Những hộ dân 'bám trụ' hồ thủy điện Bản Vẽ: Lời giải nào cho 'bài toán tái định cư ngược'?

Cuộc sống ở khu tái định cư gặp nhiều khó khăn, vấn đề đền bù đất đai trước đó lại chưa thỏa đáng, trong khi nơi ở cũ đã gắn với tập quán, sinh hoạt của các hộ dân. Cũng dễ hiểu khi người dân lựa chọn quay lại 'chốn cũ' dù cuộc sống trong những nếp nhà cheo leo nơi vách núi, giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cực kỳ khó khăn.

Những con số "biết nói"

Dự án thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An) có công suất 320 MW, tổng vốn đầu tư 7.781 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004, đưa vào vận hành từ năm 2010. Thời điểm dự án thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, hàng nghìn hộ dân thuộc các xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến phải di dời đến nơi ở mới. Cụ thể 3.022 hộ dân được tái định cư đến các khu tái định cư ở huyện Tương Dương, Thanh Chương; trong đó có 2.127 hộ phải di dời về các khu tái định cư tập trung ở huyện Thanh Chương. Các xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn của huyện Thanh Chương là 2 xã mới thành lập với 100% người dân tái định cư từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chuyển về năm 2009.

Các bản làng nằm bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Các bản làng nằm bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong công tác tái định cư cho đồng bào chưa được giải quyết. Vì lẽ đó, số hộ gia đình “tái định cư ngược” đang ở mức đáng báo động. Hiện có tới 145 hộ (với 513 nhân khẩu) đã quay về sinh sống ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương. Tình trạng này xảy ra nhiều đến nỗi người lái thuyền đưa chúng tôi vào khu vực sinh sống của người dân hôm trước còn tếu táo: “Có những hộ gia đình hôm trước mới bịn rịn rời đi thì chỉ ít lâu sau đã lại thấy dắt díu nhau trở về. Họ còn nói biết thế thà ở lại từ đầu không đi còn hơn”.

Nguyên nhân khiến các hộ quay trở về vùng lòng hồ, như người dân ở đây chia sẻ cũng như theo ghi nhận của chính quyền địa phương, trước hết là do điều kiện sống tại khu tái định cư không đảm bảo. Xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) là 2 xã mới thành lập, cơ sở hạ tầng và những điều kiện khác phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của người dân tái định cư đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay cả 2 xã đều chưa có chợ nông thôn. Tại xã Ngọc Lâm có nhà văn hóa bản Noòng được đầu tư xây dựng từ năm 2005, tuy nhiên lại nằm xa khu dân cư, ở vị trí cao nên việc đi lại, sinh hoạt của người dân khó khăn. Vì vậy, người dân không sử dụng nhà văn hóa này mà phải tận dụng nhà dân để sinh hoạt cộng đồng.

“Còn một nguyên nhân nữa, do việc di chuyển đến khu tái định cư theo từng đợt, nên những người dân đến trước đã chiếm hết đất để trồng keo của những người đến sau. Khi chúng tôi phản ánh thì những hộ dân này hứa thu hoạch xong lứa keo sẽ trả. Nhưng cây keo để thu hoạch được cũng ít nhất 3 năm. Trong 3 năm đó, chúng tôi biết làm gì để sống?”, ông Chương Xuân Tần (dân tộc Thái, nguyên Trưởng bản Kim Hồng cũ) cho biết.

Những ngôi nhà của bà con dân bản nằm cheo leo trong rừng sâu

Có một bất cập lớn nữa - cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho các hộ tái định cư quay trở về nơi cũ để làm ăn. Đó là việc dự án thủy điện Bản Vẽ thực hiện di dân tái định cư từ năm 2005 đến năm 2009, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 22/199/CP ngày 22/07/1998, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ; trong đó, phần diện tích trên cốt ngập không quy định được bồi thường, hỗ trợ. Do đó, trong quy hoạch không có phần diện tích này và trong tổng mức kinh phí bồi thường được duyệt cũng không có nội dung này. Tuy nhiên, từ ngày 1/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; trong đó có quy định về việc bồi thường đất đối với hộ có đất trên cốt ngập phải di chuyển về nơi ở mới xa nơi ở cũ. Vì vậy, người dân tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ đã so sánh và lấy lý do quay về vùng lòng hồ (nơi ở cũ) là do chưa được bồi thường hỗ trợ đất sản xuất trên cốt ngập.

