Những khoảnh khắc bùng nổ, cần không?

Một ngày, có bao nhiều khoảnh khắc trôi qua cuộc đời ta? Có bao nhiêu khoảnh khắc trong số đó là vô dụng? Có bao nhiêu khoảnh khắc bị chúng ta dễ dàng bỏ quên? Có bao nhiêu khoảnh khắc được chúng ta ghi nhớ mãi?

1. Một người bạn tôi là chủ một doanh nghiệp kể rằng có một khoảnh khắc làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của anh về công việc và đời sống. Đó là khoảnh khắc anh nhận được tin bố hấp hối và khi phóng xe về đến nhà thì bố đã qua đời. Do truyền thống gia đình, anh không gửi thi hài bố vào nhà lạnh và cũng không tổ chức tang lễ ở những trụ sở tang lễ thành phố. Anh làm tang bố ngay tại nhà.

Để giữ thi hài bố, anh đã phải đắp những viên đá lạnh xung quanh người ông. Và khi tự tay đắp những viên đá ấy, tự nhiên anh nghĩ đến khoảnh khắc mai này mình cũng nằm xuống y như bố. Có thể con trai mình sẽ lại đắp những viên đá lạnh xung quanh hệt như mình đang làm với bố hôm nay.

“Mọi ngày vẫn nghe người ta nói chết là hết, sống bon chen chẳng để làm gì. Nhưng đấy là cũng chỉ nghe nói thế. Phải đến khoảnh khắc này, thực sự nhìn thấy bố mình nằm xuống thì mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói này” - anh tâm sự. Và thế là sau khoảnh khắc ấy, anh bình tâm ngồi hoạch định lại những kế hoạch cuộc đời mình.

Anh bảo: “Trước đây, thực sự là mình làm việc như chết. Sáng mở mắt ra là cả một núi việc, đến tối muộn cũng không giải quyết xong. Một tuần cũng chỉ có được 1-2 bữa ngồi ăn tối với vợ con. Lúc ấy mọi thứ cứ cuốn mình vào guồng máy của nó, mình không nhận ra bất cứ vấn đề nào, kể cả khi gặp một vài chuyện về sức khỏe. Nhưng sau khoảnh khắc xếp từng viên đá lạnh quanh thi hài bố, mình thấy cần phải thay đổi. Bây giờ, mình chủ động nhường nhiều phần việc cho người khác trong công ty để dành thời gian cho gia đình nhiều hơn”.

Những khoảnh khắc làm thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn, thay đổi hành động kiểu như vậy hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc đời mỗi chúng ta. Những khoảnh khắc mà trước nó và sau nó, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành những con người khác, hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn, hoặc điềm tĩnh hơn, hoặc điên rồ hơn. Câu hỏi đặt ra: những khoảnh khắc thay đổi đó là câu chuyện ngẫu nhiên hay câu chuyện “được chuẩn bị”?

2. Có 4 khoảnh khắc kinh điển trong những ngày tháng cuối cùng mà Thái tử Tất Đạt Đa ở trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Đó là khi thái tử cùng đoàn tùy tùng đi dạo về 4 phía cổng thành. Ở cổng thành đầu tiên, ngài nhìn thấy một ông già rách rưới, bẩn thỉu, đầu tóc rối bù, gầy gò như một nắm xương khô - điều mà ngài chưa hề nhìn thấy trong kinh thành nhung lụa. Chính khoảnh khắc này khiến ngài suy nghĩ về sự lão hóa của con người và vạn vật.

Đến cổng thành thứ hai, thái tử nhìn thấy một người đàn ông ốm yếu, thân thể lở loét, trông như một xác chết, bốc mùi hôi thối. Khoảnh khắc này khiến ngài trăn trở về bệnh tật và sự úa tàn tất yếu của con người. Ở cổng thành thứ ba, thái tử bắt gặp một xác chết đúng nghĩa, đang được khâm liệm và xung quanh là cảnh mọi người khóc than sầu thảm. Khoảnh khắc này khiến ngài nghĩ về cái chết - về sự kết thúc của một kiếp nhân sinh. Nó khiến ngài xúc động tới mức toàn thân run rẩy, nước mắt tuôn trào.

Điều khác biệt diễn ra ở cổng thành thứ 4, khi thái tử nhìn thấy một tu sĩ cầm trên tay bát nước, bước đi trong tĩnh lặng. Với khoảnh khắc này, ngài hiểu rằng chỉ có tu tập mới giúp con người thoát khỏi những đau khổ của đời sống. Như vậy, 4 khoảnh khắc thái tử Tất Đạt Đa trăn trở về lão - bệnh - tử - và con đường giải thoát là 4 giọt nước tràn ly khiến ngài sau đó từ bỏ hoàng cung, từ bỏ ngôi vị, từ bỏ vị thế của một ông vua tương lai để đi tìm con đường thức tỉnh của riêng mình.

Chúng ta lại đặt ra câu hỏi: Đây là 4 khoảnh khắc ngẫu nhiên hay 4 khoảnh khắc tất yếu? Bỏ qua những chi tiết được tâm linh hóa, ví dụ như chi tiết vị tu sĩ mà thái tử gặp ở cổng thành thứ 4 là một sứ giả từ cõi thiên hóa hiện, để khích lệ ngài từ bỏ đời sống hoàng cung nhung lụa, chúng ta có cảm giác rằng “4 khoảnh khắc bùng nổ” nói trên là sản phẩm tất yếu của hàng loạt mảnh vỡ tâm tư đã có từ trước.

