Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là thiên tài quân sự. Ông có những câu nói được lưu danh sử sách, trở thành bài học cho hậu thế. Nguồn: Zing.vn

Kỳ20

Mười ngày sau lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chủ soái, dọc con đường chuyển lương của ta từ Tư Minh về Thăng Long liên tục bị tù trưởng Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Địa Lô dùng dân binh mai phục, tập kích diệt quân ta và cướp hết lương thực.

Thoát Hoan tức giận:

-Bay đâu.

-Dạ, bẩm chủ soái.

-Bảo ta ra lệnh cho tướng Lý Bang Hiến tiêu diệt bằng được hai tên tù trưởng này và dân binh của chúng, nếu không 40 vạn quân chết đói, rõ chưa?

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, con đường từ Quy Hóa về Thăng Long đã bị các tù trưởng Hà Đặc, Hà Chương cùng dân binh khống chế, quân ta cứ đi qua con đường đó là bị tiêu diệt ạ.

-Tướng Na si Rút Din.

-Dạ, có mạt tướng.

-Tướng quân đem 1 vạn quân bắt bọn Hà Đặc, Hà Chương xé xác chúng ra.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Thoát Hoan ngồi trong tổng hành dinh ở Thăng Long, lo lắng lộ ra trên nét mặt. Hắn nghĩ chưa ở đâu mà cuộc chinh phạt lại khó khăn, tổn thất lớn như cuộc Nam chinh này. Nếu như không nhanh chóng tiêu diệt quân Đại Việt, bắt sống triều đình Trần, chiến tranh kéo dài thì những bất lợi cho quân Nguyên Mông ngày càng gia tăng mà gay go nhất là sẽ thiếu lương thực, thứ hai là phân tán binh lực để xây phòng tuyến, giữ đất khắp miền Bắc Đại Việt sẽ không còn lực lượng tập trung cơ động để tiêu diệt quân chủ lực Việt còn ít nhất là 30 vạn. Thứ ba, là càng phân tán càng dễ bị tiêu diệt bởi chiến tranh du kích của các tù trưởng, của các hào trưởng dân binh, quân bản bộ của các tướng lĩnh vương hầu nhà Trần được phân bố khắp các làng xã đồng bằng và miền núi, nó không chia trận tuyến mà xen kẽ ngay trong vùng chiếm đóng của quân Nguyên Mông. Thoát Hoan hiểu rằng Trần Hưng Đạo đang buộc Thoát Hoan phải đánh theo cách đánh của ông ta, đã và đang đưa quân Nguyên Mông vào mê hồn trận, lối đánh chưa từng có trong binh pháp Trung Hoa và Mông Cổ. Mấu chốt cơ bản của tất cả các vấn đề là phải kết thúc chiến tranh sớm. Nhưng làm thế nào? Bản thân Thoát Hoan cũng không dễ gì trả lời được câu hỏi đó. Bổng có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, Toa đô và 10 vạn quân ta từ Chiêm Thành tiến ra đã đến Ái Châu, sắp đến phía Nam Trường Yên rồi ạ.

Thoát Hoan cả mừng:

-Tốt quá, ta phải đem 40 vạn quân tạo gọng kìm phía Bắc Trường Yên, Toa Đô tạo gọng kìm phía Nam Trường Yên, Quân Đại Việt và triều đình nhà Trần phen này chết không có đất mà chôn.Ha!ha!ha!...

Thoát Hoan gọi:

-A lý Hải Nha đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Quân sư điểm 40 vạn quân từ Thăng Long tiến nhanh xuống Trường Yên phối hợp với quân Toa Đô ở Nam Trường Yên tiêu diệt quân Đại Việt và triều đình nhà Trần, hoàn thành thắng lợi cuộc Nam chinh.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Một ngày tháng 3 năm 1285, đất Thăng Long và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng rung chuyển bởi vó ngựa và bước chân của gần 40 vạn quân Nguyên Mông đang ào ạt tiến về Thiên Trường và Trường Yên, nơi 30 vạn quân Việt và Triều đình nhà Trần đang ở. Đất nước Đại Việt bước vào thời kỳ “nghìn cân treo sợi tóc”.

* **

Vùng núi Hoa Lư của cố đô Trường Yên, thời gian đã sang tháng 3 âm lịch ấm áp. Mới tháng 3 mà nắng đã chang chang. Những dãy đá vôi với những hình thù kỳ quái vươn lên dưới nắng, mang trên mình những màu xanh muôn cây càng thêm huyền bí. Kinh đô của hai triều đại Đinh-Tiền Lê vẫn thiêng liêng muôn thuở. Trong tổng hành dinh của Trần Hưng Đạo tụ họp đầy đủ những nhân vật chủ chốt của triều đình: Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và nhiều tướng lĩnh cao cấp của triều đình. Hai vua và các tướng lĩnh theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở miền Nam và miền Bắc. Tại mặt trận phía Nam, 10 vạn quân Toa Đô vượt sông Gianh, từ châu Bố Chính nhanh chóng đánh ra Hoan Châu, Diễn Châu. Chỉ huy tối cao mặt trận phía Nam là Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang và con trai ông ta là Hiến Chương Hầu Trần Kiện. Quân Việt cũng đã lên đến 10 vạn quân tinh nhuệ mà không chặn được quân giặc. Thấy rõ sự bất tài của Trần Quốc Khang, Trần Hưng Đạo đã bổ sung tướng Trần Nhật Duật vào Hoan Châu. Nhưng khi Toa Đô tấn công Hoan Châu, Trần Quốc Khang và Trần Kiện không tiếp ứng, Trần Nhật Duật thế cô đã phải lùi về Diễn Châu. Như vậy, tình hình mặt trận quan trọng phía Nam rất nguy cấp, không phải vì quân số, chất lượng quân đội mà ở nhân sự chỉ huy cao cấp. Sau một lượt trà, Trần Hưng Đạo nói:

