Những hiện vật lịch sử gắn với mốc son Cách mạng Tháng Tám

Nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý hiếm in đậm dấu ấn thời gian đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu đến người xem tại triển lãm 'Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử', khai mạc ngày 18.8.

Li kêu gi ca đồng chí Nguyn Ái Quc kêu gi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đui Nht - Pháp ngày 6.6.1941

Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức.

Trang sử chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc

Tại triển lãm, những hiện vật đặc biệt như bản Tuyên ngôn Độc lập, bộ kèn đồng được ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945, câu chuyện về những chiến sĩ đã hi sinh tuổi thanh xuân để giành độc lập tự do cho Tổ quốc... đã tạo thành những điểm nhấn níu bước người xem. Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu với 3 chủ đề chính: Mùa thu lịch sử, Sức mạnh niềm tin và Tiếp bước vinh quang.

Nội dung "Mùa thu lịch sử" trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Ở phần trưng bày này, người xem sẽ được thưởng lãm bộ sưu tập truyền đơn, báo chí cách mạng phát hành trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; sưu tập các Sắc lệnh, văn bản của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành trong những năm đầu của chính quyền cách mạng; nhóm hiện vật của bà Lê Thi, một trong hai người phụ nữ kéo cờ tại lễ Độc lập ngày 2.9.1945; đặc biệt là hai tấm bằng Huân chương Độc lập hạng Nhất của Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ.

Khách tham quan nghe thuyết minh về triển lãm

Chủ đề “Sức mạnh niềm tin” giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Ở chủ đề “Tiếp bước vinh quang”, người xem tiếp tục được gặp nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đáng chú ý ở phần trưng bày này là nhóm hiện vật của các tập thể và cá nhân tiêu biểu đã tham gia xây dựng các công trình trọng điểm của đất nước; tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là nhóm hiện vật Thư cảm ơn và nhật ký của công dân tại các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19, bày tỏ lòng biết ơn và sự tin tưởng Chính phủ và các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế phục vụ tại các điểm cách ly do Quân đội tổ chức.

Những khoảnh khắc lịch sử

Hiện vật trống được dùng phát lệnh khởi nghĩa trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931

Thượng tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh, 75 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Triển lãm giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử như Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi Nhật - Pháp, ngày 6.6.1941; Bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945; sưu tập báo được phát hành từ năm 1941-1945; bộ sưu tập vũ khí thô sơ tự vệ gồm gươm, giáo, mác, kiếm… của nhân dân sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập; Trống - Tỉnh ủy Nghệ An dùng phát lệnh khởi nghĩa trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931...

Bên cạnh những tư liệu, hiện vật quý, triển lãm còn giới thiệu nhiều câu chuyện về những nhân chứng đã có mặt trong khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng 75 năm trước. Trong đó có câu chuyện về bà Lê Thi - người phụ nữ kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Câu chuyện về bà được kể lại trong triển lãm: “Sáng ngày 2.9.1945, đoàn phụ nữ Hàng Bông do bà Lê Thi dẫn đầu đứng ngay ngắn, quần áo chỉnh tề và trang nghiêm. Một cán bộ trong Ban Tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà lên. Khi ấy, bà run lắm nên vẫn đứng yên. Mãi đến khi cán bộ xuống giục bà mới quyết định đi lên. Cùng kéo cờ với bà hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Niềm vinh dự, tự hào đó bà mãi không quên”.

Bên cạnh đó là câu chuyện về vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cũng được kể lại ở cuộc triển lãm. Trước và sau Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông Trịnh Văn Bô là tấm gương tiêu biểu của giai cấp tư sản ủng hộ Đảng, Bác Hồ bằng cả vật chất và tinh thần. Đến nay, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ đã khuất núi, nhưng câu chuyện của ông bà vẫn được lớp cháu con ghi khắc.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thông qua những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện lịch sử, triển lãm “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử” đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

BẢO NGÂN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/my-thuat-nhiep-anh/artmid/478/articleid/32821/nhung-hien-vat-lich-su-gan-voi-moc-son-cach-mang-thang-tam