Đồng bộ nhiều giải pháp để người dân sớm ổn định cuộc sống

Cuộc sống của người dân khi trở lại vùng lòng hồ rất khó khăn, song đối với chính quyền địa phương cả ở nơi cũ và nơi mới, đây cũng là một vấn đề không hề đơn giản.

Do ở khu tái định cư mới không có đất nên nhiều hộ dân lại quay trở về "chốn cũ"

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện Tương Dương, Nghệ An, cho biết, áp lực lớn nhất cho địa phương là quản lý đất đai, quản lý xã hội trên địa bàn. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy rừng trên khu vực lòng hồ, nhất là khi người dân trở về không sống tập trung mà lại chia thành nhiều cụm nhỏ.

“Huyện sẽ kiên trì tiếp tục vận động người dân về lại khu tái định cư. Huyện cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương xác định lại đất đai, bồi thường cho bà con trước đây đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con được thụ hưởng chính sách đất đai. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân về đất đai”, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nói.

Trong khi đó, mới đây, ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cùng đoàn công tác đã vượt hàng trăm cây số vào tận nơi ở của những người dân ở lòng hồ Bản Vẽ để vận động. Tại đây, ông đã lắng nghe ý kiến cũng như tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân. Ông cũng chia sẻ với bà con, việc rời đi sang một nơi ở mới sau nhiều năm sinh sống tại đây là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, ông Thanh đã phân tích những mặt tích cực, những thuận lợi nếu bà con quay lại, chuyển xuống để “an cư lạc nghiệp” cùng bà con làng xóm tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn.

Với tư cách là người đại diện cho cấp chính quyền của huyện Thanh Chương, ông Thanh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân về định cư tại nơi ở mới, trong đó, một số vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng được ông chia sẻ ngay tại buổi trao đổi. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được sử dụng nguồn vốn đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ để đầu tư xây dựng các hạng mục cần thiết, như: Đài tưởng niệm liệt sĩ, chợ nông thôn, sân vận động của 2 xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương); đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản Noòng, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương); đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, huyện Tương Dương; đầu tư xây dựng khu tái định cư mới cho 46 hộ thuộc khu tái định cư Khe Ò tại vị trí khu mặt bằng công trường cũ mà chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng, hiện nay đang làm thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Về vấn đề đất đai tại cũng như phát triển kinh tế cho người dân, ông Lê Đình Thanh cho biết sẽ cho thực hiện rà soát những nội dung mà người dân phản ánh để có giải pháp cụ thể, đồng thời cam kết, cán bộ địa phương tại cấp xã, cấp huyện sẽ trực tiếp cầm tay chỉ việc để đảm bảo người dân khi chuyển xuống nơi ở mới không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn có thể phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Chính quyền địa phương vận động bà con về nơi ở mới

Sống trong cảnh biệt lập, nghèo khổ và cả hiểm nguy, những hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đang phải đánh cược cuộc sống của mình vào lựa chọn “đi hay ở”. Chia tay ông Tần, chúng tôi nhìn nhau khẽ lắc đầu ngao ngán khi nghĩ về quãng đường trở ra để về với phố phường đô hội. Mong rằng, những giải pháp của chính quyền đưa ra sẽ thực sự hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân, để những người như ông Tần, chị Hà có thể mạnh dạn rời bỏ nơi mình đã gắn bó nhiều năm tới ổn định nơi vùng đất mới. Nếu những mong muốn đó vẫn còn xa vời thì ít nhất, chúng tôi hy vọng con đường đến với cái chữ của những em nhỏ nơi đây sẽ không còn phải lấm lem bùn đất như bây giờ nữa.

Đình Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/nhung-ho-dan-bam-tru-ho-thuy-dien-ban-ve-loi-giai-nao-cho-bai-toan-tai-dinh-cu-nguoc-post64941.html