Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Kỳ 12)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Ảnh minh họa: Nhân dân Đại Việt chào đón quân đội nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên –Mông ca khúc khải hoàn. Nguồn: Internet.

Kỳ12

Trần Thái Tông nghe như sực tỉnh cơn say mê chiến trận:

-Khanh nói phải lắm, rút lui bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài.

Rồi Trần Thái Tông ra lệnh cho toàn bộ quân đội rút lui.

Trần Thái Tông và bộ binh rút về bờ Bắc sông Cà Lồ, xuống 1000 chiến thuyền và qua sang bờ Nam. Tượng binh và kỵ binh qua cầu Phủ Lỗ rút theo đường bộ. Kỵ binh đi trước, tượng binh đi sau cản đường kỵ binh Mông Cổ truy kích. Quân Mông Cổ do bị tượng binh cản đường không thể đuổi kịp. Tuy nhiên khi tượng binh chưa qua hết, do quân Mông Cổ sắp đuổi kịp, Trần Thái Tông đành phải ra lệnh phá cầu Phủ Lỗ bắc qua sông Cà Lồ. Hàng chục con voi Việt sa xuống sông, cả hàng trăm kỵ binh Mông Cổ đang phi quá đà nên cả người và ngựa đều lao xuống sông chìm nghỉm. Quân Mông Cổ không qua được sông điên cuồng lộng lộn bắn sang thuyền vua. Lê Tần ra lệnh lấy ván lát đáy thuyền che tên cho vua. Vua theo sông Cà Lồ ra sông Hồng và về bến Đông bộ Đầu và vào thành Thăng Long. Kỵ Binh Mông Cổ lồng lộn bên bờ Bắc sông Cà Lồ, bắn tên xuống sông để dò mực nước. Chúng tìm thấy một đoạn sông tên bắn xuống không nổi lên tức là nước nông, tên bị ghim vào đất. Kỵ binh Mông Cổ ào ào qua sông phi như bay về Thăng Long truy kích quân Việt. Kỵ binh Ngột Lương Hợp Thai đến bờ Bắc sông Hồng thì phải dừng lại vì trời đã tối, cầu phao qua sông đã bị quân Việt phá. Mấy vạn người ngựa đang say máu chém giết đành phải dừng lại bên bờ sông để cho người ngựa ăn uống, sáng mai bắc cầu phao mới tấn công kinh thành được. Ngột Lương Hợp Thai nhìn ánh đèn bên kia sông mà căm giận. Lần đầu tiên trong cuộc đời chinh chiến nổi tiếng tàn bạo và chiến thắng của hắn, hắn đã để cho quân chủ lực và hoàng đế của một nước chạy thoát dù đã nằm trong thế hợp vây của hắn. Hắn cho lính sục sạo quanh vùng Gia Lâm nhưng toàn vườn không nhà trống, không một bóng người, không một cái gì có thể ăn được. Hắn thề ngày mai vào Thăng Long sẽ làm cỏ hoàng thành Đại Việt cho hả cơn giận.

Sớm hôm sau Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh:

-Vào nhà dân Đại Việt chung quanh phá nhà cửa, bàn ghế để làm cầu phao vượt sông tiến vào Thăng Long.

-Dạ, tuân lệnh chủ soái.

Sau khi bắc xong cầu phao, Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh:

-Tiến vào kinh thành Đại Việt, chỉ được giết chóc, cướp bóc, không được đốt phá, để dinh thự nhà cửa chúng ta ở.

-Dạ, tuân lệnh chủ soái.

Kỵ binh Mông Cổ rú lên sung sướng, cảnh tượng kinh hoàng như thủ đô Bát Đa I Rắc sắp được tái diễn. Ở Bát Đa chúng đã giết 8 vạn người trong một buổi sáng. Nhớ lại, lính tráng vô cùng phấn kích và lên cơn như điên dại. Giết người và máu chảy trở thành cơn nghiện của bọn xâm lăng khát máu. Chúng phi ngựa hàng dọc qua cầu phao trong tiếng reo hò man rợ, chiếc cầu phao mỏng manh rung lên bần bật. Sông Hồng sắp được chứng kiến kinh thành Thăng Long của mình lại trải qua thảm họa thứ 20 trong lịch sử do ngoại bang mang tới.

Đến Đông Bộ Đầu và dưới chân thành, Kỵ binh Mông Cố thấy Thăng Long im lặng đến rợn người. Không một tiếng động, trên thành những lá cờ vàng vẫn bay phần phật dưới gió đông, lá vàng rụng đầy trên lối đi chứng tỏ không có bước chân người. Ngột Lương Hợp Thai sợ bị mai phục, ra lệnh bao vây, bắn tên vào thành như mưa, vẫn không thấy trong thành phản ứng gì. Ngột Lương Hợp Thai ra lệnh phá cổng thành, quân Mông Cổ tràn vào, ánh gươm sáng loáng sẵn sàng giết chóc. Nhưng chúng hụt hẫng. Thăng Long chỉ là một tòa thành trống rỗng, không một bóng người. Thì ra nhà Trần đã cho cả triều đình và bách tính sơ tán khỏi kinh thành, không biết đi về đâu. Không bắt được triều đình, không giết được bách tính, Ngột Lương Hợp Thai điên cuồng ra lệnh:

-Lục soát, thu hết vàng bạc và lương thực.

