Những hình phạt cực nghiêm khắc ở nước ngoài đối với lái xe say rượu gây tai nạn

Mặc dù các nước đều có khuyến cáo khi đã uống rượu bia thì không lái xe, nhưng mỗi quốc gia lại có các quy định khác nhau về nồng độ cồn trong máu và mức phạt khác nhau, thậm chí là rất nặng.

Trên thế giới đang tồn tại song song hai chỉ số đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Việc sử dụng chỉ số nào hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Ngoài ra cũng có quốc gia sử dụng song song cả hai chỉ số.

Chỉ số BAC (Blood alcohol concentration) hay còn gọi là chỉ số nồng độ cồn trong máu, thường được sử dụng trong đo đạc y tế. BAC dựa trên tỉ lệ phần trăm lượng cồn trong máu, ví dụ 0,1% tương đương với 0,1 g cồn trong 0,1 lít máu. Do tính phức tạp trong đo lường, việc thực hiện đo BAC thường diễn ra tại bệnh viện hoặc trạm cảnh sát có thiết bị thích hợp.

Chỉ số BrAC (Breath alcohol content) hay còn gọi là chỉ số nồng độ cồn trong hơi thở. Đối với chỉ số này, mức đo chính xác nhất có thể thu được vào thời điểm 10 phút sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Còn nếu đo ở thời điểm trước hoặc sau 10 phút sẽ khiến kết quả trở nên không chính xác. Ưu điểm của chỉ số này nằm ở khả năng dễ dàng đo được trên đường với thiết bị cầm tay gọn nhẹ. Mỗi quốc gia có quy định khác nhau về mức độ cồn cho phép và mức xử phạt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Trung Quốc: Chỉ số BAC đo được ở mức trên 0,02% và dưới 0,08%, người lái xe sẽ bị phạt 1.000-2.000 NDT (tương đương 3,3-6,6 triệu đồng) cùng với sáu tháng treo bằng lái. Nếu BAC trên 0,08%, người lái sẽ bị phạt tới ba năm tù giam cộng với việc bị treo bằng lái vĩnh viễn.

Tôn Vĩ Minh là trường hợp lái xe say rượu bị xử phạt nặng nhất ở Trung Quốc và trên thế giới. Về truyền thống, lái xe trên các đường phố Trung Quốc với nồng độ cồn cho phép là 0,02 gram/ milimeter máu và vượt qua mức đó là bị phạt với mức phạt tù ngắn hạn hoặc tạm thời bị treo bằng lái xe.

Tuy nhiên, quy định này đã thay đổi thời gian gần đây khi một tòa án ở Trung Quốc đã tuyên án lái xe Tôn Vĩ Minh mức án tử hình vì gây tai nạn trong tình trạng lái xe không tỉnh táo và làm 4 người thiệt mạng.

Tôn Vĩ Minh đã kháng cáo và sau đó nhận bản án tù chung thân. Vụ án này đã khiến cho Trung Quốc trở thành quốc gia có hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn.

Tại Đài Loan: Trên 0,05% BAC hoặc 0,15 mg/l BrAC và dưới 0,11% BAC sẽ khiến người lái bị phạt 15.000-90.000 TWD, treo bằng lái trong một năm. BAC ở mức cao hơn 0,11%, phạt tù hai năm cho tội danh gây nguy hiểm cho cộng đồng. Trong trường hợp lái xe gây tai nạn dưới ảnh hưởng của cồn, mức phạt cao nhất cho người vi phạm là tử hình.

Tại Ấn Độ: Mức BAC tối đa cho phép nằm dưới 0,03%, cao hơn 0,03% sẽ khiến người lái bị phạt tới sáu tháng tù giam cộng với khoản phạt 2.000 rupees (tương đương 630.000 đồng). Trong vòng ba năm, nếu người lái tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tù tới hai năm cộng khoản tiền 3.000 rupees (khoảng 950.000 đồng).

Tại Canada: BAC với mức đo cao hơn 80 mg/100 ml máu cộng với việc chống đối lệnh thi hành công vụ sẽ khiến người lái bị khép vào tội hình sự với mức án xét xử tùy trường hợp, cộng với khoản phạt tối thiểu là 50 CAD (khoảng 900.000 đồng).

Mặc dù án phạt tù đối với tội lái xe trong khi say rượu ở Canada là rất hiếm hoi, nhưng các mức phạt tiền thì rất nặng. Vụ phạt tiền lớn nhất tại Canada có lẽ là trường hợp của đội trưởng đội Lá phong Toronto khi anh gây tai nạn và làm chết một hành khách tên là Keith Magnuson của câu lạc bộ Chicago Black Hawks.

Người đội trưởng này đã bị phạt 4 năm tù và công ty cho thuê xe hơi mà anh thuê đã phải bồi thường cho gia đình Magnusson khoản tiền 9,5 triệu USD vào năm 2003.

Tại Mỹ: Theo quy định chung của toàn liên bang, mức độ cồn cho phép khi tham gia giao thông là BAC ở mức dưới 0,08%. Mức độ xử phạt sẽ tùy thuộc vào luật pháp các bang quy định.

Bang Ohio cũng là một trong số các bang tại Mỹ có hình phạt rất nặng đối với những lái xe không tỉnh táo. Đó là trường hợp của Jess Brown, người đã phải nhận bản án 16 năm tù sau khi nhận tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Theo luật liên bang tại Mỹ, việc đình chỉ giấy phép lái xe tuân theo các quy trình hình sự độc lập và có thể thu hồi giấy phép lái xe ngay sau khi bị bắt.

Có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm trước quyết định của tòa án nhằm đảo ngược tình hình hoặc gỡ bỏ các lệnh cấm đối với các cá nhân. Bang Alabama lập kỷ lục về số vụ lái xe bị bắt khi lái xe trong tình trạng say rượu với khoảng 15.000 vụ mỗi năm.

Chi Chi (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nhung-hinh-phat-cuc-nghiem-khac-o-nuoc-ngoai-doi-voi-lai-xe-say-ruou-gay-tai-nan-66349-5.html