Những kẻ độc ác rủ nhau ném trẻ em qua cửa sổ

Mạng xã hội (MXH) là nơi để những kẻ gieo rắc tư tưởng xấu, kể cả tư tưởng thù ghét trẻ em. Nhưng cũng thật may, vì chúng ta có thể quét sạch chúng.

Nhiều người chơi facebook bày tỏ sự ngỡ ngàng khi biết đến những fanpage, group có những tên gọi rất lệch lạc như "Đ... ưa trẻ em" lại có lượng thành viên và lượt theo dõi rất khủng. Những nội dung đăng tải khá độc ác, mang nội dung kỳ thị và ghét trẻ em.

Facebooker Sỹ Thành viết: "Rất nguy hiểm khi page này được lập và hàng loạt page tương tự cũng đang được lập ra như một lời thách thức với pháp luật và xã hội văn minh. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra chủ nhân của những trang này và những thành viên ủng hộ sự thù ghét, bạo lực với trẻ em sẽ bị trừng phạt".

MXH là nơi những kẻ xấu có thể "tụ tập" cùng nhau

Trang "Đ... ưa trẻ em" có những nội dung kích động bạo lực, xâm hại trẻ em, nhưng thành viên khá đông, gần 50.000 người theo dõi. Những người này cùng nhau chia sẻ những cảm xúc tiêu cực về trẻ em một cách đáng sợ. Họ lấy những câu chuyện kỳ thị trẻ em, hoặc bạo lực với trẻ em ra làm trò đùa và được các thành viên khác hưởng ứng.

Các nội dung không thể tưởng tượng nổi xuất hiện trên trang fanpage này.

Các nội dung không thể tưởng tượng nổi xuất hiện trên trang fanpage này.

Nhưng không phải đến bây giờ mới xuất hiện những trang thông tin như thế này trên cõi mạng. Trước đây, có nhiều trang, nhóm với các nội dung độc hại cũng xuất hiện công khai trên facebook, thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều.

Với khả năng ẩn danh trên MXH, nhiều người ẩn mình sau những nick ảo, tụ tập lại cùng nhau, chia sẻ những cảm xúc lệch lạc dựa trên việc gây tổn thương, gieo rắc tư tưởng gây hại cho người khác.

Một số bạn đọc lo lắng, MXH bây giờ có nhiều người có suy nghĩ kỳ dị quá. Thực ra có hay không có MXH thì họ vẫn ở đó, tìm cách tụ tập cùng nhau. Nhưng có MXH, những người này lôi kéo được nhiều người hơn và phát tán tư tưởng lẹch lạc nhanh hơn.

"Tôi cũng từng hoảng sợ, tưởng mình là người xấu"

Một facebooker tên T từng chia sẻ tâm tư của mình trong một nhóm kín: "Tôi sợ rằng tôi là kẻ độc ác bệnh hoạn. Tôi gần như không có cảm xúc yêu thương gì với trẻ con. Tôi thấy bọn trẻ con thật phiền phức. Tôi không có ý định lập gia đình vì khi tôi nói tôi không thích trẻ con, những người yêu cũ của tôi đều chia tay lập tức và tỏ ra ghê sợ tôi. Tôi đã cố gắng nhưng không thể gần gũi trẻ con".

Lời chia sẻ của T nhận được khá nhiều phản hồi, phần lớn là trách móc. Nhưng bất ngờ là có nhiều người tỏ ra cảm thông, chia sẻ vì họ cũng mắc Hội chứng không thích trẻ con. Những người này luôn bị phán xét khá nghiệt ngã, bị chính người thân xa lánh. Có người nói với T, một người bình thường luôn có bản năng che chở cho trẻ con, nhiều loại động vật cũng có sẵn bản năng che chở cho những con non trong đàn dù chúng không phải con mình. Nhưng cũng có nhiều người cá biệt bị "cài đặt" lỗi, họ không có bản năng đó, hoặc bị rối nhiễu tâm lý.

Họ đều nhận ra vấn đề của mình và chia sẻ cho nhau cách khắc phục. Tìm gặp một chuyên gia tâm lý là điều nên làm. Dù không có cảm xúc tích cực với trẻ con nhưng những người này vẫn bảo vệ bọn trẻ và tuyệt đối không gây tổn thương cho bất cứ ai.

Còn việc "tụ tập" để công khai bày tỏ những lời ác ý với trẻ con, thỏa mãn những cảm xúc tiêu cực độc ác công khai trên MXH là việc làm không thể chấp nhận được.

Nhưng thật may, chúng ta có thể "khóa mõm" kẻ xấu

Trước đây các nhóm kín, các trang fanpage có nội dung độc hại có thể tồn tại khá lâu nhưng hiện nay, chỉ cần vài lượt report (báo cáo) nội dung độc hại là những trang này bị "khóa mõm" rất nhanh sau đó. Trang "Đ... ưa trẻ em" cũng đã bị report và biến mất nhanh chóng.

Nhiều người thường xuyên vi phạm các chuẩn mực cộng đồng cũng bị khóa facebook. Việc facebook ngày càng tạo ra nhiều hàng rào chống lại những hiện tượng tiêu cực, bị cộng đồng phản ứng là một điều rất đáng khen ngợi.

Vì vậy chúng ta đừng mất công giận dữ hay hoang mang trước tiêu cực, hãy chung tay report thật nhanh để những hiện tượng này không có cơ hội nảy sinh.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhung-ke-doc-ac-ru-nhau-nem-tre-em-qua-cua-so-836779.html