-Tuân lệnh chủ soái.

Quân Mông Cổ lùng sục khắp nơi, từ kinh thành đến hoàng thành cho đến Tử Cấm Thành, từ nhà dân cho đến hoàng cung, cung điện mà không một chút lương thực và châu báu nào. Ngột Lương Hợp Thái đang ngồi trong điện Thiên An thì lính dẫn ba người bị trói đến. Ngột Lương Hợp Thai nhìn kỹ thì hóa ra ba tên sứ giả mà hắn đã cử đến Đại Việt đưa thư dụ Trần Thái Tông hàng. Ngột Lương Hợp Thai hỏi:

-Tìm thấy chúng ở đâu?

-Dạ, bẩm chủ soái, trong nhà ngục ạ.

-Mở trói cho chúng.

-Dạ.

Mở trói xong thì cả ba tên gục xuống. Một tên lính đưa tay vào mũi một tên sứ giả:

-Dạ, bẩm chủ soái, một sứ giả đã chết rồi ạ.

Ngột Lương Hợp Thai tức giận gần phát điên. Trong thành trống rỗng. Ngột Lương Hợp Thai cho rằng Đại Việt là một đất nước kỳ lạ mà lần đầu tiên hắn gặp trong cuộc đời chinh chiến khắp châu Âu, châu Á của hắn. Đó là lần đầu tiên khi triển khai nhanh chóng thế bao vây mà hắn không tiêu diệt được quân chủ lực của đối phương, không bắt được quân chủ của một nước bại trận, lại để vua Trần Thái Tông và quân chủ lực Đại Việt chạy thoát. Câu châm ngôn và niềm tự hào của kỵ binh Mông Cổ: Khi kỵ binh Mông Cổ mà đuổi thì không con mồi nào chạy thoát bây giờ đã sai ở Đại Việt. Thứ hai là lần đầu tiên Ngột Lương Hợp Thai vào một kinh thành của một nước bại trận mà trống rỗng, không triều đình, không bách tính, không lương thực. Tình huống của quân đội hắn bây giờ thực sự đáng lo ngại bởi triều đình và bách tính Đại Việt không hề run sợ quân Mông Cổ như những quốc gia khác, nội bộ lại đoàn kết nhất trí. Về địa thế của chiến tranh, Đại Việt là nước nhiều sông ngòi, tại đây, thế mạnh kỵ binh của Mông Cổ không phát huy được như ở các vùng đồng ruộng khô bát ngát như ở Nam Âu, Nga La Tư, Trung Á, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi. Thế mạnh của Đại Việt là thủy binh. Chính sông ngòi đã ngăn chặn tốc độ của kỵ binh Mông Cổ, chính thủy binh đã giúp cho vua Trần và đại quân rút lui an toàn và nhanh chóng. Thuyền bè cũng đã giúp triều đình và bách tính kinh thành Thăng Long sơ tán nhanh chóng. Dù bắt đầu lo ngại nhưng Ngột Lương Hợp Thai tin rằng vài ngày nữa Trần Thái Tông sẽ về lại kinh thành đầu hàng.

Ngột Lương Hợp Thai và đại quân đã vào Thăng Long 10 ngày rồi mà vẫn không có tăm hơi vua Trần Thái Tông sẽ về đầu hàng, càng không có tăm hơi quân chủ lực Đại Việt và triều đình ở đâu. Các thám mã Ngột Lương Hợp Thai cử đi do thám chỉ có đi mà không có về. Cái nguy nhất của kỵ binh Mông Cổ là thiếu lương thực cho người và cho ngựa. Quân Mông Cổ do truyền thống là kỵ binh nên không có đội quân phu phen vác lương thực như những quốc gia phong kiến khác nhằm bảo đảm sức cơ động nhanh chóng. Mỗi người lính phải tự mang lương thực cho mình trên mình ngựa, đủ ăn trong khi hành quân. Còn lại là lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, tức là khi đánh chiếm một quốc gia nào thành công thì cướp bóc ở quốc gia đó để lấy lương thực nuôi quân, nuôi ngựa. Bản thân ngựa là phương tiện chiến đấu nhưng cũng là lương thực. Khi bước đường cùng thì quân Mông Cổ được phép giết ngựa để ăn, nhưng giết ngựa để ăn là cùng bất đắc dĩ, gậy ông đập lưng ông, giết ngựa ăn thì sẽ thiếu phương tiện hành quân chiến đấu hoặc để tháo chạy. Kế hoạch lấy chiến tranh nuôi chiến tranh vốn là truyền thống của quân đội Mông Cổ từ thời Thành Cát Tư Hãn cho đến bây giờ.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--ky-12-76079