Những khoản nợ 'biệt phái'…

Nói là 'biệt phái' vì những khoản nợ/khoản cho vay ấy, vì một lý do nào đó đã được 'điều' qua một nơi, 'nằm' ở đó một thời gian, hết 'nhiệm kỳ' hay đến thời điểm phù hợp lại được đưa trở về 'biên chế'…

Những khoản nợ “biệt phái”… (Ảnh: ABBank)

Hãy bắt đầu từ Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 sau soát xét của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Và hãy tập trung vào khoản mục Tài sản Có khác mà ABBank đã hạch toán.

Tính đến cuối năm 2017, giá trị khoản mục này đạt 2.560 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng và làm tròn). So với tổng tài sản 84.503 tỷ đồng cùng thời điểm, quy mô tài sản Có khác này chiếm khoảng 3%. Còn so với giá trị dư nợ thị trường 1 (Cho vay khách hàng) là 47.143 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,4%.

Cần thiết phải nói rằng, quy mô và tỷ trọng tài sản Có khác ở ABBank đã được hạn chế đáng kể trong ít năm qua. Cập nhật tại cuối năm 2016, giá trị khoản mục này là 3.334 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng tài sản. Trước đó còn cao hơn nữa.

Trong các tiểu khoản thuộc tài sản Có khác ở ABBank cuối năm 2017, chiếm lớn nhất là Phải thu từ mua bán nợ - với giá trị 705 tỷ đồng.

Thuyết minh về tiểu khoản này cho biết, khoản phải thu tại ngày 31/12/2016 (giá trị 746 tỷ đồng) liên quan đến các khoản nợ đã bán cho Công ty cổ phần Mua bán Nợ Việt Nam Thịnh Vượng (VPAMC). “Tại thời điểm chuyển nhượng, các khoản nợ đang được Tập đoàn (tức ABBank và các công ty con - PV) phân loại nhóm I. Hợp đồng chuyển nhượng được thanh toán từng lần theo thỏa thuận. Trong năm 2017, Tập đoàn đã thu hồi toàn bộ khoản phải thu này”.

Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2015, giá trị của tiểu khoản phải thu từ mua bán nợ là 769 tỷ đồng. Theo thuyết minh, “khoản phải thu tại ngày 31/12/2015 liên quan đến khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Tại ngày 31/12/2016, khoản phải thu này đã được tất toán”.

Có thể thấy các hợp đồng bán nợ mà ABBank đã ký với các đối tác đều có thời hạn không quá một năm.

Thực tế, ABBank không chỉ có bán nợ, mà họ còn từng thực hiện cả những giao dịch mua nợ. Nhưng có lẽ các giao dịch này mang nhiều ý nghĩa về hạch toán hơn là thương mại. Bởi trong thời gian chỉ chưa đầy một năm, bên mua đã bán lại chính thứ vừa mua cho bên bán.

Chẳng hạn như hợp đồng mua bán nợ mà ABBank (thông qua công ty con) đã thực hiện với Công ty Cổ phần Tài chính Điện lực (EVN FC). Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 sau soát xét của ABBank cho thấy, tại thời điểm 31/12/2014, ngân hàng đang ghi có 629 tỷ đồng mua bán nợ với EVN FC. ABBank thuyết minh như sau: “Tại ngày 31/12/2014, ABBA (Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng TMCP An Bình - PV), Công ty con có một hợp đồng mua nợ với một tổ chức tài chính, Công ty con, không ghi nhận dự phòng cho khoản nợ được mua này do đã có cam kết mua lại nợ từ bên bán trong thời hạn không quá một năm”.

Tại sao ABBank và một số đối tác – là các TCTD – lại giao kết những hợp đồng mua bán nợ kiểu như trên?

Trong một giả thuyết, có ý kiến cho rằng đó là cách mà ngân hàng sử dụng để “biệt phái” các khoản nợ có vấn đề trước mỗi kỳ kiểm toán (?!). Một ý kiến khác thì lại cho rằng đó là cách để điều chuyển cho vay khách hàng sang tài sản có khác, làm sạch chất lượng dư nợ…

Cũng không hẳn là không có lý nếu biết rằng ABBank từng có các khoản nợ được tạm bán cho NCB, rồi sau khi nhận lại, các khoản nợ này đã bị quá hạn và phân loại là nợ nhóm 5. Sau khi trích lập dự phòng theo quy định, năm 2017 vừa rồi, ABBank đã phân loại lại số dư các khoản nợ này sang khoản cho vay khách hàng.

Nhưng dẫu sao, đó mới chỉ là giả thuyết…

Rất khó để đưa ra câu trả lời đích xác, khi mà chi tiết các hợp đồng mua bán chỉ có thể được tiếp cận bởi những người trong cuộc.

Lưu ý, hoạt động mua bán nợ ở ABBank không chỉ giới hạn trong các thương vụ mang tính liên ngân hàng (bao gồm cả thông qua AMC và các công ty con), mà còn được mở rộng sang với cả các đối tác là những tổ chức kinh tế phi tín dụng.

Cụ thể hơn, ABBank thực hiện bán nợ sang doanh nghiệp - chủ yếu được lập ra với sứ mệnh làm trung gian mua bán nợ.

Chẳng hạn như CTCP Tư vấn và Đầu tư Tài chính An Bình, CTCP Tư vấn Đầu tư Thái Bình (TBIC), CTCP Mua bán nợ Miền Bắc, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán An Bình (ABF)…

Đó là các pháp nhân độc lập, khác nhau về tên gọi, khác nhau về thời điểm thành lập, địa chỉ trụ sở, nhân sự chủ chốt, cơ cấu sở hữu… nhưng về cơ bản đều xuất phát chung một “gốc”.

Ninh Giang

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhung-khoan-no-biet-phai-172030.html