Những khúc ca khải hoàn (Tập III - Chương I - I - Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập III ' NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2019.

Tranh minh họa: Vua Lý Thánh Tông (1054- 1072). Nguồn: Internet.

CHƯƠNG I
NHÀ LÝ ĐÁNH GIẶC TỐNG (1075-1077)
Kỳ2

Rồi vua đón nàng vào cung, vì nàng tựa cây dâu nên vua đặt tên nàng là Ỷ Lan. Sau này vua biết thêm, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, quê ở hương Thổ Lỗi, Châu Vũ Ninh. Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), mẹ mất sớm, khi gặp vua là nàng đang ở với mẹ kế. Vào trong cung, nàng được phong Ỷ Lan phu nhân. Năm 1066 Ỷ Lan phu nhân sinh hoàng tử Càn Đức. Ngày hôm sau, hoàng tử Càn Đức được phong Hoàng Thái tử, mẹ là Ỷ Lan phu nhân được phong là Thần phi. Lý Thánh Tông vui mừng cho đại xá thiên hạ. Hai năm sau, năm 1068 Thần phi sinh thêm một Hoàng tử là Minh Nhân Vương (Sùng Hiền Hầu). Lý Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, Phong Thần phi là Nguyên phi, đứng đầu các phi, địa vị chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu.

Ỷ Lan nhớ lại đó là tháng 2 năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, giao cho Ỷ Lan quyền nhiếp chính, bà vốn tôn sùng đạo Phật nên đem nhân nghĩa cai trị thiên hạ. Nô tì là nô lệ, là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, trai lớn không lấy được vợ, gái lớn không lấy được chồng. Bà đã giải phóng cho họ thành người tự do, dựng vợ gả chồng cho họ, cấp đất đai cho họ sinh sống. Lòng dân cảm động tấm lòng nhân nghĩa của Nguyên phi, ơn sâu sắc như mưa tưới khắp thiên hạ dồi dào, bà được khắp thiên hạ ca tụng. Ỷ Lan còn nhớ kỹ Lý Thánh Tông kể lại cho bà rằng nhà vua đi đánh Chiêm Thành không có kết quả, khi về đến Cự Liên, Tiên Lữ, lộ Khoái Châu, nghe dân tình ca tụng Nguyên phi, liền nói: “Nguyên phi là một đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại không được việc gì hay sao”. Vua liền quay lại đánh Chiêm Thành lần nữa. Lần này chiến thắng, bắt được vua chiêm Thành là Chế Củ và 5 vạn người. Vì thế năm 1070 Chế Củ đem ba châu là Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh dâng nộp để chuộc tội. Đất đai Đại Việt được mở rộng xuống phương Nam từ đó. Nhưng rồi một tổn thất to lớn đến với Đại Việt, đến với triều đình. Tháng giêng năm 1072, Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng và băng hà, thọ 50 tuổi, ở ngôi 18 năm. Triều đình đưa thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông. Thượng Dương Hoàng hậu được tôn làm Hoàng thái hậu và được buông rèm nhiếp chính, có Thái sư Lý Đạo Thành phò tá. Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái phi nhưng không được tham dự triều chính. Hoàng thái phi là người nhân nghĩa, nhưng như vậy không có nghĩa là bà không so bì đố kỵ. Một hôm bà đã nói với vua Lý Nhân Tông rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Và Hoàng thái phi khóc. Vua Lý Nhân Tông là người có hiếu, lại thấy mẹ khóc thì vô cùng thương cảm liền nói: “Con là thiên tử đứng đầu thiên hạ mà để cho mẹ già thiệt sao”. Hôm sau nhà vua ra lệnh bắt Thượng Dương Thái hậu và 72 cung nữ giam vào ngục. Sau đó Thượng Dương Thái hậu và 72 cung nữ chết. Phụ chính cho Thượng Dương Thái hậu là Thái sư Lý Đạo Thành bị biếm chức và đưa đi trấn thủ Hoan Châu. Ỷ Lan được tôn là Hoàng thái hậu nhiếp chính, có Thái úy Phụ quốc Lý Thường Kiệt phụ chính, sau đó gọi thêm Lý Đạo Thành về phong Thái phó, Bình chương quân quốc trọng sự, cùng Lý Thường Kiệt giúp Hoàng thái hậu điều hành đất nước.