-Đại vương Trần Quốc Khang chức vụ và tước vị rất cao nhưng già rồi, tài trí quân sự bình thường. Sai lầm của chúng ta là vì nể để ông ta làm tổng chỉ huy tối cao mặt trận quan trọng này. Thần khẩn xin Thái thượng hoàng và hoàng thượng phái Thượng tướng thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải vào thay thế Trần Quốc Khang làm chủ soái mặt trận phía Nam may ra cứu vãn được tình hình.

Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông nói:

-Chuẩn tấu đề đạt của Quốc công tiết chế.

Trần Quang Khải đem quân vào Ái Châu được hai hôm thì thám mã về báo với Trần Hưng Đạo ở Hoa Lư:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, bẩm Quốc công tiết chế, nguy to rồi, khi Thái sư Trần Quang Khải vào đến Ái Châu thì Đại Vương Trần Quốc Khang và con là Trần Kiện đã đem một vạn quân bản bộ và toàn bộ gia quyến đầu hàng Toa Đô rồi.

Thái thượng hoàng và vua Trần Nhân Tông bàng hoàng thảng thốt:

-Hả, đầu hàng, triều đình có ngược đãi cha con chúng đâu, phong đến tước cực phẩm là Đại Vương cơ mà?

Trần Hưng Đạo nói:

-Sự việc không phải là bất ngờ, Trần Kiện vốn cũng am hiểu một chút binh thư nên rất kiêu ngạo, lại sống trong nhung lụa. Trong hội nghị quân sự Bình Than đã không đến nhận nhiệm vụ, không hiểu được nổi khổ của bách tính và của triều đình, vinh hoa phú quý đã tiêu diệt mất lòng yêu nước của hai cha con Trần Quốc Khang. Chỉ hiềm là một kẻ có kiến thức, hiểu địa lý như Trần Kiện mà chỉ đường cho gặc tiến quân thì nguy to rồi, dù Thái sư Trần Quang Khải có vào thì mặt trận phía Nam cũng vỡ rồi. Đại Việt lâm nguy rồi.Ngày 9 tháng 3 lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng và Quốc công tiết chế, do Trần Kiện dẫn và chỉ đường để Giảo Kỳ là tướng của Toa Đô đánh tập hậu nên phòng tuyến Lưu Vệ, Quảng Xương, Ái Châu bị vỡ, 5000 quân ta trong đó có tướng Đinh Xa và tướng Nguyễn Tất Thông hi sinh.

Ngày 13-3 thám mã lại về báo:

-Bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, bẩm Quốc công tiết chế, do Trần Kiện chỉ đường, tướng Trần Lê Mạnh ở Yên Duyên, Quảng Xương, Ái Châu phải rút lui. Quân Nguyên Mông đã đốt và thảm sát cả làng.

Ngày 14-3 thám mã về cấp báo:

-Dạ, bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, bẩm Quốc công tiết chế, ngay 13-3 do Trần Kiện chỉ đường, Toa Đô và Giảo Kỳ đã đánh bất ngờ vào nơi sơ hở của quân ta ở bến Phú Tân, quân ta thiệt hại lớn buộc Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, Thiên Vương Trần Đức Việt đã phải đem 10 vạn quân rút khỏi Ái Châu về Trường Yên. Trong trận này Đại Liêu Bang Hộ đã hy sinh.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng, Quốc công tiết chế, 40 vạn quân Nguyên Mông do Thoát Hoan chỉ huy từ Thăng Long đã tiến tới Khoái Châu, tốc độ tiến rất nhanh.

Trần Hưng Đạo nói:

-Bẩm Thái thượng hoàng, hoàng thượng, chúng ta phải làm một cuộc hành quân vào Ái Châu bao gồm toàn bộ hoàng gia, triều đình và 30 vạn quân để phá tan âm mưu hai gọng kìm của địch.

Trần Thánh Tông hỏi:

-Kế hoạch rút lui thế nào?

Trần Hưng Đạo đáp:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, toàn bộ sẽ đến cửa biển Giao Hải ở Thiên Trường vào ban đêm, ở đó có 1000 chiến thuyền sẽ đưa triều đình hoàng gia, 30 vạn quân vào Ái Châu. Tuy nhiên thuyền rồng và thuyền sang trọng của quý tộc sẽ công khai chạy ra lộ Hải Đông để đánh lạc hướng quân giặc.

Trần Nhân Tông hỏi:

-Nhưng Thoát Hoan đã đến Khoái Châu rồi, làm sao giảm tốc độ truy kích của giặc?

Trần Hưng Đạo nói:

-Ta cho sứ giả đến giả vờ thương lượng để kéo dài thời gian cho quân ta rút, đồng thời sẵn sàng hy sinh 10 vạn quân để ngăn chặn, làm giảm tốc độ của giặc.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-20-76295