Những khuất tất phía sau cơn 'sốt đất' tại huyện đảo Vân Đồn

Chúng tôi trở về Vân Đồn vào những ngày 'cơn sốt đất' đang trở thành 'bão'. Dạo một vòng, huyện đảo đang ngổn ngang như một công trường xây dựng. Chúng tôi ghé thăm nhiều dự án xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, hầu hết các khu này đang triển khai xây dựng hạ tầng, nhiều dự án còn đang thực hiện giải phóng mặt bằng và có thể nói hầu hết các khu đô thị là nhà ở thì chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để bán nhà, đất. Vậy cơn 'sốt đất' ở đâu và tại sao?

Chủ dự án hot nhất này khẳng định khoảng tháng 10 năm nay, sau khi làm hạ tầng xong mới ra hàng.

Tiếp xúc một số chủ dự án, hầu hết các chủ dự án đều khẳng định chưa tổ chức bán nhà, đất vì đang thi công dở dang hạ tầng và chưa đủ điều kiện để bán. Khu đô thị Phương Đông tại xã Đông Xá, huyện đảo Vân Đồn là khu đô thị có thể nói có vị trí đẹp nhất, một phía giáp mặt biển, các phía khác được nối với hệ thống giao thông thuận lợi. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, vỉa hè, thoát nước, cây xanh… được xây dựng đẹp, chất lượng. Đây có lẽ là nơi sốt nhất?

Gặp ông chủ của Cty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông, ông chủ này xác nhận đây là khu đô thị đẹp nhất và có đông khách hàng đến chào mua trong thời gian vừa rồi. Trả lời chúng tôi về cơn sốt đất ở đây, ông thừa nhận: Theo hợp đồng thỏa thuận thì Cty mới chỉ trả lại cho người góp vốn 2 sàn (với vài chục lô đất) và các hộ dân có đất đã được cấp sổ đỏ. Gần đây, những người có sổ đỏ đã tiến hành giao dịch trên thị trường, giá đất lúc đầu khoảng 10 triệu/m2, sau đó lên tới 20 – 30 triệu/m2 và thậm chí có ngày lên tới 50 triệu/m2.

Ông khẳng định rằng đây là những phần đất họ đã có sở hữu từ lâu và việc giao dịch là do cá nhân từng người và Cty không có trách nhiệm trong chuyện này; số diện tích còn lại của khu đô thị Cty chưa bán lô nào mặc dù có rất nhiều khách hàng đến hỏi mua. Qua kiểm tra chúng tôi cho rằng điều ông chủ của Cty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông nói là sự thật.

Dự án bất động sản (BĐS) của một chủ đầu tư khác cũng đang trong giai đoạn đầu thi công chưa bán một lô đất nào.

Thị trấn Cái Rồng là một thị trấn nhỏ của huyện đảo nhưng cũng có hàng chục những sàn giao dịch BĐS mọc lên. Ghé vào một số sàn giao dịch, họ đều xác nhận rằng khu đô thị Phương Đông và một số khu đô thị chúng tôi quan tâm chưa có giao dịch trên sàn.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình trạng “sốt đất” trong thời gian vừa qua trên đảo thì hầu hết các chủ sàn giao dịch đều cho rằng: Khách đến mua bán đất ở đảo đa phần là dân ở Hà Nội xuống và một số dân ở tỉnh khác. Việc mua bán đất chủ yếu là họ mua bán trao tay giữa cá nhân với cá nhân, trong đó có việc tung lên những tin đồn thất thiệt làm cho tình hình “sốt đất” càng cao. Đặc biệt một vài tờ báo không hề tìm hiểu, xác minh đã đưa những tin thất thiệt hoặc đưa những hiện tượng cá biệt, khuếch đại gây sốt ảo.

Một ông chủ sàn cho biết thêm hiện nay ở đảo họ còn đang tổ chức hình thành “hội cò đất” của một số người từ Hà Nội xuống, họ vừa tổ chức mua đất, bán đất và tung những tin thất thiệt gây sốt để kiếm lời.

Câu chuyện “cò đất” và “sốt đất” làm chúng ta nhớ lại một nhà buôn bán nổi tiếng thời xưa ở Trung Quốc tên là Lã Bất Vi; câu chuyện ông ta có một hòn ngọc giả rồi ông ta cùng bọn đàn em mang ra đấu giá. Cuối cùng hòn ngọc giả đó lại chính ông ta mua với giá ngàn vàng và nhà buôn này từ một anh nghèo trở thành một người nổi tiếng giàu có nhất vùng.

Ngoài những trò tung hô về giá đất của những “cò đất” để gây sốt, thì hiện nay trên trị trấn Cái Rồng vẫn còn những sàn giao dịch BĐS với biển đề “sàn giao dịch BĐS đặc khu Vân Đồn” có lẽ yếu tố này cũng là tác nhân gây ra cơn “sốt đất”?

Thị trường BĐS khởi sắc là một điều đáng mừng. Khi thị trường BĐS phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế phát triển và thúc đẩy nền kinh tế của toàn đất nước phát triển. Nhưng “sốt ảo” lại là một vấn đề ngược lại; nếu theo dõi thì chúng ta thấy cứ 5, 7 năm trên đất nước đặc biệt là những thành phố khi có những tin đồn thất thiệt về một vấn đề nào đó thì thị trường nhà đất lại lên cơn “sốt ảo” và hậu quả sau mỗi trận sốt thì nhiều gia đình khuynh gia, bại sản và thị trường BĐS lại trở nên “đóng băng” làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước thậm chí làm ảnh hưởng đến trật tự an ninh của xã hội.

Chưa bao giờ lực lượng “cò đất” đông đảo như hiện nay. Nếu có dịp đến một sàn BĐS của một tập đoàn kinh doanh BĐS nào đó thì thấy rằng lực lượng “cò đất” đông gấp trăm lần người đến mua; họ mời chào đủ cách; thậm chí số điện thoại của bạn hàng ngày có thể nhận hàng chục cuộc điện thoại và tin nhắn do các “cò đất” gọi tới, thật là khó chịu!

“Cò đất” đây là tên gọi dân gian nhưng tên chính của lực lượng này là “môi giới”. Sự phát triển đội ngũ tiếp thị trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp là quy luật; nhưng Nhà nước không thể buông lỏng mà cần phải có những chế định pháp luật để điều chỉnh hoạt động của lực lượng này phục vụ đúng hướng và đúng mục đích. Đặc biệt đối với các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần có trách nhiệm trong việc chọn lọc đưa thông tin để đảm bảo chính xác trung thực, tránh bị lợi dụng, đưa những tin thất thiệt nhất là những thông tin về thị trường nhà đất gây “sốt ảo”.

Có thể khẳng định huyện đảo Vân Đồn nói chung và thị trấn Cái Rồng nói riêng hoàn toàn chưa có nhiều nhà đất để bán theo quy định của pháp luật. Đây là một thực trạng và cũng được các chủ đầu tư xác nhận và thực tế cũng không có nhiều người có nhu cầu thực sử dụng nhà đất. Đây chỉ là cơn “sốt ảo” mà những người có nhu cầu mua thật cần phải đề phòng.

Duy Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/nhung-khuat-tat-phia-sau-con-sot-dat-tai-huyen-dao-van-don.html