Tám năm Ỷ Lan vào cung đình với biết bao biến cố của triều đình, của đất nước cũng như của cuộc đời bà. Tất cả như một giấc chiêm bao. Từ một thiếu nữ con nhà nông dân hái dâu nuôi tằm, Ỷ Lan thành Hoàng thái hậu nhiếp chính. Song bà biết rằng tương lai của Đại Việt, của triều Lý còn ở phía trước, có tốt đẹp hay không là do đức nhân nghĩa và tài năng của bà, của Lý Thường Kiệt, của Lý Đạo Thành và của chính Lý Nhân Tông nữa.

Trống trên lầu Chính Dương đã điểm canh ba. Hoàng thái hậu Ỷ Lan chìm vào trong giấc ngủ. Bà mơ thấy Lý Thánh Tông hiện về hỏi lại bà về kế trị nước. Bà đáp: “Muốn đất nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh. Phải xem quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình lấy đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh, dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh Hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo.Hội đủ phương diện ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”.

Lý Thánh Tông như đang mỉm cười với bà: “Nàng hãy đem những điều ấy dạy bảo cho vua nhỏ của chúng ta đi”.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan thức giấc. Trống trên lầu Chính Dương đã điểm giờ Mão. Bình minh đang báo hiệu một ngày mới ở Thăng Long.

* **

Sau bữa ăn sáng, Hoàng thái hậu nhiếp chính Ỷ Lan đang ngồi uống trà, chợt có thị nữ vào báo:

-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, có thám mã từ biên cương phía Bắc về báo tin khẩn cấp.

-Cho vào.

-Dạ.

Thám mã vào hành lễ:

-Dạ, Hoàng thái hậu thiên thiên tuế.

-Bình thân, tình hình biên giới có việc gì khẩn cấp?

-Dạ, bẩm Hoàng thái hậu, nhà Tống đã xây dựng xong ba căn cứ gần biên giới nước ta để chuẩn bị xâm lược Đại Việt, đó là thành Ung châu, Khâm Châu và Liêm Châu thuộc Quảng Nam Tây Lộ. Ung Châu là căn cứ bộ binh, Khâm Châu và Liêm châu là căn cứ thủy quân. Tại đây, chúng tập trung vô kể vũ khí, lương thực, thuốc men và binh lính tinh nhuệ, thuyền chiến. Dạ bẩm Hoàng thái hậu.

-Tin chính xác không?

-Dạ bẩm Hoàng thái hậu, tin chính xác ạ. Tri Lạng Châu và tri lộ Hải Đông cũng đã xác nhận tin này ạ.

-Cho ngươi lui.

-Dạ.

-Người đâu.

-Dạ, bẩm Hoàng thái hậu.

-Đi mời Hoàng thượng, Thái úy Lý Thường Kiệt và Thái phó Lý Đạo Thành tới điện Thiên An bàn việc.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thái hậu.

Điện Thiên An là nơi thiết triều. Đời Lý Thái Tổ nơi thiết triều là điện Càn Nguyên. Trong thời kỳ loạn tam vương 1028, điện Càn Nguyên bị phá tan hoang. Sau khi dẹp được loạn, năm 1029, trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Lý Thái Tông cho xây dựng điện mới gọi là điện Thiên An. Trong điện này có căn phòng nhỏ để họp những đại thần quân quốc trọng sự bàn những việc khẩn cấp của đất nước. Được lời mời của Hoàng thái hậu, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái phó Lý Tự Thành đã có mặt. Hai vị trụ cột của triều đình ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn kê dọc, vua Lý Nhân Tông và Hoàng thái hậu nhiếp chính ngồi ghế chủ ở chiếc bàn kể ngang nhìn xuống. Sau một lượt trà, Hoàng thái hậu Ỷ Lan nói:

