Những khoản chi khổng lồ khi các nguyên thủ công du

Dù cho những chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia đóng vai trò không thể thiếu trong việc mang lại lợi ích cũng như xây dựng vị thế cho đất nước, song chi phí khổng lồ từ những chuyến đi này cũng là điều thu hút sự quan tâm.

Đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du nước ngoài có tới cả nghìn người cùng rất nhiều các loại phương tiện, máy móc hỗ trợ. Với một chuyến đi đông người như vậy trong điều kiện đòi hỏi đảm bảo an toàn tuyệt đối, hẳn nhiên số chi phí mà Chính phủ Mỹ bỏ ra phải rất lớn.

Cho đến bây giờ thông tin chi phí cho chuyến thăm Ấn Độ của cựu Tổng thống Obama hồi năm 2010 cao hơn cả tiền Mỹ chi cho cuộc chiến ở Afghanistan mỗi ngày vẫn còn là điều gây tranh cãi.

Chi phí mỗi ngày trong chuyến đi khi đó được cho là lên tới nhiều triệu USD, trong khi vào thời điểm đó, Mỹ dành 190 triệu USD/ngày cho chiến dịch quân sự và ngoại giao tại Afghanistan. Tuy nhiên, theo giới phân tích, không có gì hoài nghi với chi phí khổng lồ cho chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ.

Chi phí cho mỗi giờ bay của không lực Air Force One chuyên chở Tổng thống Mỹ có thể tới hơn 179.000 USD.

Đơn cử như trong chuyến thăm 3 nước châu Phi Senegal, Nam Phi và Tanzania vào năm 2013 của ông Obama, giới thạo tin ước tính Mỹ phải trả tới 60-100 triệu USD.

Bởi lẽ để chuyến đi được đảm bảo an toàn, khi đó một tàu sân bay với trung tâm y tế có đầy đủ nhân viên luôn thường trực ở ngoài khơi phòng trường hợp khẩn cấp. Các máy bay vận tải quân sự mang theo 56 phương tiện hỗ trợ bao gồm 14 chiếc limousine, 3 xe tải chở đầy kính chống đạn để che các cửa sổ khách sạn nơi gia đình Tổng thống nghỉ lại trong suốt chuyến thăm.

Các chiến đấu cơ cũng thay ca trực an ninh liên tục để bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng 24/24h từ trên không. Báo cáo của Văn phòng minh bạch, Mỹ, chuyến công du 6 nước châu Phi năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton cũng tốn ít nhất 42,7 triệu USD.

Theo ước tính, chỉ riêng chuyên cơ của Tổng thống Mỹ đã có thể ngốn vài triệu USD bất cứ lúc nào ông ra nước ngoài. Mỗi giờ bay của Air Force One, chuyên cơ được trang bị cả hệ thống phòng thủ tên lửa, khả năng gây nhiễu radar, thiết bị đàm thoại có hình, đã tới hơn 179.000 USD.

Tổng thống Mỹ và các mật vụ.

Khi cựu Tổng thống Obama về quê cha ở Kenya tháng 7/2015, với cả chiều đi và về, chi phí vận hành máy bay được ước tính là gần 6 triệu USD. Ngoài ra, chi phí vận hành cho máy bay chở khách và vận tải, một chiếc máy bay dự phòng đi cùng Tổng thống Mỹ cũng ngốn thêm khoản không nhỏ. Trong chuyến đi kéo dài 11 ngày của cựu Tổng thống Bill Clinton tới châu Phi năm 1998, mức chi phí cho máy bay được cho là lên tới gần 25 triệu USD để mang theo vật tư cần thiết.

Ngoài chi phí cho mật vụ bay qua bay lại nước Tổng thống sắp công du để làm kiểm tra an ninh, chi phí cho việc thuê toàn bộ hoặc một phần khách sạn cho đoàn công du cũng không nhỏ.

Trong chuyến công du Ấn Độ năm 2008 của cựu Tổng thống Obama cùng phu nhân, Mỹ đã phải đặt toàn bộ 570 phòng của khách sạn Taj Mahal ở Mumbai, nơi từng bị khủng bố tấn công năm 2008. Với một đêm nghỉ của cựu Tổng thống Obama ở Brisbane, Australia khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014, phái đoàn Mỹ phải chi tới 1,7 triệu USD để thuê 4.000 phòng tại ba khách sạn khác nhau.

So với Tổng thống Mỹ, phái đoàn tháp tùng Tổng thống Nga thường ít người hơn rất nhiều. Trong các chuyến công du, ông Putin thường đem theo phái đoàn. Mặc dù công tác an ninh bảo vệ Tổng thống Nga rất kỹ lưỡng, phương tiện chuyên chở người đứng đầu Điện Kremlin cũng rất tối tân, song theo ước tính, chi phí của Nga cho các chuyến công du của lãnh đạo đất nước khả năng không quá cao như Mỹ.

Song có lẽ gây nhiều tranh cãi nhất là chi phí các chuyến công du của Tổng thống Kenya. Mặc dù mỗi chuyến đi của Tổng thống Uhuru Kenyatta đều mang về những hợp đồng thương mại, hay những ích lợi khó đong đếm cho đất nước song ông vẫn bị người dân nước này chỉ trích vì tiêu tốn nhiều tiền cho các chuyến công du nước ngoài.

Ông Uhuru Kenyatta đặt chân đến 32 quốc gia và chi phí cho các chuyến đi này luôn vượt quá ngân sách. Từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015, chi phí cho các chuyến công du của ông tới khoảng 12 triệu USD. Dù cho chi phí cho mỗi chuyến công du của ông Uhuru Kenyatta không được công khai, nhưng theo ước tính của tờ Daily Nation, chuyến công du của nhà lãnh đạo này khi tới Pháp năm 2015 tốn 331.000 USD.

Chi phí cho chuyến công du này của ông có thể không lớn với nhiều nước nhưng đặt trong bối cảnh một đất nước có tình trạng nợ công, có khi tới 50% tổng sản phẩm quốc nội, việc ngân sách của phủ Tổng thống bị thâm hụt là điều nguy hiểm. Và chi phí cho các chuyến công du của Tổng thống là điều cần phải cân nhắc, tính toán.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-khoan-chi-khong-lo-khi-cac-nguyen-thu-cong-du--a346958.html