Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 28)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh hoa: Tướng quân Trần Khánh Dư đánh chặn tiêu diệt đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy tại vùng biển Bái Tử Long (Quảng Ninh) tháng 2/1288. Nguồn: Internet.

Kỳ 28

Lại nói để phục vụ cho cuộc xâm lược, để lừa bịp bách tính Đại Việt, Hốt Tất Liệt cho lập triều đình giả hiệu do Trần Ích Tắc đứng đầu. Hốt Tất Liệt phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, Trần Tú Hoãn là Phụ nghĩa công, phong Trần Bá Ý, con trai Trần Ích Tắc làm An phủ sứ lộ Đà Giang, em bà con Trần Tú Hoãn Lại Ích Khang làm An phủ sứ lộ Nam Sách, Trần Văn Lộng làm Tuyên phủ sứ lộ Quy Hóa. Vua Nguyên còn soạn một tờ chiếu kể tội nhà Trần, để dụ dỗ lừa phỉnh dân Đại Việt. Cuối tháng 1-1288, Hốt Tất Liệt cho Tĩnh đô sự Hầu Sứ Vạn Hộ Đạt, Thiên Hộ Tiêu đem 5000 quân hộ tống triều đình bù nhìn về Đại Việt. Đi theo đoàn còn có Lê Tắc vốn là gia tướng của Trần Kiện, Nguyễn Lĩnh, Lê Án, Trần Dục (con Trần Ích Tắc mới 9 tuổi). Đoàn tiến vào Lạng Châu. Trần Ích Tắc nói:

-Cẩn thận có phục binh của quân Trần.

Thiên Hộ Tiêu nói:

-Đại quân của chủ soái Thoát Hoan đã đi qua, quân Đại Việt hoảng sợ đã chạy hết vào rừng, có gì mà còn sợ.

Ngày 1-2-1288 triều đình bù nhìn đến Nội Bàng. Trời mùa đông u ám, gió lạnh thổi cắt da, mưa phùn bay lất phất càng tăng thêm giá rét. Bọn Trần Ích Tắc vốn là lớp người quý tộc, quen sống trong nhung lụa, không chịu được gian khổ vất vã, nay đi lại đường dài mệt nhoài ra. Bổng từ trong rừng rậm hai bên đường những trận mưa tên phóng ra. 1000 lính Nguyên Mông trúng tên ngã gục. Bọn tướng và lính Nguyên Mông còn lại lấy thân mình che tên cho bọn Việt gian vì Hốt Tất Liệt dặn là không được để chúng chết, chúng là lá bài chính trị quan trọng của Nguyên Mông đối phó với dân Đại Việt. Thiên Hộ Tiêu bị trúng tên gục xuống ngựa chết. Vạn Hộ Đạt hộ tống cả bọn chạy về Bình Giang, đoạn sông Lục Nam chảy qua Nội Bàng. Tại đây, quân Nguyên Mông dựa vào nhà dân bỏ hoang cố thủ. Sớm hôm sau, Lê Tắc do thuộc đường đã dẫn đường cho cả bọn tháo chạy về phương Bắc. 3-2-1288 cả bọn về đến Tư Minh đúng ngày 1 Tết Nguyên Đán. Cả bọn lôi thôi lếch thếch thất thểu lưu vong xứ người, mang nỗi nhục nhã suốt đời cho những tên bán nước. Đến đây lá bài chính trị của Hốt Tất Liệt biến thành mây khói.

A Bát Xích từ Thăng Long đến Vạn Kiếp, từ Vạn Kiếp lên Nội Bàng thì được tin đoàn của Trần Ích Tắc bị đánh đã chạy về Tư Minh, Thiên Hộ Tiêu và gần 5000 quân hộ tống tử trận. A Bát Xích quay lại Thăng Long báo tin cho Thoát Hoan. Thoát Hoan ngao ngán nói:-Vậy là lá bài chính trị của phụ hoàng đã thất bại.

Lại có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, có Bạt Đô Ô Mã Nhi vào gặp.

-Cho vào.

Ô Mã Nhi bước vào, Thoát Hoan hỏi ngay:

-Vua Trần và Trần Hưng Đạo ở đâu?

-Dạ bẩm chủ soái, mạt tướng đã cho thủy binh tìm khắp Khoái Châu, Long Hưng, Thiên Trường, Trường Yên mà không thấy tăm hơi của triều đình nhà Trần và quân chủ lực Đại Việt. Mạt tướng tức giận đã cho đào mộ và phá tan hoang lăng tẩm của nhà Trần ở Long Hưng nhưng không thấy thi hài của Trần Thái Tông.

Thế có thu được lương thực không?

-Dạ, lương thực có lẽ dân Việt đốt và dấu hết, mạt tướng không tìm được thạch nào.

Thoát Hoan đập bàn:

-Đồ ăn hại, cả hai việc không được việc gì, lại còn đi phá mộ, lăng tẩm thì được tích sự gì, chỉ càng cho dân Đại Việt và nhà Trần căm thù chúng ta.

-Dạ, mạt tướng có tội.

Thoát Hoan như sự nhớ ra:

-À, đón được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chưa?

