóa, đã khởi nghĩa chống Minh trước cả khởi nghĩa Lam Sơn. Nghĩa quân Nguyễn Chích đã đánh cho quân Minh nhiều trận làm chúng thất điên bát đảo, đã xây dựng căn cứ Hoàng Thục là nơi bất khả xâm phạm, đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn. Lê Lợi đã nhiều lần mời Nguyễn Chích về hội quân. Lúc này là cuối năm 1424, Nguyễn Chích đem quân về dưới cờ của Lê Lợi ở Mường Nanh. Trong buổi gặp mặt, sau nghi thức làm quen giữa các tướng Lam Sơn với Nguyễn Chích, Lê Lợi nói:

-Xin mời các tướng quân nâng chén mừng tướng quân Nguyễn Chích đem nghĩa quân về với Lam Sơn.

Lê lợi, Nguyễn Chích và các tướng nâng chén. Nguyễn Chích nói:

-Xin đa tạ chúa công, đa tạ các tướng quân.

Các tướng Lam Sơn đồng thanh:

-Xin chúc mừng tướng quân đã về với Lam Sơn cùng lo đại nghĩa.

Sau khi các tướng đã cạn ly, Lê Lợi nói:

-Nay ta phong tướng quân Nguyễn Chích là Thiết đột hữu vệ đồng Tổng đốc chủ quân sư.

Nguyễn Chích chắp tay cúi người đáp:

-Mạt tướng xin đa tạ chúa công. Bẩm chúa công, nay nghe thám mã báo Trần Trí đã đem 10 vạn quân hạ trại ở Long Kính, mạt tướng xin lĩnh 3 vạn quân tập kích trại giặc để tiêu hao và làm nhụt nhuệ khí của chúng.

Lê Lợi nói:

-Quân giặc rất đông, tướng quân tiêu hao giặc rồi nhanh chóng rút lui, không được ham chiến để quân Minh bao vây tiêu diệt quân ta.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Lê Lợi gọi:

-Tướng quân Lê Sát đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đi hỗ trợ cho tướng quân Nguyễn Chích.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Chích và Lê Sát đem 3 vạn quân đi suốt đêm. Canh ba đêm đó bí mật lại gần doanh trại quân Minh rồi bất ngờ xông vào chém giết. Quân Minh bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, 1 vạn lính bị đâm chết trong khi còn say giấc vì quá mệt mỏi sau một ngày hành quân từ Đông Quan vào Thanh Hóa. Tiếng hò reo, tiếng la hét, tiếng gươm khua vang động trong đêm tối. Trần Trí ra lệnh các trại bủa vây quân Lam Sơn. Nhưng quân Minh chưa kịp hình thành thế trận thì quân Lam Sơn đã rút chạy về Mương Nanh. Trần Trí cho điểm xác chết thì 1 vạn quân đã bỏ mạng vì trận tập kích bất ngờ của Nguyễn Chích. Trần Trí uất hận ra lệnh cho 9 vạn quân đuổi theo. Quân đông, đường rừng núi lại chật hẹp hiểm trở, hoàn toàn không thích hợp với lối đánh chính quy, trận địa chiến của quân Minh, lối đánh cổ điển trên những bãi chiến trường rộng lớn, hai bên dàn quân hình chữ nhất. Hai tướng hai bên ra giao đấu, bên nào tướng bị hạ gục thì quân tháo chạy, bên thắng truy kích mà tiêu diệt, hoặc bên thua quân không chạy thì hai bên giáp lá cà mà đâm chém nhau. Đằng này quân Minh phải hành quân vào nơi rừng núi hiểm trở mà bị quân Lam Sơn mai phục hoặc bất ngờ tập kích, gây cho quân Minh nhiều tổn thất nặng nề về binh lực, mệt mỏi về thể xác tinh thần. Đây là lối đánh làm quân Minh rất khiếp sợ mỗi khi có lệnh hành quân lên miền núi.

Hành quân đến trưa thì quân Minh đến một nơi mà leo dốc xuống dốc rất cheo leo, địa danh này được gọi là Úng Ải. 9 vạn quân Minh chỉ đi được hàng một kéo dài ngoằn ngoèo. Đạo quân tiên phong bị quân Lam Sơn tập kích hai bên sườn, tên dội như mưa. Quân Minh không thể dàn trận cũng không thể đầu đuôi cứu ứng cho nhau. Phía trước ngựa hí vang, tiếng quân Minh kêu thê thảm trước khi bị tên, đá lao giết chết. Trần Trí bất lực ra lệnh cho đại quân dừng lại. Chợt những trận mưa tên bắn vào trung quân. Một loạt tùy tướng của Trần Trí trúng tên lăn xuống đất. Trần Trí ra lệnh:

-Rút lui về phía sau, nhanh lên…

Hậu quân và trung quân chạy ngược lại. Các tùy tướng cố gạt tên hoặc che cho Trần Trí mới thoát khỏi Úng Ải, không dám quay đầu nhìn lại. Hai vạn quân Minh bỏ xác tại đây. Úng Ải-địa danh thật là khủng khiếp về địa thế hiểm trở của nó.

Trần Trí thua trận chạy về Tây Đô. Bọn Lý Bân, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ ra đón:

-Xin chào Phó tổng binh, Phó tổng binh hành quân thật là khó nhọc.

