Những hiểu nhầm về nước khoáng

Hiện nước khoáng thiên nhiên khá quen thuộc và ngày càng phổ biến, không chỉ giúp giải khát mà còn bổ sung các khoáng chất cần thiết mỗi ngày cho cơ thể. Tuy nhiên, có không ít hiểu nhầm về loại nước uống này, theo bác sĩ CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam.

Nước khoáng thiên nhiên không chỉ giúp giải khát mà còn bổ sung các khoáng chất cần thiết mỗi ngày cho cơ thể.

Nhầm tưởng nước khoáng tương tác thuốc

Gần đây, có thông tin cho rằng nước khoáng có thể gây tương tác nếu dùng để uống thuốc. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác.

Bởi lẽ, về bản chất hầu hết các loại nước đạt tiêu chuẩn quy định dùng để uống hàng ngày đều phải có chứa một hàm lượng khoáng chất nhất định. Việc các khoáng chất này có tương tác với thuốc đang dùng hay không phải căn cứ dựa trên hàm lượng của từng loại khoáng chất cũng như đặc tính của từng loại thuốc.

Chẳng hạn, bisphosphonate là thuốc thường được kê toa cho các bệnh nhân loãng xương. Theo kết quả của một nghiên cứu trên chuột trong phòng thí nghiệm, sinh khả dụng thuốc (sự hấp thu thuốc) bị giảm khi được dùng chung với nước uống có hàm lượng canxi cao. Vì thế, bác sĩ khuyến nghị không uống thuốc này với những loại nước khoáng có hàm lượng canxi cao (từ 80mg/ lít trở lên). Phần lớn nước khoáng trên thị trường là nước khoáng nhẹ, có hàm lượng canxi thấp (dưới 20mg/lít).

Nguồn nước tự nhiên như nước khoáng,… là nguồn nước tốt cho sức khỏe vì ngoài nước còn cung cấp thêm chất khoáng cho cơ thể. Những nguồn nước tự nhiên được đánh giá là có chất lượng tốt nếu có tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (TDS) trên 100mg/lít và dưới 500mg/lít. Nước khoáng hàm lượng thấp (total dissolved solids TDS <500mg/lít) không chỉ giúp cơ thể bù đắp lượng nước hao hụt trong quá trình vận động mà còn cung cấp thêm lượng chất khoáng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Nước khoáng được phân loại chủ yếu dựa và các thông số vật lý như pH, nhiệt độ và độ cứng. Theo cách này sẽ có nước khoáng acid, nước khoáng kiềm, nước khoáng cứng, nước khoáng mềm, cứng và rất cứng. Tùy theo lượng và loại chất khoáng chủ yếu mà có nhiều loại nước khoáng tự nhiên khác nhau như nước khoáng bicarbonate, nước khoáng sulfate, nước khoáng chloride, nước khoáng calcium, nước khoáng magnesium, nước khoáng fluoride, nước khoáng sodium … Khi sử dụng nước khoáng nên xem kỹ các thông tin về lượng và loại chất khoáng có trong nước vì mỗi loại đều có hàm lượng chất khoáng riêng.

Loại hàm lượng khoáng vài trăm mg/lít được coi như nguồn cung cấp nước giải khát cho cơ thể; loại hàm lượng chất khoáng trên 1.000mg/lít được xem là nước khoáng trị bệnh. Khi sử dụng nước khoáng trị bệnh thường phải có ý kiến của bác sĩ và không được bán phổ biến tại các cửa hàng bên ngoài.

Nước khoáng thiên nhiên có hàm lượng khoáng vài trăm mg/lít được xem là nguồn cung cấp nước giải khát cho cơ thể.

Nước khoáng thiên nhiên có hàm lượng khoáng vài trăm mg/lít được xem là nguồn cung cấp nước giải khát cho cơ thể.

Hiểu nhầm thường thấy: Uống nước khoáng hàng ngày gây sỏi thận

Không ít người cho rằng uống nước khoáng thiên nhiên sẽ gây ra sỏi thận. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược với quan niệm này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng uống đủ nước và nước khoáng thiên nhiên có canxi (Ca+) mỗi ngày sẽ hạn chế sự xuất hiện của sỏi thận nhờ cung cấp đủ nước giúp thận hoạt động hiệu quả, giảm hiện tượng tăng oxalate niệu.

Có nhiều loại sỏi thận với thành phần và cơ chế mắc bệnh khác nhau, trong đó, bệnh sỏi thận có thành phần canxi oxalate là phổ biến nhất. Sỏi thận hình thành khi nước tiểu bão hòa quá mức với canxi oxalate, thường có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường.

Khuyến nghị chế độ ăn uống giúp ngăn ngừa sỏi thận là:

· Đảm bảo uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, chia làm nhiều lần

· Cung cấp đủ lượng canxi để đạt mức khuyến nghị 1.000mg/ ngày

· Giảm tiêu thụ muối NaCl (<5g/ngày)

· Không ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein (hàng ngày chỉ nên ăn khoảng 1,2 g protein cho mỗi kg thể trọng)

· Hạn chế thực phẩm giàu oxalate và đồ uống có đường

Nước rất cần thiết cho sự sống và nước khoáng có nhiều lợi ích với sức khỏe trong các điều kiện sinh lý và bệnh lý khác nhau. Nước tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể, vì nước đóng vai trò là chất vận chuyển các chất dinh dưỡng, dung môi cho các phảu ứng hóa học trong cơ thể, bài tiết các sản phẩm và loại bỏ chất thải và chất độc, nước giúp bôi trơn các khớp, màng trong cơ thể và cung cấp hỗ trợ cấu trúc cho các mô và khớp.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-hieu-nham-ve-nuoc-khoang-post1338028.tpo