-Dạ mạt tướng đã cho tùy tướng đem 20 binh thuyền, 3000 quân đi đón mà chưa thấy trở về ạ.

Thoát Hoan giận dữ:

-Nếu tướng quân không tìm được thuyền lương của Trương Văn Hổ thì về đây chịu tội chết, rõ chưa.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Áo Lỗ Bát Xích nói:

-Đã hai tháng rồi mà đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ không tới, có khi đã bị thủy quân Đại Việt đánh chìm rồi chăng?Thoát Hoan nói:

-Ta cũng đang lo lắng cho số phận của đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đây. Ô Mã Nhi là dũng sĩ của đế quốc Mông Cổ nhưng cũng chỉ là vũ dũng vô mưu, dám bỏ mạng sống của 50 vạn quân mà đi trước, không hộ tống chúng. Đã hai tháng quân lương sắp cạn rồi. Quân ta chắc sẽ chết vì sự ngu ngốc của Ô Mã Nhi. Nguy cơ như chiến tranh năm 1285 đã bắt đầu xuất hiện. Quân sư có kế gì hay không?

-Theo mạt tướng, chủ soái nên trở lại Vạn Kiếp là căn cứ vững chắc tập trung được quân thủy bộ, là tổng hành dinh có thể điều hành các mặt trận nhanh chóng. Vả lại, về đó chủ soái có thể kiểm soát được con đường huyết mạch Tư Minh đến Thăng Long. Giả sử khả năng xấu nhất có thể rút lui về Tư Minh cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn ở Thăng Long rất nhiều.

Thoát Hoan nói:

-Ta cũng nghĩ như vậy.

Thoát Hoan liền gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi đại tướng Đương Cổ Đái lại đây.

-Dạ.

Đương Cổ Đái bước vào:

-Dạ bẩm chủ soái,mạt tướng có mặt.

Thoát Hoan ra lệnh:

-Tướng quân điểm 5 vạn quân, 50 chiến thuyền ở lại bảo vệ Thăng Long. Ta sẽ dời đại bản doanh về Vạn Kiếp cho tiện điều hành toàn mặt trận, rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

* **

Lại nói Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được Trần Hưng Đạo giao cho Tổng chỉ huy thủy quân miền Đông Bắc, có nhiệm vụ chặn đạo thủy binh của Ô Mã Nhi tiến từ Khâm Châu qua Vân Đồn vào Vạn Kiếp. Tháng 1 năm 1288, khi thủy binh Nguyên Mông tràn xuống, thế giặc quá mạnh, Trần Khánh Dư bị đánh thua. Ô Mã Nhi thắng trận chủ quan khinh thủy binh Việt, bỏ mặc đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ, tiến rất nhanh đến sông Bạch Đằng lúc nước triều dâng, vào sông Kinh Thầy và về Vạn Kiếp, hội quân với Thoát Hoan.

Thấy Trần Khánh Dư bại trận, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông sai sứ đến Vân Đồn dẫn về Ái Châu trị tội. Khi đó triều đình và hai vua đã rút về Ái Châu. Trần Khánh Dư nói với sứ giả:

-Xin hoãn cho vài hôm nữa để lấy công chuộc tội.

Sứ giả hỏi:

-Tướng quân định lập công gì để chuộc tội?

Trần Khánh Dư nói:

-Ngài xem, 600 chiến thuyền của Ô Mã Nhi đã đi về Vạn Kiếp, bỏ mặc đoàn thuyền lương 70 vạn thạch của Trương Văn Hổ. Ngài hãy xem tôi cắt cái dạ dày của 50 vạn quân Nguyên Mông khiến chúng đói rã mà bại trận. Vậy tôi có đủ công để chuộc tội không?Sứ giả nói:

-Hay lắm, công của tướng quân to lắm nếu ngài làm được điều này.

-Ngài không tin thì ở lại mà xem.

Trần Khánh Dư cho quân mai phục quanh vùng Bái Tử Long, nơi được gọi là sông Đông Kênh, “Quỷ Môn Quan” miền Đông Bắc, bên Tây là bờ biển hiểm trở, bên ngoài là các hòn đảo, giữa bờ biển và các đảo là con đường thủy nhỏ hẹp vừa cho thuyền đi. Đầu tháng 2 năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chậm chạp nặng nề tiến vào trận địa mai phục. Trên bờ biển quân Việt bắn tên xuống, phía Đông thuyền chiến từ các đảo xông ra đánh phá. Quân Nguyên Mông trên thuyền lương chết gục xuống thuyền hoặc rơi xuống biển. Trương Văn Hổ không biết chống đỡ thế nào chỉ biết thúc thuyền tiến lên. Đến Cửa Lục Hòn Gai, đoàn thuyền lương bị thuyền quân Việt chặn đầu, phía sau cũng bị chặn hậu. Trương Văn Hổ ném một thuyền lương xuống biển cho nhẹ và chạy thoát ra biển, về lại đảo Quỳnh Nhai (Hải Nam), nơi quê hương và cũng là nơi xuất thân hành nghề cướp biển của hắn. Toàn bộ đoàn thuyền 70 vạn thạch lương thực bị quân Việt bắt. Quân Việt thu được không kể xiết lương thực, vũ khí, thuyền bè.

CVl

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-28-76468