Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Trần Hưng Đạo trở thành biểu tượng anh hùng trong lịch sử dân tộc không chỉ vì tài năng quân sự mà còn vì tấm lòng trung thành son sắt. Nguồn: Internet.

Kỳ 23

Trong thành Tư Phố, ở đại sảnh đường, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và đầy đủ các tướng lĩnh như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…Sau một lượt trà xong, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông nói:

-Qua cuộc rút lui chiến lược thành công từ Thiên Trường, Trường Yên về đây, hiện nay quân số quân đội đã tăng lên 35 vạn do thanh niên các vùng Ái Châu, Diễn Châu, Hoan Châu tòng quân, lương thực cũng dồi dào do các Ái Châu, Diễn Châu, Hoan Châu đóng góp. Nay có thể bước sang giai đoạn phản công tiêu diệt giặc, giải phóng kinh thành và giải phóng đất nước. Quốc công tiết chế có cao kiến gì không?

Trần Hưng Đạo nói:

-Bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, thần cho rằng thời cơ phản công tiêu diệt quân thù, giải phóng kinh thành, giải phóng đất nước đã tới. Thứ nhất, chúng ta không nên để lâu hơn nữa vì quân Mông Cổ có thể tự sản xuất lương thực để đứng chân lâu dài. Thứ hai, để lâu quân Mông cổ có thể lập bộ máy cai trị ở vùng chúng chiếm đóng sẽ rất khó khăn cho bách tính.Thứ ba, khó khăn của quân Mông Cổ hiện nay đã lên đến cực điểm, nhất là vấn đề đói khát và kiệt quệ. Cho nên, các lực lượng ra Bắc chuẩn bị phản công như sau:

-Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đem 10 vạn quân ra gần Thăng Long chuẩn bị giải phóng kinh thành.

-Thần sẽ đem 10 vạn quân trở lại Vạn Kiếp hỗ trợ cho thái sư Trần Quang Khải giải phóng Thăng Long, hỗ trợ cho các lực lượng dân binh từ Vạn Kiếp đến Lạng Châu cùng với việc đưa quân đội chính quy mai phục trên con đường này tiêu diệt giặc tháo chạy về nước, đồng thời hỗ trợ hoặc tham gia những trận đánh diệt các cứ điểm của địch ở Nam Thăng Long, Chương Dương và Tây Kết, Hàm Tử lộ Khoái Châu.

-Thái thượng hoàng và hoàng thượng chỉ huy 10 vạn quân về lại Thiên Trường, Trường Yên, Long Hưng, Khoái Châu cùng các tướng Nguyễn Khoái, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy dưới sự sai khiến của Thái thượng hoàng, hoàng thượng để tấn công quân Toa Đô ở các vùng trên và tấn công tiêu diệt các phòng tuyến Nam Thăng Long như Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương.Trong số 10 vạn quân trên, Thái thượng hoàng phải để 2 vạn quân chốt ở phòng tuyến Tam Điệp.

-5 vạn quân do tướng Trần Quốc Tảng ở lại làng Giàng bảo vệ hoàng gia và triều đình. Trong số 5 vạn quân trên phải để 200 chiến thuyền và 1vạn quân chốt ở cửa Lạch Trường.

Thái thượng hoàng nói:

-Ta đồng ý với cách bài binh bố trận của Quốc công tiết chế.

Vua Trần Nhân Tông nói:

-Chuẩn tấu kế hoạch phản công chiến lược của Quốc công tiết chế.

Các tướng đều quỳ xuống và nói:

-Chúng thần tuân chỉ.

-Cáo biệt Thái thượng hoàng.

-Cáo biệt hoàng thượng.

-Chúc Quốc công tiết chế, Thái sư và các tướng quân ca khúc khải hoàn.

-Đa tạ hoàng thượng và Thái thượng hoàng.

Từ làng Giàng Ái Châu, các đạo quân Đại Việt bí mật hành quân ra Bắc theo đường thủy và theo đường bộ.

* **

Tháng 4 năm 1285, quân Đại Việt trên chiến trường miền Bắc đã hình thành 3 khối quân tác chiến trên ba vùng chiến lược. Khối thứ nhất của Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải, mục tiêu là giải phóng Thăng Long. Khối quân thứ hai do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy chiếm lại Vạn Kiếp để hỗ trợ cho ba hướng, hỗ trợ cho Trần Quang Khải tấn công Thăng Long, hỗ trợ cho quân của Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông tấn công Toa Đô, tấn công phòng tuyến Nam Thăng Long, kiểm soát con đường Vạn Kiếp- Lạng Châu, cắt đứt con đường lương thực của Thoát Hoan, chuẩn bị chặn đánh tiêu diệt quân Nguyên Mông tháo chạy về nước. Khối quân thứ ba do Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy sẽ tiêu diệt khối quân Toa Đô, làm chủ Trường Yên, Thiên Trường, Long Hưng, Khoái Châu, tiêu diệt các trại lớn của giặc như Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương. Hai vua lại quay về cố đô Hoa Lư và lấy đó làm tổng hành dinh.

