Những 'họa sĩ' của núi rừng

Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những tri thức bản địa... độc đáo, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình - Loại hình nghệ thuật đó chính là điêu khắc gỗ qua những bàn tay tài hoa, khéo léo của những người 'họa sĩ' đầy chân chất, mộc mạc và nguyên sơ...

Tranh điêu khắc gỗ thể hiện tinh thần yêu nước, đánh giặc của đồng bào Cơ Tu trong kháng chiến. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Tranh điêu khắc gỗ thể hiện tinh thần yêu nước, đánh giặc của đồng bào Cơ Tu trong kháng chiến. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Tuy trải qua những biến động của thời gian, không gian sống và những phong tục, tập quán trong lao động, sản xuất nhưng những tác phẩm điêu khắc gỗ có giá trị về đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, tâm linh, tín ngưỡng của người Cơ Tu vẫn được bảo lưu và giữ gìn qua các thế hệ... Ngày nay, ở các xã vùng cao thuộc các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vẫn còn giữ được loại hình Gươl (ngôi nhà sinh hoạt chung của cộng đồng làng) truyền thống.

Có rất nhiều làng, thôn, bản người Cơ Tu đã khôi phục được Gươl của làng theo đúng kiểu dáng kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, hội họa truyền thống. Đặc biệt, những nghệ nhân Cơ Tu - những người chưa từng học qua một lớp hội họa hay điêu khắc nào nhưng đã tạc, đã “vẽ” nên những bức tượng, bức tranh điêu khắc trên gỗ rất đa dạng và sống động. Với những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ, những người nghệ nhân đã làm cho Gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu - là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa và tri thức bản địa.

Già Alăng Nhấp (xã Gari, huyện Tây Giang) cho biết: “Nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Cơ Tu đã có từ xa xưa và được các thế hệ nối tiếp gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Người Cơ Tu có truyền thống trang trí bằng điêu khắc đủ các thể loại từ hình tượng con người đến các loài vật gần gũi trong cuộc sống và chuyển tải cả những sinh hoạt cộng đồng, hoạt động lao động, sản xuất trên các Gươl của làng. Những bức tranh, bức tượng điêu khắc gỗ được tạo nên từ những nghệ nhân Cơ Tu là niềm tự hào của chúng tôi”.

Đến các huyện miền núi Quảng Nam nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống, khi hỏi về những nghệ nhân điêu khắc Cơ Tu không ai là không biết đến đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người nghệ nhân như Bhriu Pố (xã Lăng, huyện Tây Giang), Katíc (xã A Xan, huyện Tây Giang), Clâu Blao (xã Tr’hy, huyện Tây Giang), Ađa Nhắt (xã A Vương, huyện Tây Giang), Calâu Nhím, Alăng Bleu (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang)... Và không khó để bắt gặp các tác phẩm điêu khắc của họ bởi chúng hiện diện khắp nơi trong từng nếp nhà, trong các Gươl hay các khu nhà mồ...

Các tác phẩm điêu khắc gỗ của những nghệ nhân này là những nét phác họa đơn giản, với những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét, màu sắc... nên những tác phẩm tạo ra cũng rất mộc mạc, nguyên sơ từ chất liệu, ý tưởng đến đường nét, bố cục. Song, điều độc đáo nhất của các tác phẩm là đã phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất... của dân tộc mình.

Thay vì dùng cọ, bút, sơn..., các nghệ nhân Cơ Tu - những người “họa sĩ chân đất” của núi rừng chỉ bằng kinh nghiệm, sự tiếp nối truyền thống và khả năng quan sát thực tiễn với những dụng cụ đơn sơ tự tạo như dao, rựa, rìu, đục và những sắc màu từ thiên nhiên... đã khéo léo đục đẽo nên những bức tượng, bức tranh gỗ đầy màu sắc và cực kỳ sinh động. Đó có thể là những bức tranh gỗ diễn tả những sinh hoạt, lao động, sản xuất, vui chơi thường ngày của người Cơ Tu như: Sàng gạo, giã gạo, múa tung tung-ya yá, đánh chiêng, đánh trống, thổi kèn... trên những bức tranh điêu khắc gỗ dài; hoặc những bức tranh đặc tả các công đoạn của nghề truyền thống của người Cơ Tu như nghề rèn chẳng hạn; hay diễn tả một buổi đi săn của các chàng trai Cơ Tu)...

Đặc biệt, trong các bức tranh điêu khắc gỗ của mình, người Cơ Tu rất thích thể hiện về đề tài chiến cách mạng để truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước của người Cơ Tu; về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do..., hay thể hiện sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí trong việc đối mặt và chống trả lại sự hung bạo của kẻ thù... Đó cũng có thể là tình quân dân khăng khít nơi núi rừng trong những năm tháng kháng chiến ác liệt.

Người Cơ Tu rất hay sử dụng 2 màu chủ đạo để tô lên những bức trang điêu khắc là màu chàm đen - màu của đất (Abhuyh-Catiếc) và màu đỏ - màu của mặt trời (Abhuyh-plêếng). Đây là 2 màu sắc của 2 vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Màu đỏ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt để trang trí trên tượng gỗ...

Ngày nay, đến các bản làng của người Cơ Tu, hình ảnh những già làng, những nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách cầm dao, rìu, đục..., cách pha màu, chọn gỗ để thể hiện những tác phẩm điêu khắc đã trở nên quá quen thuộc. Và điều đáng mừng là hiện nay, trong các hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc miền núi ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thường có nội dung thi điêu khắc gỗ. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng và tổ chức thường xuyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật điều khắc Cơ Tu đồng thời tôn vinh những nghệ nhân dân gian.

Từ những hội thi cũng với sự nhiệt huyết truyền dạy các nghệ nhân và sự đam mê kế thừa của lớp trẻ người Cơ Tu, hy vọng ngày càng có nhiều “họa sĩ” tiếp tục gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu nói chung và nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên gỗ nói riêng.

Lâm Đăng Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-hoa-si-cua-nui-rung-post436713.html