Những kẻ rong chơi nghiêm túc

Từ thảm đỏ cho đến những nơi đầy lửa đỏ, hình ảnh nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh với hàng loạt máy ảnh, ống to ống dài lỉnh kỉnh hay với đèn flash chói lòa với gương mặt căng thẳng khi tác nghiệp đã quá quen thuộc với chúng ta. Và chính ngay trong những ngày trọng đại của đời mình, các bạn chắc hẳn cũng an tâm hơn nhiều khi nhìn thấy anh chàng “nhiếp" đang tay xách nách mang súng ống to dài, mặt luôn căng thẳng khi tác nghiệp.

Các trang diễn đàn luôn thu hoạch được nhiều “like" và “comment" khi có bài “trên tay" những chiếc máy ảnh mạnh mẽ, tiên tiến nhất với hàng loạt các thông số có thể làm ướt bàn phím các viewers.

Xu hướng là thế, máy khủng, tính năng mạnh mẽ luôn được quan tâm, và người “mê ảnh" cũng luôn theo dõi thông tin các nhiếp ảnh gia đoạt giải dùng máy gì như kim chỉ nam để học tập. Nhưng tồn tại giữa những người bị dính chặt với công nghệ khủng long là những kẻ rong chơi đầy nghiêm túc.

Đóa hồng nơi đổ nát

(Nhiếp ảnh gia Stephanie Sinclair chụp bởi Mitchell Prothero)
Hình ảnh một cô gái phương Tây đi lại giữa các đống đỏ nát tại Aytaroun, miền Nam Lebanon với chiếc máy ảnh bằng nhựa bé xíu quá quen thuộc với người dân tại đây. Stephanie Sinclair, nữ nhiếp ảnh gia tự do người Mỹ, người đã bỏ ra 6 năm di chuyển và làm việc tại các nước Trung Đông được vì như một đáo hồng giữa đống hoang tàn. Bộ ảnh cô chụp tại Lebanon mang đến chất “thơ" cho những đống gạch vụn, những bức tường lỗ chỗ đầy vết đạn, những nghĩa trang mới dài thăm thẳm. Dường như vị thế freelance photographer giúp Stephanie chẳng mấy quan tâm đến việc phải ghi lại vẹn nguyên mùi thuốc súng. Ống kính lomo với phim vuông cho cô tha hồ kể chuyện theo hướng khác, nó chất chứa cái nhìn còn chút dư vị hy vọng của một cô gái cho những số phận. Sau này, Stephanie Sinclair khi thực hiện bộ ảnh Too Young to Wed cô cũng đóng khung những số phận các bé gái tại Nepal trong những miếng phim vuông mang đầy màu sắc. Liên tục lui tới những điểm nóng cho các dự án ảnh, cô chẳng mang theo mình giài thưởng Pulitzer hay xưng danh là thành viên của VII, Stephanie luôn giữ bên mình một thứ rất quí, hơn cả máy ảnh - Góc nhìn từ trái tim của cô.

(Một bức ảnh của Stephanie Sinclair chụp tại Aytaroun, miền Nam Lebanon - chiếc gối đầu màu đỏ, hình trái tim và chú thỏ bông, những gì còn sót lại)

(Một bức ảnh của Stephanie Sinclair chụp tại Aytaroun, miền Nam Lebanon - Một nghĩa trang mới, với những vòng hoa còn tươi)

Sáng tạo không phải là thông số.

Khi bạn nhận được điện thoại từ Vogue để chụp một bộ hình, chắc hẳn việc bạn nghĩ đến đầu tiên là những ống kính huyền thoại, dàn máy chí ít là DSLR và khoảng chục người phụ tá cho lỉnh kỉnh đèn và hắt sáng, và chuyến hành trình dài đến những nơi thật đẹp hay những studio danh tiếng. Thời trang mà.

(Phóng sự về Ren Hang)

Nhưng với một tay máy người Trung Quốc thì việc thực hiện bộ hình cho Vogue Me (tạp chí Vogue dành cho giới trẻ) chỉ gói gọn trong chiếc máy point and shot. Vì sự sáng tạo đã chảy sẵn trong máu của anh. Ren Hang, một con thiêu thân luôn lao vào những cuộc chơi, những giới hạn của sự sáng tạo một cách hăng say nhất. Nhà sáng tạo bậc thầy với chiếc máy ảnh khoảng 100USD với ánh đèn flash nhỏ xíu trên máy, không phông màn chuyên nghiệp, những mảng tường là nơi anh dựa người mẫu vào. Vẻ ngoài công việc trông đơn giản là thế, nhưng dường như từng khung hình như lấy đi của Ren Hang tất cả tâm trí, sức lực, trí tưởng tượng.