-Thưa Hoàng thượng, thưa hai vị ái khanh, cách đây 94 năm, nhà Tống đã xua quân xâm lược Đại Cồ Việt, đã bị Hoàng đế Lê Đại Hành đánh cho tơi bời nhưng chúng không biết rút ra bài học. Hiện nay chúng đang âm mưu xâm lược Đại Việt ta. Nhà Tống mấy năm nay đã cho bọn Khởi, Di quấy rối ở biên giới, đóng cửa không cho bách tính gần biên giới qua lại mua bán. Nay theo tin của thám mã về báo, nhà Tống đã xây dựng xong ba căn cứ chuẩn bị cho cuộc tấn công xâm lược Đại Việt, thứ nhất là căn cứ bộ binh Ung Châu do Tô Giám chỉ huy, thứ hai hai là hai căn cử thủy quân Liêm Châu do tướng Lỗ Khánh Tông chỉ huy và Khâm Châu do tướng Trần Vĩnh Thái chỉ huy. Những căn cứ đó hiện nay tích lũy nhiều lương thực, vũ khí, thuốc men. Liêm Châu và Khâm Châu còn có nhiều thuyền chiến. Đại Việt của chúng ta đang bị đe dọa. Hai ái khanh có kế gì phá giặc không?

Thái phó Lý Đạo Thành nói:

-Bẩm Hoàng thái hậu, bẩm Hoàng thượng, thần cho rằng nên điều thủy quân ra sông Bạch Đằng đóng giữ, gia cố lại những bãi cọc ngày xưa của Ngô Vương và của Lê Đại Hành, thứ hai là tăng cường phòng thủ biên giới.

Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt nói:

-Bẩm Hoàng thái hậu, bẩm Hoàng thượng, lời của Thái phó Lý Đạo Thành nói phải lắm. Nhưng thần cho rằng trước hết phải gây khó khăn cho kẻ địch khi tấn công vào Đại Việt mà trước hết là khó khăn về lương thực, hậu cần. Muốn vậy phải triệt phá ba căn cứ quan trọng của nhà Tống, đó là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm châu. Ba căn cứ bị tiêu diệt thì khi kẻ kia vào Đại Việt, ta làm cho chiến tranh kéo dài, khó khăn về lương thực, giặc đuối sức tất phải tan rã.

Hoàng thái hậu Ỷ Lan hỏi:

-Làm thế nào để phá được ba căn cứ đó?

Lý Thường Kiệt đáp:

-Bẩm Hoàng thượng, bẩm Hoàng thái hậu, xin Hoàng thượng ra lệnh cho Tông Đản, phò mã Thân Cảnh Phúc, các tướng Vi Thủ An, Hoàng Kim Mãn, Lưu Kỷ, tất cả do Tông Đản chỉ huy dẫn 6 vạn quân tiêu diệt các trại tiền tiêu gần biên giới và vây đánh Ung Châu. Thần sẽ chỉ huy 4 vạn thủy binh vượt biển tiến đánh Khâm Châu và Liêm Châu. Sau đó thần sẽ đem quân cùng vây đánh Ung Châu với Tông Đản. Đây là chiến thuật “Tiên phát chế nhân”, đánh người trước để khống chế người.

Hoàng thái hậu đáp:

-Thôi thì nước nhà và triều đình trông cậy vào Phụ quốc Thái úy và Thái phó Lý Đạo Thành.

Lý Thường Kiệt nói:

-Còn nữa, thưa Hoàng thái hậu và Hoàng thượng, sau khi thần triệt phá ba căn cứ và rút quân về, nhà Tống sẽ tràn sang xâm lược. Cho nên khi thần đi chinh phạt, trong nước vẫn phải chuẩn bị kháng chiến. Nhờ Thái phó Lý Đạo Thành ở nhà huy động quân dân đắp một phòng tuyến bờ Nam sông Cầu, bắt đầu từ Thái Nguyên, nối với Tam Đảo chạy dài đến Lục Đầu Giang để ngăn quân giặc khi chúng tràn xuống bờ Bắc sông Cầu. Thiết kế và cấu trúc phòng tuyến này thần sẽ gửi và nói rõ cho Thái phó sau.

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhung-khuc-ca-khai-hoan-tap-iii--chuong-i--i--ky-2-75813