Những hiểu lầm và thắc mắc phổ biến của người Việt về lễ Giáng sinh

Những điều có thể bạn chưa biết về Giáng sinh.

1. Noel hay Christmas?

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam còn hay được gọi là 'Nô-en'. Vì vậy khi nói tiếng Anh, người Việt cũng có xu hướng dùng từ 'Noel' để chỉ Giáng sinh.

Người Việt hay dùng từ 'Noel' có thể là xuất phát từ 'Noël' trong tiếng của tiếng Pháp.

Tuy nhiên, người bản xứ các nước nói tiếng Anh không còn dùng từ này nữa.

Quả thực 'Noel' trong tiếng Anh cũng có nghĩa là Giáng sinh, nhưng nó là một từ rất cũ. Có thể bạn vẫn còn nhìn thấy nó trong các bài hát hay những món đồ trang trí Giáng sinh.

Nhưng ngày nay chắc chắn người nói tiếng Anh không ai còn dùng 'Noel' nữa. Họ chỉ gọi Giáng sinh là 'Christmas' mà thôi.

Vì vậy khi nói chuyện với người Anh, Mỹ thì nhớ dùng từ 'Christmas' thay vì 'Noel' nhé.

2. Đi chơi dịp Giáng sinh?

Nhiều người Việt nghĩ rằng vào dịp Giáng sinh, người nước ngoài thường ra ngoài đi chơi (như cách người Việt đón Giáng sinh hiện nay).

Trên thực tế, nhìn chung thì tập quán Giáng sinh của nước ngoài khá giống với Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Tức là mọi người đi thăm họ hàng người thân, quây quần bên gia đình, ăn uống và trao quà cho nhau.

3. Lễ Giáng sinh rơi vào ngày nào?

Không biết vì sao nhưng nhiều người Việt thường tưởng rằng Giáng sinh rơi vào ngày 24/12. Nhưng 24/12 chỉ là 'Christmas Eve' mà thôi.

Và 'eve' là một từ tiếng Anh cũ, có nghĩa là 'ngày trước một sự kiện nào đó'. Vào Christmas Eve, người nước ngoài vẫn có những hoạt động mừng Giáng sinh như thăm họ hàng, ăn uống tiệc tùng với gia đình, tham gia nghi thức ở nhà thờ hoặc ở một số quốc gia như Đức, Phần Lan, Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc thì họ thường tặng quà cho nhau đêm 24.

Nhưng ngày 25/12 mới là 'Christmas Day', ngày mà trẻ em nước ngoài mong ngóng cả năm trời.

4. X trong Xmas nghĩa là gì?

Chắc bạn cũng thường thấy những tấm thiệp có ghi lời chúc 'Merry Xmas'. Nhưng X trong 'Xmas' có nghĩa gì và tại sao nó lại được dùng để thay thế cho 'Christ' (Thiên Chúa)? Và từ này phải đọc là /ˈkrɪsməs/ hay /ˈeksməs/?

Nguyên văn Hy Lạp của chữ 'Christ' là 'Χριστός' (Christos) (đọc là kri-s-tó-s). Vì chữ 'chi' trong tiếng Hy Lạp nhìn giống 'X' trong tiếng Anh nên Christmas mới được viết tắt là Xmas.

Ngày nay, khi người ta bắt đầu bàn tán về tính thương mại hóa quanh ngày lễ Giáng sinh, thì 'Xmas' lại bị cho là có liên quan mật thiết với sự thương mại hóa này. Có người đã trả lời trên kênh BBC về ý nghĩa của lễ Giáng sinh rằng, 'Đã đến lúc cần tách ngày hội tôn giáo Christmas ra khỏi mùa thương mại Xmas'

Không có gì lạ khi một số người viết 'Xmas' bởi vì họ quá bận và lười nên không thể viết cả từ ra, cũng có một số người do hiểu sai mà coi đó là cách viết để né tránh phải viết từ 'Christ'.

Và chắc chắn cũng có động cơ thương mại khi 'XMAS' được kẻ trên những tấm biển quảng cáo bởi vì nó sẽ bắt mắt hơn mà cũng chỉ chiếm một khoảng trống như vậy.

Nhưng tất cả những nhân tố này không hề làm mất đi nguồn gốc 'Thiên Chúa' của từ 'Xmas'.

Việc dùng các từ viết tắt làm biểu tượng cho Thiên Chúa đã có lịch sử rất lâu trong nhà thờ. Những chữ cái trong từ 'Christ' theo tiếng Hy Lạp, hay những chữ viết tắt các tên khác nhau của Chúa Jesus đã sớm trở thành biểu tượng của Thiên Chúa và Thiên Chúa giáo.

Chữ 'chi' trong tiếng Hy Lạp

Ví dụ, hai chữ cái đầu tiên trong từ 'Christ' (cristoV, hay trong phiên bản cổ hơn là CRISTOS) là các chữ Hy Lạp chi (c hay C) và rho (r hay R) đã được sử dụng trong nhà thờ từ xưa để tạo thành chữ lồng chi-rho.

Không ai biết chắc chắn việc thay thế từ 'Christ' bằng một chữ 'X' có nguồn gốc chính xác từ bao giờ. Một số người cho rằng nó bắt đầu vào thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên cùng với những ký hiệu khác, một số khác lại nghĩ là nó được sử dụng rộng rãi vào thế kỷ 13 cùng với nhiều chữ viết tắt và ký hiệu khác thay cho Thiên Chúa giáo và nhiều tư tưởng của Thiên Chúa phổ biến từ thời Trung cổ.

Tuy nhiên, cả hai suy đoán này đều không tìm được những bằng chứng xác thực.

Cho đến thế kỷ 15, 'Xmas' đã xuất hiện như một ký hiệu được sử dụng rộng rãi thay cho 'Christmas'. Vào năm 1436, Johannes Gutenberg phát minh ra máy in loại dịch chuyển được.

Vào những ngày đầu, việc sắp chữ in được tiến hành bằng tay, rất buồn tẻ và đắt đỏ. Và kết quả là những từ viết tắt trở nên phổ biến.

Trong các sách báo tôn giáo, nhà thờ bắt đầu sử dụng chữ viết tắt 'X' thay cho từ 'Christ' để giảm bớt chi phí xuất bản sách và sổ tay.

Từ đấy, chữ viết tắt này cũng được sử dụng chung trong các tạp chí và sách báo khác, và 'Xmas' trở thành một cách viết được chấp nhận để in từ 'Christmas', cùng với những từ viết tắt khác là 'Xian' (Christian) and 'Xianity' (Christianity).

Như vậy, việc dùng 'Xmas' thay cho 'Christmas' không phải là ý đồ nhằm làm giảm bớt ý nghĩa tôn giáo, cũng không phải là công cụ mới phát minh để thúc đẩy việc kinh doanh trong mùa lễ hội. Nó có nguồn gốc sâu xa từ di sản của Giáo hội, và là một cách viết khác của 'Christmas'.

Thực ra, giống như những chữ viết tắt khác được dùng trong văn nói hay viết, chẳng hạn như 'Mr' (ông/ngài) hay 'etc.' (vân vân), từ viết tắt 'Xmas' vẫn nên được đọc như khi được viết đầy đủ là 'Christmas' /'krisməs/ chứ không phải là /'eksməs/.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/nhung-hieu-lam-va-thac-mac-pho-bien-cua-nguoi-viet-ve-le-giang-sinh-d2489.html