Những hy sinh thầm lặng của cán bộ làm công tác y tế dự phòng

Mỗi đợt Hà Nội có dịch, cán bộ y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong 'trận chiến', xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Y sĩ Lê Văn Huỳnh, Trạm y tế phường Bạch Đằng, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1, tôi nhận nhiệm vụ tại Trạm y tế phường Bạch Đằng từ năm 2013. Gần 6 năm gắn bó với nghề, tôi thuộc lòng từng con đường, góc phố, từng hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Các cán bộ y tế dự phòng phun hóa chất phòng dịch. (Ảnh: Lê Hòa).

Các cán bộ y tế dự phòng phun hóa chất phòng dịch. (Ảnh: Lê Hòa).

“Ở phường Bạch Đằng, có khoảng 500 hộ nằm ven đê và ngoài đê sông Hồng, người dân chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, lao động tự do, một bộ phận lớn lao động thời vụ từ các địa phương khác đến thuê trọ nên cuộc sống rất bấp bênh, trình độ nhận thức còn hạn chế, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nên công tác y tế dự phòng càng cần được chú trọng hơn”, y sĩ Lê Văn Huỳnh cho biết.

Đặc thù của ngành y tế dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, trong khi hiệu quả công việc không thể đong đếm trong ngày một ngày hai.

Chia sẻ về những vất vả trong nghề của mình, y sĩ Lê Văn Huỳnh cho biết: “Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những ngày cả trạm y tế gồng mình với dịch sốt xuất huyết năm 2017. Dịp ấy, nhân lực luôn huy động 100%, đêm thì 1, 2 giờ sáng anh em đã phải lên đường đi phun hóa chất. Ngày thì phải chia nhau đi theo các tổ xung kích diệt bọ gậy, đi thu thập số liệu bệnh nhân trên địa bàn và tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh rất vất vả”.

Khó có thể kể hết những gian khổ của các y, bác sĩ dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… Đôi khi vì tính chất công việc, nhiều người còn bị lây bệnh và mang cả mầm bệnh về cho gia đình. Cũng là những nhân viên y tế phục vụ người dân nhưng mấy ai nhớ đến những y, bác sĩ dự phòng trong khi những hy sinh, cống hiến của họ vì sức khỏe của nhân dân là không nhỏ.

Công tác dự phòng rất vất vả song bằng những nỗ lực không ngừng, ngành y tế dự phòng Hà Nội đã gặt hái được không ít những thành công trong năm qua. Chia sẻ về những thành quả đạt được, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay, năm 2018 là một năm “biến động” không nhỏ của ngành y tế dự phòng Hà Nội về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đổi tên từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.

Tuy nhiên, công tác y tế dự phòng được Trung tâm triển khai thực hiện hiệu quả trên các phương diện như: Phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, giun sán, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Trong đó, công tác phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được tập trung thực hiện một cách quyết liệt.

Với tinh thần chủ động, nghiêm túc triển khai các biện pháp trong phòng chống dịch nên cơ bản dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đã được kiểm soát. Các ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời không có ca bệnh thứ phát, không có ổ dịch lớn, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch.

Một số chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2017 như chỉ tiêu giảm bệnh sốt xuất huyết, liên cầu lợn, ho gà… Công tác tự phát hiện ca bệnh truyền nhiễm sớm tại tuyến cơ sở đã góp phần khống chế nhanh dịch bệnh.

Đồng thời, Hà Nội đã dự trù đầy đủ, sẵn sàng máy móc, hóa chất phòng chống dịch, duy trì hoạt động các đội cơ động phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã.

Các đội chống dịch cơ động đã được huấn luyện, đào tạo về an toàn sinh học trong phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng và được trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng dập dịch.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cán bộ y tế dự phòng phải là đội ngũ “đi trước, đón đầu” mỗi khi có dịch. Những gì mà các cán bộ y tế dự phòng đã và đang làm vì sức khỏe người dân là không thể kể hết.

Chính họ đã đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng, nhất là trẻ em trong việc tránh được bệnh cùng nhiều di chứng nặng nề, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện và các thầy thuốc chữa bệnh trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-hy-sinh-tham-lang-cua-can-bo-lam-cong-tac-y-te-du-phong-89975.html