Vào một buổi sáng, Trần Hưng Đạo vừa ăn sáng xong, đang ngồi uống trà ở tổng hành dinh tại Vạn Kiếp thì có thám mã vào báo:

-Dạ, bẩm Quốc công tiết chế, có tin hôm nay quân Nguyên Mông sẽ đưa những kẻ đầu hàng phản quốc về Đại Đô Trung Quốc.

-Yết Kiêu đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Đem danh sách những quý tộc đầu hàng quân xâm lược ra đây.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Yết Kiêu đem danh sách ra, Trần Hưng Đạo lướt qua thấy:

-Hiến Chương Hầu Trần Kiện, ra hàng giặc ở Thanh Hóa và dẫn đường cho giặc, do đó làm sụp đổ mặt trận phía Nam, đưa vận nước đến “nghìn cân treo sợi tóc”, phạm tội ác tầy trời. Ra hàng giặc ở Thiên Trường gồm có Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc,Văn Chiêu Hầu Trần Lọng, Văn Nghĩa Hầu Trần Tú Hoãn, Phạm Cự Địa, Lê Diễn,Trịnh Long.

Trần Hưng Đạo đọc xong liền gọi:

-Tướng quân Cao Mang đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân phi ngựa gấp lên Lạng Châu, lệnh cho Nguyễn Địa Lô hôm nay mai phục đón đánh bọn phản quốc được quân Nguyên Mông hộ tống đưa về Đại Đô.

-Dạ bẩm Quốc công tiết chế, bắt sống hay là tiêu diệt ạ?

-Tiêu diệt hết, bọn phản quốc đó có bắt được cũng chém cho bẩn gươm.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Cao Mang phi ngựa gấp lên Lạng Châu, gặp và nói với Nguyễn Địa Lô:

-Quốc công tiết chế ra lệnh cho tướng quân hôm nay phải mai phục tiêu diệt bọn Việt gian đầu hàng phản quốc được quân Nguyên Mông hộ tống đưa về kinh thành của chúng là Đại Đô. Tướng quân định mai phục ở đâu?

Nguyễn Địa Lô nói:

-Có lẽ mai phục ở ải Chi Lăng.

-Không được, nhỡ chúng không đi qua Chi Lăng mà đi cửa ải khác thì sao. Cứ mai phục ở con đường hiểm yếu mà từ đó phải đi qua trước khi đi các ải.

Nguyễn Địa Lô nói:

-Cứ làm như tướng quân nói đi.

Nguyễn Địa Lô cho quân mai phục trên con đường gọi là Kép phải đi qua để đi tất cả các cửa ải ở biên giới. Chờ mãi đến chiều mới thấy một đám người ngựa. Những tên Việt gian phản quốc đi hàng giữa. Hai bên, mỗi bên có khoảng 100 tên lính Mông Cổ che chắn. Đoàn người ngựa tiến vào địa phận mai phục. Trong số những kẻ phản quốc, Nguyễn Địa Lô căm thù nhất là Trần Kiện vì sự phản bội của hắn làm sụp đổ mặt trận phía Nam, đẩy đất nước vào tình thế cực kỳ nguy khốn. Hơn nữa, đó là tên Việt gian cực kỳ nguy hiểm cho đất nước sau này vì sự thông thái và hiểu biết địa lý, tình hình quốc phòng Đại Việt. Nguyễn Địa Lô không biết mặt Trần Kiện nhưng nghe nói hắn còn trẻ tuổi. Nguyễn Địa Lô ngắm thật chính xác vào một tên trẻ tuổi đi đầu và buông một mũi tên cực mạnh. Tên trẻ tuổi đi đầu chính là Trần Kiện trúng tên ngã lăn xuống đất. Những trận mưa tên hai bên đường dội xuống nhưng đều bị lính Mông Cổ dùng gươm gặt xuống hoặc lấy thân mình che chắn cho bọn Việt gian. Gần 100 lính Mông Cổ trúng tên thương vong nhưng bọn Việt gian như Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Tú Hoãn, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đều chạy thoát. Gia tướng của Trần Kiện là Lê Tắc còn ôm được xác chủ chạy đến biên giới. Cả bọn dừng lại chôn cất Trần Kiện và vượt biên về Đại Đô, kinh đô của đế quốc Mông Cổ ở Trung Quốc. Trần Ích Tắc sau này được bổ nhiệm làm quan nhà Nguyên nhưng cứ gặp sứ giả Đại Việt là hổ thẹn, lảng tránh. Sau này Trần Ích Tắc do hổ thẹn sinh bệnh mà chết. Còn những tên phản quốc khác không khác gì nô lệ xứ người. Số kiếp những tên bán nước đều bạc phận như nhau, sống không bằng chết. Chết nhưng vết bẩn bán nước vẫn lưu lại sử xanh muôn thuở không bao giờ rửa sạch.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-23-76375