Đó là lý do khi xem bộ ảnh Welcome to the Jungle, ta thấy Ren Hang như kể câu chuyện của chính bản thân, một con Phượng Hoàng tự bốc cháy trong đam mê để tái sinh trong từng khung ảnh. Còn riêng anh, mãi mãi ra đi ở tuổi 30.

(Một ảnh trong Welcome to Jungle của Ren Hang)

(Một bức ảnh nổi tiếng của Ren Hang, như một con Phượng Hoàng lửa)

Rong chơi trong cái nghiệp.

Đã là người Việt mê nhiếp ảnh, chẳng mấy ai không biết đến Nick Ut. Người Việt Nam đoạt giải Pulitzer - Wordpress trong cùng một năm 1973 và biết bao giải thưởng nhiếp ảnh trên thế giới với bức ảnh cô gái Napalm.

(Bức ảnh Nick Ut chụp 8/6/1972 tại Tây Ninh - Cô bé Napalm)

Có dịp đi chụp cùng chú Út thì mới thấy, trên người chú gần như luôn có 2 chiếc máy ảnh nặng trĩu từ năm 16 tuổi đến nay. Nhưng trên gương mặt của “ông già gân" ấy, luôn là nụ cười hiền khô, nhanh nhẹn đi lại với lỉnh kỉnh máy móc nhưng lại rất trầm tĩnh khi máy ngang tầm mắt. Dường như đối với chú, chụp hình là một cuộc dạo chơi cho dù đó là nơi nào. Vậy đó, sau mỗi cuộc “dạo chơi" với chú, tôi hết sức ngạc nhiên với những góc hình một thằng trai trẻ như tôi chạy đi chạy lại, canh hết các khoảnh khắc của sự kiện cũng bỏ qua rất nhiều khoảnh khắc, góc nhìn mà chú Út đã kịp ghi lại. Chú tâm sự: nhiếp ảnh tự đến với nhiếp ảnh như là cái nghiệp, chú cầm máy cho AP từ năm 16 tuổi đến giờ, nên kinh nghiệm rất quan trọng. Và rồi tôi được nghe câu chuyện đằng sau bức hình nổi tiếng khác của chú: những giọt nước mắt của Paris Hilton.

(Nick Ut chụp Paris Hilton ngồi sau xe khóc sau phiên tòa - bóng người cầm PnS camera là chú Nick Ut)

Cô nàng ngổ ngáo này bị tuyên án tù, hôm đó rất nhiều phóng viên tụ tập sẵn trước phòng xử án, chỉ chờ Paris bước ra là bấm máy. Nhưng chú Út thì khác, chú chọn cách đi vòng ra sau, có vài người nữa cũng đi theo. Một chiếc xe đỗ bên đường, chú Út tiến đến với chiếc máy ảnh point and shot trên tay và ghi lại bức hình cô gái trẻ khóc nức nở. Tuy chất lượng hình khi xuyên qua tấm kính là không tốt, nhưng khoảng khắc chỉ có 1.

(Khoảnh khắc òa khóc của Paris Hilton, hình ảnh chỉ mình Nick Ut có được)

Hôm đó là ngày 8/6, và cũng vào đúng ngày 8/6 của 42 năm về trước, một cú bấm máy đã đưa tên tuổi Nick Út đến với thế giới - cú bấm máy chụp cô bé Napalm. Nhiếp ảnh như là cái duyên, cái nghiệp mà chú Út cứ nhẹ nhàng thả bộ trong đó với những cú bấm máy định mệnh.

Không phủ nhận những năm gần đây, những chiếc máy ảnh với thông số khủng đã thay đổi rất nhiều nền nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia có thêm rất nhiều ảnh với khoảnh khắc mà trước đây khó có thể đạt được. Nhưng tựu chung, máy ảnh dù khủng thế nào cũng chỉ là công cụ. Tất cả nền tảng sáng tạo và cách kể chuyện vẫn nằm ở con người. Và vì thế, vẫn còn đó những kẻ rong chơi với những chiếc máy ảnh thông thường nhưng luôn có những khung hình phi thường.

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/chuyen-chup-anh-nhung-ke-rong-choi-nghiem-tuc.2786467/