Trần Trí không trả lời. Trước đây thuộc hạ thua trận thường bị Trần Trí quở phạt. Nay chính Trần Trí cũng bị bao phen thua mất mặt. Trần Trí ngồi vào ghế chủ nhân quát:

-Mau rót rượu ra.

-Dạ, có ngay.

Trần Trí bê uống một hơi hai bát, đặt bát xuống và nói:

-Cái bọn Lam Sơn này chơi rất tiểu nhân, không bao giờ dám dàn trận đánh một trận đàng hoàng, chỉ toàn có mai phục, tập kích, không biết ta có cách gì đối phó với lối đánh khó chơi này của chúng không?

Các tướng Minh cúi đầu im lặng trước câu hỏi không lời giải đáp của chủ tướng.

II

Sau 5 năm chiến tranh, Lê Lợi lại đem quân từ Mường Nanh về Chí Linh lần thứ ba, Để có thời gian củng cố lực lượng, Lê Lợi sai Lê Trăn, Lê Vấn đem thư cho Trần Trí đề nghị giảng hòa. Trần Trí đánh nhau với quân Lam Sơn 5 năm cũng mệt mỏi, hao binh tổn tướng, đồng ý giảng hòa để tìm ra chiến lược mới tiêu diệt quân Lam Sơn. Trong chiến tranh 10 năm giữa Lam Sơn và quân Minh thì đây là giảng hòa lần thứ nhất. Sang năm 1424 thì Sơn Thọ, Mã Kỳ trở mặt, bắt giam sứ giả Lê Trăn của Lam Sơn. Chiến tranh lại bắt đầu. Vào một buổi sáng tháng 10 mùa đông năm 1424, núi Chí Linh vẫn như xưa cao ngất trời, màu xám nhô lên giữa rừng lim xanh ngát, lá rung xào xạc theo gió, sương giăng trắng xóa ảm đạm của mùa chiến tranh đang đến gần. Trong tổng hành dinh, Lê Lợi họp các tướng bàn kế hoạch tác chiến. Lê Lợi nói:

-Đã 5 năm chiến tranh rồi, cuộc khởi nghĩa của chúng ta có bước phát triển về lực lượng, đã đánh thắng nhiều trận và tiêu hao nhiều sinh lực địch. Tuy nhiên thế và lực của ta vẫn không vượt trội áp đảo để đánh bại hoàn tàn quân giặc, giải phóng đất nước. Các tướng quân có kế gì hay để phát triển cuộc kháng chiến lên một bước mới không?

Tướng Nguyễn Chích nói:

-Bẩm chúa công, mạt tướng nghĩ muốn tạo được bước phát triển mới cho cuộc khởi nghĩa ta phải tiến quân vào Nghệ An. Nghệ An là đất hiểm yếu, đất rộng người đông, lại xa Đông Quan gây khó khăn cho giặc khi tiến quân vào đàn áp, lực lượng quân Minh ở đấy lại yếu và mỏng. Mạt tướng đã từng qua lại Nghệ An nhiều lần nên rất thông thạo đường đất. Từ Nghệ An chúng ta phát triển vào Tân Bình, Thuận Hóa, nơi lực lượng quân Minh càng yếu. Từ Nghệ An làm chỗ đứng chân rồi đánh ra Thanh Hóa, đánh ra Đông Quan. Khi đã làm chủ miền Trung rộng lớn, sử dụng nhân tài vật lực, quân số lên 30 vạn thì có thể tính xong thiên hạ. Mong chúa công suy xét.

Các tướng ngồi lặng suy ngẫm trước đề xuất mới mẻ, táo bạo của Nguyễn Chích. Nguyễn Trãi nói:

-Bẩm chúa công, muốn đánh bại hoàn toàn quân Minh thì phải nâng lực lượng quân ta lên 20 vạn hoặc 30 vạn. Muốn vậy cần phải có một vùng rộng lớn thì mới có thể nâng số quân lên như vậy. Quân đông thì phải có đất rộng, dân đông để nuôi quân. Thần tán thành lời tâu của tướng quân Nguyễn Chích là tiến vào Nghệ An khả dĩ mở ra thời kỳ phát triển mới cho Lam Sơn chúng ta.

Lê Lợi hỏi:

-Các tướng quân khác có cao kiến gì không?

Tất cả các tướng đồng thanh đáp:

-Chúng mạt tướng tán thành đề đạt của tướng quân Nguyễn Chích và quân sư Nguyễn Trãi.

Lê Lợi nói:

-Ta cũng tán đồng ý kiến của tướng quân Nguyễn chích và quân sư. Nghệ An đúng là đất dụng võ, nơi đây đất rộng người đông, lực lượng quân Minh mỏng, bách tính rất khổ cực và bị đàn áp gắt gao vì họ đã theo và ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng. Họ rất căm thù quân Minh và sẽ ủng hộ chúng ta. Muốn tiến vào Nghệ An đầu tiên là phải tiêu diệt đồn Đa Căng ở Nguyễn Thọ, Lương Giang để mở đường. Đồn nay do tên thổ quan Việt gian Lương Nhữ Hốt, chức Tham chính chỉ huy. Tướng Lê Văn Linh và Phạm Văn Xảo:

-Dạ, có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem 3 vạn quân diệt đồn Đa Căng, mở đường cho đại quân tiến vào Nghệ An.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-42-76825