Những kết quả khả quan

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội, TP. Hồ Chí Minh đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trong việc triển khai và áp dụng cơ chế đặc thù.

Cơ chế đặc thù tạo cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh phát triển bứt phá

Cơ chế đặc thù tạo cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh phát triển bứt phá

Động lực phát triển mới

Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là quyết sách quốc gia mang tính đột phá, đồng bộ, kịp thời, giúp thành phố phát huy tốt hơn các lợi thế của mình trong quá trình phát triển. Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Thành ủy và HĐND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nghị quyết, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai 21 nội dung đề án. Đến nay, UBND thành phố đã trình và được HĐND, Thường trực HĐND thảo luận, thông qua 16 nội dung cụ thể.

Bước đầu, việc triển khai các nội dung đã đạt được một số kết quả tích cực. Điển hình như Đề án chi thu nhập tăng thêm, hiện nay, 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã triển khai chính sách; khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn.

TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Đề án ủy quyền với 85 đầu việc được Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho người đứng đầu sở, ngành, quận, huyện; rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố xác định danh mục 31 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trên 10ha), nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong quyết định phân bổ ngân sách, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…

Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai các đề án như: Ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô trên địa bàn; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp nhằm mục đích điều tiết xã hội... Đặc biệt, để thu hút, khuyến khích nhân tài tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đã tạo điều kiện quan trọng để thành phố quy tụ, thu hút đội ngũ này.

"Đầu tàu" phát triển quan trọng của cả nước

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, chính phủ điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực ASEAN..., việc thực hiện cơ chế đặc thù để xây dựng và phát triển càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, UBND thành phố đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong áp dụng cơ chế đặc thù và kiến nghị tháo gỡ, đẩy nhanh đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng. Theo đó, thành phố đã điều chỉnh Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai Dự án tuyến đường vành đai 3 (đoạn qua địa bàn thành phố), cũng như cho phép thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án...

Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt danh mục doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước, lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc thành phố giai đoạn 2018 - 2020.

Bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và nhân dân, TP. Hồ Chí Minh đã và sẽ tiếp tục là địa phương đi đầu thí điểm về xây dựng đô thị thông minh, tiên phong khai thác cơ hội ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, cải cách hành chính...

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-ket-qua-kha-quan-119267.html