Những hiệp sĩ cây xanh

Trong những ngày miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm, thay vì đăng status than vãn trên facebook, có những thanh niên thầm lặng trồng cây và lan tỏa lối sống xanh đến với cộng đồng. Cộng đồng mạng gọi họ là những hiệp sĩ của cây xanh.

Nhóm Hạnh Phúc Xanh đã trồng 5.000 cây dương liễu tặng Hội An. Ảnh: Anh Tuấn

Nhóm Hạnh Phúc Xanh đã trồng 5.000 cây dương liễu tặng Hội An. Ảnh: Anh Tuấn

Trồng 600 cây sấu ở Hà Nội

Từ tháng 5, chương trình Hạnh Phúc Xanh (một chương trình được Dự án Nhà Chống Lũ khởi xướng và thực hiện, với sự đồng tổ chức của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã lập một dự án gây quỹ để trồng 600 cây sấu tại Hà Nội. Chiến dịch “tự cứu lấy môi trường sống của mình” được hưởng ứng khá rộng rãi. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chương trình này đã vận động cả người thân, bạn bè góp quỹ trồng cây.

Anh Đức Hiệp (Hà Nội) cho biết: “Tôi ít khi tham gia các cuộc góp quỹ vận động từ thiện vì hay nghi ngờ hiệu quả của nó. Nhưng khi nghe bạn tôi nói về việc góp tiền để trồng mấy trăm cây sấu ở Hà Nội, tôi đồng ý ngay. Cây ở Hà Nội thiếu quá, những ngày vừa rồi đi ra đường như đi trên chảo lửa. Vài chục năm trước Hà Nội đâu nóng đến thế, dễ thấy nhất là vì hồi đó nhiều cây hơn. Sắp tới, tôi sẽ gửi tiền lần nữa vì nghe đâu các bạn gây quỹ phải gia hạn thời gian đóng góp vì vẫn chưa gom đủ tiền”.

Theo như giải thích của chương trình Hạnh Phúc Xanh, sở dĩ chọn cây sấu vì loại cây này vừa có thể trồng làm rừng phòng hộ chống xói mòn đất, vừa làm cây che bóng mát, tạo cảnh quan, vừa được trồng làm cây ăn trái, lấy gỗ.

Trước đó, nhóm đã có khảo sát cụ thể và chọn xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội làm địa điểm trồng cây. Hiện nay, tại xã Phương Tú, có nhiều đoạn đường hoàn toàn trống cây. Người dân, học sinh phải đi qua những đoạn đường đó vào ngày nắng được ví như phải “vượt tường lửa”.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội), một thành viên tích cực vận động quỹ trồng cây chia sẻ: “Tôi không nghĩ việc mình đóng góp chút tiền để trồng một cái cây sẽ thay đổi được điều gì, hay có ích gì cho cuộc sống của mình cho đến khi được xem một bộ phim tài liệu về ông Jadav Payeng người Ấn Độ. Người đàn ông nghèo này đã thầm lặng đem cây đến những nơi khô cằn nhất để trồng trong suốt 37 năm qua và kết quả nhận được thật ngoài sức tưởng tượng. Những khu rừng thay thế cho hoang mạc. Tôi nghĩ, làm được như thế ở Việt Nam thì hay quá”!

Đổi giấy lấy cây được hưởng ứng rộng rãi

Từ giấy, ngày nay mọi người có thể đổi cả nhựa, rác điện tử... lấy cây

Em Nguyễn Linh Chi (học sinh trường THCS Thanh Xuân) kể: “Em tìm thấy thông tin mọi người quyên tiền trồng sấu trên facebook. Em đã đập lợn và góp cho quỹ 1 triệu đồng. Bố mẹ em rất ủng hộ việc này. Hy vọng mười năm sau em đến xã Phương Tú sẽ thấy những hàng sấu đã lên cao, xanh mát”.

Đây không phải lần đầu tiên chương trình Hạnh Phúc Xanh gây quỹ trồng cây cho cộng đồng. Trước đó, vào cuối tháng 10 năm ngoái, nhóm đã trồng tặng Hội An 5.000 cây dương liễu phòng hộ tại bờ biển Cửa Đại.

Đổi giấy lấy cây

Dự án Đổi giấy lấy cây (Green Life) đến nay đã được gần 10 năm, ban đầu xuất phát từ một nhóm học sinh, sinh viên, dần dần nó đã lan thành phong trào được hưởng ứng rộng rãi trong giới trẻ, giới trí thức và các nhóm cộng đồng sống xanh.

Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chỉ cần mang theo 3kg giấy vụn để đổi lấy một cây xanh để bàn, trang trí nhà cửa. Những người khởi xướng chương trình này cho biết, chỉ trong ngày đầu diễn ra sự kiện đã có gần 10.000 kg giấy vụn được đưa đi tái chế.

Dần dần khi Đổi giấy lấy cây được lan truyền rộng rãi, những người tổ chức đã đồng thời quyên góp sách, truyện để xây dựng những tủ sách miễn phí cho trẻ em vùng cao. Gần đây nhóm còn mở rộng phạm vi “rác”, không chỉ giấy, hiện nay rác đổi cây còn có thể là nilon, rác điện tử bao gồm: máy vi tính CPU, laptop, màn hình TV, máy in, máy fax, máy scan, điện thoại di động, máy tính bảng, DVD, VD, máy nghe nhạc CD, máy ảnh, máy quay phim và pin điện tử các loại...

