Những khoảng lặng trong cổ phần hóa

Dù cuộc thanh tra quá trình cổ phần hóa (CPH) tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) theo yêu cầu của Chính phủ có chỉ ra nhiều sai phạm thì cũng không thể cứu vãn được nguy cơ xóa sổ VFS bởi quyền định đoạt doanh nghiệp (DN) lúc này thuộc về các cổ đông.

Chuyện phim - Chuyện đất vàng

Dự kiến, kết quả thanh tra sẽ được công bố vào khoảng 1/12 này, nhưng giờ đây những lùm xùm ầm ào quanh câu chuyện vẫn chưa thể nguôi dứt, bởi mỗi bên đều đang nhìn từ góc độ của chính mình. Một chuyện gia kinh tế thì nói, việc nhà đầu tư bỏ qua chuyện làm phim, quyết đấu giành đất vàng đó là quy luật tất yếu khi cổ phần hóa, còn các nghệ sĩ trên nhiều chỗ đăng đàn đều đang kêu gọi cho một tài sản được “định giá bằng 0” trong cổ phần hóa.

Đó là “tài sản” khó quy ra số nhưng mang giá trị biểu tượng đối với nền điện ảnh nước nhà, hay nói chính xác hơn, là cả nền văn hóa Việt. Vậy nên, nếu ứng xử không khéo sẽ trở thành một hành động không chỉ quay lưng với quá khứ mà còn từ chối cả tương lai.

Chuyện bi hài ở VFS, là do xung đột giữa các quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường. Xét đến cùng, VFS sinh ra để làm nhiệm vụ chính trị chứ không phải làm phim theo cơ chế thị trường. Những giá trị mà Hãng đã tạo ra cho xã hội là không thể phủ nhận.

Nhưng khi Nhà nước đã quyết định “rút bầu sữa” cho những tổ chức như VFS và lựa chọn cổ phần hóa, thì chuẩn thị trường được áp dụng, chỉ những gì có thể tạo ra lợi nhuận mới có giá, còn những thứ thuộc về tinh thần như thương hiệu của VFS giá chỉ 0 đồng là vì thế. Sự xung đột này khó mà dung hòa. Đây là tình huống điển hình trong cổ phần hóa nói riêng, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nói chung.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước có 34/44 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó có 11 DN thuộc diện phải hoàn thành CPH năm 2017, số còn lại phải triển khai CPH theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016. Như vậy, năm 2017 có thể tiếp tục là một năm không hoàn thành kế hoạch CPH.

Để tìm ra lời giải dung hòa được cả hai phía, có chuyên gia đưa ra gợi ý, thị trường không có động cơ giữ lại những ký ức đẹp mà chúng không tạo ra nguồn thu trực tiếp cho những người bỏ tiền ra. Do vậy, chúng ta không nên ảo tưởng về vai trò của nó. Cụ thể, trong những trường hợp như VFS, chỉ để thị trường khai thác những bất động sản đắc địa và chuyển giao một phần tài chính để khu vực dân sự và nhà nước làm nhiệm vụ thứ ba chứ đừng “cưỡng hôn” như hiện nay.

Đối với trường hợp cụ thể của VFS, Nhà nước có thể hành xử theo các cách: cho phép Hãng chuyển đổi mô hình phù hợp và được bán hoặc cho thuê một số tài sản tạo nguồn thu; tài trợ cho một số hoạt động tốt cho xã hội nhưng thị trường không có động cơ làm. Nếu sau đó VFS vẫn không thể tự nuôi nổi mình thì phải xóa sổ hoặc chuyển sang mô hình khác. Nói một cách ngắn gọn thì theo vị chuyên gia này, để có thể giữ lại và phát huy những giá trị vô hình mà chúng không tạo ra nguồn thu có thể “đếm sột soạt” thì cần vai trò của khối dân sự và nhà nước chứ không nên giải quyết đơn thuần bằng cơ chế thị trường vì kết quả thường chỉ là đồng sàng dị mộng.

Siết cơ học hay tôn trọng quy luật thị trường?

Dự kiến trong tháng 10-2017, hành lang pháp lý về CPH được hoàn chỉnh khi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 95/NĐ-2011 về CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các Nghị định liên quan (Nghị định 189/2013NĐ-CP; Nghị định 116/2015/NĐ-CP) được thông qua.

Phải nói rằng, trong suốt hơn 20 năm thực hiện CPH DNNN, khúc mắc lớn nhất luôn là xác định giá trị đất đai. Theo đúc kết của GS Đặng Hùng Võ, hành lang pháp lý về CPH DNNN cứ khoảng một năm rưỡi lại có một Nghị định, do chính sách không nhất quán, và do việc thừa nhận đất thuê trả tiền hàng năm không đưa vào giá trị CPH, không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan đến địa điểm vào giá trị thuê đất đã tạo kẽ hở lớn để nhiều DN lách. Theo đó, DN chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, kéo giảm giá trị DN.

Trong trường hợp DN được giao quyền sử dụng đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá “bèo” vì giá đất tính theo khung giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định, không sát giá thị trường. Với kẽ hở luật pháp như vậy, không chỉ có Công ty vận tải thủy biết lách luật để thâu tóm 1,4 ha “đất vàng” ở VFS bằng cách chi ra 33 tỷ đồng mua lại 65% vốn điều lệ VFS. Trước đó, đã có những vụ thâu tóm chung kịch bản… “đúng quy trình” tại kem Tràng Tiền, khách sạn Phú Gia, bánh tôm Hồ Tây...

Chính sách mới làm gì để lấp lỗ hổng trên? Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, dự thảo mới quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm quyết định CPH. Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013, cụ thể là đưa giá trị đất (đất thuê và đất giao) tính vào giá trị DN, trong đó gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất. Những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch sẽ bị thu hồi. Các DN nắm giữ đất sau CPH sẽ chuyển qua hình thức thuê đất trả tiền, Nhà nước điều chỉnh tiền thuê đất 5 năm một lần...

Hiện Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Chính phủ thanh tra hàng loạt dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu NSNN. Tài sản Nhà nước không chỉ có nguy cơ thất thoát trước khi CPH mà vẫn có thể “bốc hơi” sau khi DN chuyển đổi mô hình.

Để ngăn chặn tình trạng nói trên, dự thảo mới về CPH bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Cụ thể, nhà đầu tư đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực tài chính, có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế.

Theo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VFS vào đầu năm 2016, tại thời điểm đó hãng đang quản lý và sử dụng 4 khu đất ở Hà Nội và TP HCM.

- Khu đất số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2. Hiện đang là trụ sở chính của Hãng.

- Khu đất rộng hơn 1.200m2 tại Thái Văn Lung, TP HCM, đang hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác để xây dựng 2 công trình, trong đó một công trình 74m2, cao 4 tầng được dành làm văn phòng, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn... Riêng khối nhà 11 tầng được xây dựng trên diện tích 1.134m2 thì đang được khai thác cho thuê làm văn phòng.

- 905m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) được dùng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe.

- Khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội). Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có công văn giao đất và VFS đang hoàn tất thủ tục pháp lý của 2 tài sản này.

Đặc biệt, phải có có văn bản cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm, không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực… và phải bồi thường nếu vi phạm cam kết. “Quy định siết tiêu chí cổ đông chiến lược nhằm hạn chế tình trạng đại gia bỏ tiền mua DNNN chỉ vì nhắm tới đất”, ông Đặng Quyết Tiến phân tích.

>> Bộ Văn hóa đề nghị dừng đấu giá tài sản Hãng phim truyện Việt Nam

Hàm My

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/nhung-khoang-lang-trong-co-phan-hoa-10386.htm