Những hộ nông dân nghèo vươn lên làm giàu

Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều hộ nông dân ở Bạc Liêu từ nghèo khó đã nỗ lực vươn lên khá giả, không ít hộ trở thành tỷ phú, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh...

Mô hình nuôi dê của nông dân xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đem lại hiệu quả cao.

Mô hình nuôi dê của nông dân xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đem lại hiệu quả cao.

Chúng tôi trở lại một số xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Bạc Liêu và trực tiếp đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với nhiều hộ nông dân từ đói nghèo năm xưa, sau nhiều năm quyết tâm làm giàu, hôm nay đã có cuộc sống đủ đầy, từng bước trở nên giàu có.

Chúng tôi đến thăm lão nông Trương Bạch ở xã ven biển Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu). Qua trò chuyện, ông Bạch phấn khởi cho biết: Gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên tại xã vùng biển này trồng cây măng tây. Hiện nay, măng tây là một loại rau sạch và ngon, sang trọng được các nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở Bạc Liêu và khu vực rất ưa chuộng. Sản phẩm rau măng tây của gia đình ông Bạch và một số hộ tại đây hiện sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường. Mấy năm qua, nhất là trong thời gian từ năm 2017 đến nay, mỗi tháng gia đình ông thu hoạch 250 đến 300 kg măng tây, với giá bán từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi từ 120 đến 150 triệu đồng. Từ mô hình của gia đình ông Bạch, hiện nay, tại xã Vĩnh Trạch có hàng chục hộ nông dân trồng măng tây, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Tại ấp Thào Lạng, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, cán bộ, người dân trong xã ai cũng dành lời khen ngợi ông Lâm Hồng Thái, một nông dân năng động, sáng tạo, đã tìm tòi áp dụng thành công mô hình đa cây, đa con khép kín trên diện tích gần 9 ha. Trong đó, gần 7 ha được ông Thái thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mấy năm qua, trong khi nhiều hộ điêu đứng vì tôm nuôi bị bệnh chết hàng loạt, song đối với gia đình ông mỗi năm trừ chi phí thu về từ một tỷ đến 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi gà, vịt, ngỗng, trồng rau màu..., mỗi năm thu lãi từ 180 đến 200 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm Hồng Thái cho biết: Hiện nay, trang trại của ông tạo việc làm ổn định cho sáu đến tám lao động thường xuyên tại địa phương, với mức thu nhập từ năm đến sáu triệu đồng/người/tháng, tùy theo công việc được phân công, từ đó góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Đáng chú ý, ông thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo của xã bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực như tạo việc làm, hỗ trợ vốn, phương tiện phục vụ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm ăn. Cụ thể, đã có 25 hộ nghèo trong xã được gia đình ông Thái giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trở lại huyện vùng sâu Hồng Dân, chúng tôi được lãnh đạo Hội Nông dân huyện giới thiệu đến thăm gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi của ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc. Nhiều năm nay, ông thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm với diện tích mặt nước 1,6 ha chia thành sáu đến tám ao nuôi mang lại hiệu quả cao, mỗi năm đạt lợi nhuận 120 đến 150 triệu đồng... Ông Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: "Chỉ cách đây 10 năm, gia đình tôi và nhiều hộ tại xã vùng sâu huyện Hồng Dân này có cuộc sống nghèo khổ lắm. Đường sá đi lại khó khăn. Nay đường bê-tông, đường nhựa đến tận xã. Nhờ vậy, hàng hóa của nông dân làm ra dễ tiêu thụ, không bị tư thương ép giá như trước. Làm ăn phát triển, nhiều hộ mỗi năm thu lãi 200 đến 300 triệu đồng từ nuôi cá chình. Nhiều hộ nông dân bây giờ khá giả. Vui lắm!...".

Đến huyện Vĩnh Lợi, chúng tôi được lãnh đạo UBND huyện giới thiệu đến thăm mô hình trang trại chuyên nuôi gà của nông dân Lê Văn Cum, được nhiều người gọi là "ông Cum thời @" ở huyện Vĩnh Lợi. Đưa chúng tôi đi thăm chuồng trại đang nuôi gà nòi lai số lượng gần 1.500 con, ông Cum cho biết: Hiện nay, nhu cầu gà thương phẩm trên thị trường Bạc Liêu khá lớn, giá bán cao, ổn định (65 đến 70 nghìn đồng/kg) cho nên người chăn nuôi gà theo hình thức này sẽ có thu nhập cao, đời sống kinh tế ổn định. Hiện nay, số lượng đàn gà đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg/con chiếm khoảng 80%, tổng sản lượng ước khoảng hơn 2 tấn. Năm 2017, gia đình xuất bán ra thị trường, giá từ 65 đến 70 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi ròng hơn 80 triệu đồng. Năm 2018, dự kiến thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Cum còn kết hợp nuôi thêm heo rừng, rắn hồ ri, trăn, ngỗng..., mỗi năm cho thu nhập ổn định 80 đến 100 triệu đồng.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo của tỉnh mấy năm qua có bước phát triển khá. Toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, thu nhập trung bình mỗi hộ từ 200 đến 900 triệu đồng/năm. Nhiều hộ nông dân mấy năm trước thuộc diện nghèo, đã tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, trong đó nhiều hộ khá giả, không ít hộ trở thành "tỷ phú chân đất vùng quê"... Ngoài ra, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Bạc Liêu còn thực hiện khá tốt việc phối hợp các ngành, đơn vị như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét cho gần 1.000 hộ vay vốn, với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng, nâng tổng số gần 6.000 hộ vay vốn, với tổng dư nợ hơn 425 tỷ đồng. Mặt khác, mấy năm qua, Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, xét cho hơn 16.000 hộ vay vốn, với tổng dư nợ hiện nay gần 400 tỷ đồng...

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam, vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh có nơi, có lúc chưa thật sự rõ. Các mô hình làm ăn giỏi của nông dân trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, chưa được nhân rộng và có sức lan tỏa. Số lượng hội viên nông dân trong tỉnh khá đông, nhưng chất lượng chưa đồng đều... Vì vậy, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thời gian tới cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội là: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn dịch vụ cho nông dân; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Có như vậy vai trò của Hội Nông dân tỉnh mới thật sự rõ nét, các hộ nông dân càng gắn bó với tổ chức Hội Nông dân hơn...

Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/39244802-nhung-ho-nong-dan-ngheo-vuon-len-lam-giau.html