Người tham gia từ lớp trẻ hiện nay đã có cả người già, trẻ em và người nước ngoài.

Anh Minh Tiến (người có thâm niên tham gia Đổi giấy lấy cây) đã phân loại ba thùng giấy khác nhau ngay trong văn phòng, để đựng giấy photo và bìa. “Mỗi sáng đến công ty tôi lại xem hai thùng đựng giấy, bìa này có thêm tí nào không. Ngóng trông nó lớn dần như trồng cây vậy. Một cảm giác rất thích thú”. Anh Tiến chia sẻ.

Trong tháng 6, thương hiệu sách Thái Hà cũng lấy chương trình này làm “đinh” trong sự kiện kỷ niệm 12 năm thành lập. Theo đó, ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khách hàng của Thái Hà book đều có thể mang theo giấy vụn, nhựa, vỏ lon, vỏ hộp sữa... để đổi cây.

Anh Hoàng Quý Bình, người sáng lập chương trình Đổi giấy lấy cây cho biết: mỗi tháng Green Life thu được hơn 5 tấn giấy qua sự kiện Đổi giấy lấy cây. Nếu tái chế 5 tấn giấy, chúng ta có thể tiết kiệm được 85 cây xanh, 130 mét khối nước, 1.590 lít dầu và khoảng 20.000KW điện. Chưa kể số truyện và sách giáo khoa gửi đi cho các điểm trường. Số tiền thu được từ việc bán giấy sẽ dùng để mua thêm cây, còn lại để duy trì các dự án Green Life, thư viện sách cộng đồng D Free Book, Câu lạc bộ dạy học tình nguyện Ngày mai tươi sáng.

“Nếu có thêm kinh phí, chúng tôi sẽ chế tạo ra một cái máy có thể tái chế vỏ lon, chai nhựa, hoặc túi nilon thành những vật dụng hữu ích như dụng cụ hót rác, chậu cây hay các sản phẩm trang trí”, anh Bình nói thêm.

Trạm giải cứu cây xanh

Vẫn là chương trình Hạnh Phúc Xanh, mới đây, sau nhiều chia sẻ về bảo vệ cây của các cá nhân, Trạm giải cứu cây xanh đã được thành lập. Trạm này dành cho bất cứ ai có nhu cầu “giải cứu” một cái cây. Những trường hợp cụ thể được liệt kê là: Khi bạn xây nhà mới, sửa nhà cũ, dọn dẹp sân vườn, những cái cây cần được chuyển đến nơi trồng mới; khi làm đường mới, những cái cây khỏe mạnh và đã trưởng thành cần được chăm sóc và bảo vệ v.v...

Căn nguyên của cái Trạm đặc biệt này bắt đầu từ câu chuyện của chị Hải Yến - người đã kêu cứu giúp hai cây sấu ở ngõ nhà.

Chị Yến sống ở khu Dịch Vọng, trong một ngõ nhỏ có rất nhiều cây tự mọc hoặc cây người dân ở đây trồng, từ trên dưới 30 năm trước. Khi có dự án mở đường, những hàng cây này có nguy cơ phải chặt bỏ. Chị Yến đã đi hỏi mọi người có ai muốn trồng thì tặng cây, hoặc vườn cây nào muốn lấy cũng cho, để đám cây được sống tiếp ở nơi khác.

Chị Yến kể: “Mọi người quan tâm và muốn giúp cây nhiều lắm. Nhưng có một số nơi thì vì gấp quá và phương án bứng rồi chuyển khó khăn, về cả chi phí lẫn nhân sự và nhiều lý do khác nên cuối cùng đám cây vẫn bị chặt”.

Sau đó chị Yến chia sẻ chuyện này lên trang cá nhân với nhiều tiếc nuối.

Câu chuyện của chị Yến là một gợi ý để chương trình Hạnh Phúc Xanh lập ra Trạm giải cứu cây.

Cụ thể, khi có thông tin hoặc cây cần giải cứu, người mong muốn giải cứu sẽ liên hệ với Hạnh Phúc Xanh và cung cấp thông tin. Hạnh Phúc Xanh sau khi tiếp nhận thông tin sẽ công bố lên chuyên mục của web & page để tìm người có mong muốn cứu cây. Hiện tại, Hạnh Phúc Xanh đã được một Mạnh Thường Quân cho mượn 500m2 đất ở Vườn Karose (Xuân Mai) và tài trợ toàn bộ công chăm sóc bảo quản cho khu vườn Giải cứu cây. Nhóm cũng đang tìm kiếm một nhà tài trợ để có thể nhân rộng mô hình tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội đang thiếu cây xanh

Hiện nay, Hà Nội đang thiếu cây xanh một cách trầm trọng, lượng cây xanh chỉ đứng thấp thứ nhì Đông Nam Á.

Tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị là 2-3m2/người, chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người, nghĩa là cây xanh đô thị ở Hà Nội chỉ bằng 1/5-1/10 tiêu chuẩn thế giới.

(Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng)

Cây xanh bảo vệ cuộc sống của người dân đô thị

Cây xanh có thể làm mát đô thị, giảm 0,5-2 độ C trong những ngày hè nóng nực. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhiệt độ tăng thêm 1 độ C trong làn sóng nhiệt sẽ dẫn đến 3% hoặc nhiều hơn nguy cơ tử vong.

(Theo Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam)

ĐẠT NHI

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/nhung-hiep-si-cay-xanh-1431607.tpo