Những khó khăn hậu Brexit

Việc Hạ viện Anh vừa thông qua thỏa thuận của Thủ tướng B.Johnson về đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) đã dọn đường để tiến trình Brexit có thể 'về đích' đúng hạn vào ngày 31-1 tới. Tuy nhiên, khi việc Anh rời EU cơ bản đã ngã ngũ, giới phân tích và lãnh đạo hai bên lại lo ngại về những khó khăn đàm phán 'hậu Brexit'.

Bình luận quốc tế

Với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua thỏa thuận của Thủ tướng B.Johnson về Brexit, cho phép thỏa thuận này được thực hiện vào cuối tháng 1 sau nhiều năm trì hoãn. Tuy nhiên, ngay sau khi tiến trình Brexit “xuôi chèo mát mái”, giới phân tích và nhất là các nhà lãnh đạo EU lại tỏ ra lo lắng về những khó khăn trong đàm phán thương mại Anh - EU hậu Brexit.

Theo trình tự, sau khi Anh chính thức rời EU, hai bên sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại trong thời kỳ chuyển tiếp cho đến hết năm. Theo “Thỏa thuận ra đi” mà Thủ tướng B.Johnson đã nhất trí với EU, London có thể đề xuất thêm một lần gia hạn kéo dài khoảng một đến hai năm nữa. Tuy nhiên, ông B.Johnson gần đây khẳng định sẽ không đề nghị gia hạn và thậm chí còn đang chuẩn bị dự luật để ngăn chặn một động thái như vậy. Quyết tâm của Thủ tướng Anh đồng nghĩa với việc các nhà đàm phán hai bên sẽ chỉ có 11 tháng để ký một thỏa thuận thương mại. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đàm phán thương mại Anh - EU với khoảng thời gian ngắn như vậy là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trong trường hợp trong năm 2020, hai bên vẫn không đạt thỏa thuận thương mại, quan hệ giữa Anh với thị trường chung khổng lồ của EU sẽ không có ràng buộc gì để bảo vệ việc làm và quyền lợi của doanh nghiệp hai bên. Anh và EU là đối tác thương mại lớn của nhau, bởi vậy, trong trường hợp đàm phán thương mại song phương trắc trở, những hậu quả kinh tế, xã hội với cả hai bên là rất lớn. Chẳng hạn tại Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - khoảng 460 nghìn việc làm ở Đức đang phụ thuộc vào xuất khẩu đến Vương quốc Anh. Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu việc làm (IAB) của Đức, Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Đức trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ngoài ra, “xứ sở sương mù” cũng là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của các ngành sản xuất ô-tô, kỹ thuật cơ khí, hóa chất và dược của Đức. Bởi vậy, một tiến trình đàm phán thương mại hậu Brexit không chắc chắn và bế tắc kéo dài sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế Đức. Ở chiều ngược lại, tổn thất với nước Anh được dự báo còn lớn hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen cuối tuần qua đã cảnh báo, Anh có thể mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu nếu không gia hạn thời gian đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, hiện dự kiến kéo dài tới cuối năm 2020. Trước đó, trong phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP), bà Leyen đã nhấn mạnh: “Lịch trình phía trước của chúng ta đầy thử thách. Nếu không thể ký một thỏa thuận với Anh vào cuối năm 2020, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ. Điều đó rõ ràng sẽ gây tổn hại tới lợi ích của chúng ta, nhưng hậu quả đối với Anh còn nghiêm trọng hơn”.

Chủ tịch EC nhận định, nếu giai đoạn chuyển tiếp không kéo dài qua năm 2020 thì hai bên khó có thể thống nhất mọi khía cạnh trong quan hệ đối tác và khi đó hai bên sẽ phải lựa chọn những vấn đề ưu tiên đàm phán. Theo Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Barnier, Anh là một nước thành viên của EU, tham gia 600 thỏa thuận quốc tế và các thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay khi giai đoạn chuyển tiếp cho Brexit hết hạn. Do đó, để đàm phán về 600 thỏa thuận thì thời gian đàm phán 11 tháng là quá ngắn.

Trong bối cảnh nêu trên, EU nêu ra ba lĩnh vực ưu tiên trong các cuộc đàm phán với Anh. Thứ nhất, ưu tiên các cuộc đàm phán về việc tạo một cấu trúc để EU và Anh tiếp tục gặp mặt định kỳ, nhằm điều phối lợi ích chung trong các vấn đề khí hậu, hòa bình Trung Đông...

Thứ hai, EU và Anh sẽ hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh để chống khủng bố, tội phạm mạng, các mối đe dọa từ nước ngoài... Thứ ba, hai bên sẽ thảo luận để thống nhất một thỏa thuận thương mại sâu rộng, gồm cả việc đánh bắt cá, vốn yêu cầu Anh tuân thủ theo luật lao động của EU, tiêu chuẩn môi trường, thuế quan và trợ cấp nhà nước. Trong khi đó, về phía Anh, Thủ tướng B.Johnson cho biết, Chính phủ Anh có thể tìm kiếm thỏa thuận từng phần với EU trong giai đoạn hậu Brexit, trong đó tạm gác lại một số vấn đề chưa được giải quyết, nhưng vẫn để ngỏ khả năng rời EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay.

Xem ra, dù tiến trình Brexit đã thoát khỏi bế tắc, nhưng khó khăn và âu lo vẫn tiếp tục “đeo bám” nước Anh và EU trong năm 2020. Nếu Anh và EU không lựa chọn được các ưu tiên đàm phán cùng nhượng bộ hợp lý khiến thỏa thuận đàm phán thương mại song phương đổ vỡ hoặc bị trì hoãn, kinh tế cả hai bên có thể sẽ tiếp tục bị vùi dập bởi “làn gió ngược hậu Brexit”.

BÌNH YÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42914302-nhung-kho-khan-hau-brexit.html