Bởi có rất nhiều câu chuyện kể về tuổi thơ của thái tử Tất Đạt Đa với một trái tim đa cảm và một bộ óc ưu tư trước tuổi. Ví dụ như khi thái tử chứng kiến một buổi cày ngoài ruộng và đã đặt ra nhiều dấu hỏi khi thấy những sinh linh va chạm và tiêu diệt lẫn nhau. Tại sao con chim lại ăn con giun? Tại sao con cá lớn lại tấn công, đuổi bắt con cá nhỏ?

Những câu hỏi khởi lộ trong lòng cậu bé Tất Đạt Đa lúc đó rõ ràng là những “chi tiết chuẩn bị” cho “4 khoảnh khắc bùng nổ” sau này. Điều này giải thích vì sao trong đời sống, có thể đứng trước cùng một khoảnh khắc hoặc một tập hợp những khoảnh khắc nhưng có người sau đó lại thực hiện những thay đổi bước ngoặt, có người vẫn “bình chân như vại”.

Nói cách khác, những khoảnh khắc tạo ra sự thay đổi thường là những “giọt nước tràn ly” chạm đúng vào một nỗi ám ảnh lớn đã có từ trước. Nỗi ám ảnh này có thể hiện hữu bằng ý thức - tức là cái mà chúng ta vẫn có thể lờ mờ cảm nhận được nhưng có thể lại hiện hữu trong vô thức - cái bí mật với chính chúng ta.

3. Năm 1888, một tờ báo Pháp đưa tin Alfred Nobel đã chết cùng với dòng thông báo “kẻ buôn bán cái chết đã qua đời”. Tại sao lại là “buôn bán cái chết”? Tại vì Alfred Nobel lúc đó là một nhà sáng chế và chính là người phát minh ra thuốc nổ. Chính thuốc nổ đã khiến ông nổi tiếng và giàu có.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tờ báo Pháp đã lấy tin nhầm và viết cáo phó nhầm. Người chết thực sự không phải là Alfred Nobel mà là anh trai ông - Lugvid Nobel. Hãy thử đặt một tình huống cho mình: Nếu đọc phải một bản cáo phó viết nhầm cho mình trên một tờ báo, bạn sẽ làm gì? Việc đầu tiên bạn nghĩ đến có thể là đâm đơn kiện tờ báo đó! Nhưng trong hoàn cảnh ấy, đối diện với bản cáo phó viết nhầm ấy, Alfred Nobel lại nghĩ đến chuyện: sau này, khi mình chết thật, hậu thế rồi sẽ nhớ đến mình trong vị thế nào đây?

Và chắc chắn ông không muốn hậu thế nhớ đến mình trong vị thế của một người phát minh ra thuốc nổ - một người buôn bán cái chết. Đó chính là khoảnh khắc quan trọng khiến ông đi tới quyết định sẽ dành phần lớn tài sản cá nhân để vinh danh những nhà khoa học có những cống hiến lớn trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y sinh, văn học và hòa bình.

Lâu nay, người ta vẫn nhắc đến câu chuyện này ở khía cạnh: chính nhờ cái khoảnh khắc đọc bản cáo phó viết nhầm mà đã có một Nobel hoàn toàn khác so với một Nobel “buôn bán cái chết”! Sự thực có thể đúng như vậy, rằng một khoảnh khắc đánh vào cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ khiến ông đưa ra một trong những quyết định quan trọng nhất và vĩ đại nhất của cuộc đời mình. Nhưng cũng có thể tồn tại một khả năng khác: ông đã ít nhiều nghĩ đến câu chuyện này và khoảnh khắc này thực chất là một khoảnh khắc “bùng nổ” cho hàng loạt những dữ liệu đã xuất hiện từ trước đó. Ngoại trừ ông, không ai biết sự thực nằm ở khả năng nào.

4. Bạn sẽ thắc mắc: Vậy thì có những “khoảnh khắc bùng nổ” mang tính ngẫu nhiên hoàn toàn hay không? Có! Nhưng xác suất của những khoảnh khắc ngẫu nhiên như vậy hẳn không nhiều. Ngay cả trong thiền học, nơi người ta vẫn thường chú ý đến những khoảnh khắc “thoắt ngộ” hay “đốn ngộ” thì tất cả chúng ta đều hiểu đó chỉ là khoảnh khắc “thoắt ngộ” và “đốn ngộ” với các thiền sư, tức là những người đã có sự tu tập từ trước. Những khoảnh khắc “thoắt ngộ” hay “đốn ngộ” đối với những người bình thường, không có bất cứ sợi chỉ liên quan nào tới thiền học chắc chắn là vô cùng ít ỏi.

Mỗi ngày có rất nhiều khoảnh khắc trôi đi. Mỗi cuộc đời có vô hạn các khoảnh khắc trôi đi. Nhưng những khoảnh khắc bùng nổ hẳn nhiên là xa xỉ. Và bạn sẽ không thể “bắt” được những khoảnh khắc bùng nổ theo chiều hướng tích cực, nâng mình lên, nếu trước đó bạn sống một cuộc đời tẻ nhạt!

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/nhung-khoanh-khac-bung-no-can-khong-599007/