Những hiện vật độc và lạ trong văn hóa Óc eo

Văn hóa Óc Eo có mặt ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, song chủ yếu tập trung ở khu vực Óc Eo - Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Chỉ riêng ở An Giang đã có 150 di chỉ, tiêu biểu như di chỉ Đá Nổi (huyện Thoại Sơn) với nhiều mộ hỏa táng, di chỉ Ba Thê với hàng loạt dấu vết kiến trúc, cư trú, tháp cổ An Lợi, di chỉ Cô Tô (huyện Tri Tôn), di chỉ Gò Cây Tung (huyện Tịnh Biên)…

Bảo tàng tỉnh An Giang hiện là nơi trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hóa và quá trình phát triển của tỉnh An Giang.

Văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Di chỉ đầu tiên thuộc Văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944.

Từ năm 1983 cho tới nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật và làm làm rõ thêm diện mạo nền văn hóa Óc eo cổ.

Bức Phù Điêu chạm hình Phật và hoa văn nổi thế kỷ V-VI

Hiện vật được tìm thấy của văn hóa Óc Eo rất phong phú, bao gồm nhiều chất liệu và loại hình: gốm, gỗ, đá, vàng, đồng, thiếc, thủy tinh, nhiều di vật mang phong cách Bà la môn giáo,phong cách Phật giáo…

Có khoảng 300 hình ảnh và hiện vật cùng với tài liệu được trưng bày tại Bảo tàng An Giang giú quý khách có thể hình dung ra một trung tâm văn hóa lớn của một đô thị hoành tráng cổ xưa từ hình ảnh mộ táng, tượng, công cụ lao động, sản xuất… của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 7, được khai quật tại khu di tích Ba Thê - Óc Eo.

Bức tượng Phật bằng gỗ, phát hiện năm 1986 tại cánh đồng Giồng Xoài, Thoại Sơn. Tượng cao 2m25, tư thế đứng thẳng trên tòa sen, áo cà sa phủ qua đầu gối. Đỉnh đầu có chớp tròn, tóc xăn mịn màng từng cụm nhỏ, tay trái đưa ngang phía trước như đang giảng kinh, tay phải đã mất.

Tượng Mukha- Linga (thế kỷ V-VII) được phát hiện năm 1986 tại Thoại Sơn, An Giang. Tượng được làm bằng Sa thạch sám. Đây là tượng đá thứ 3 cùng loại tìm thấy ở khu di tích Óc Eo Ba Thê là một biến thể của tượng thần Siva, Ba La Môn.

Đây là một trong nhưng ngôi mộ hỏa táng, có miệng hình phễu vuông cạnh, chung quanh có đắp đất sét, chèn đá khối phía trên, không còn dấu tích gò nổi. Đồ vật chôn theo được đặt dưới hộc hồm các mảnh vàng đá quý... chủ nhân của di tích này là những ngườu theo đạo Bà La Môn.

Những hiện vật đa dạng đã chứng mình rằng cư dân Óc Eo đã có chữ viết, tiền tệ, có hệ thống sản xuất với nhiều ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có thương nghiệp phát triển và đời sống tinh thần phong phú, có sức lan tỏa rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.

Di tích Cột nhà sàn (Thế kỷ V-VI), phát hiện năm 1986 tại cánh đồng núi Choc ( Vọng Đồng, Thoại Sơn). Loại di tích này đã tìm thấy ở Lung Giồng Mé, Giồng Cát và nhiều nơi khác trong vùng đất Tứ giác Long Xuyên.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/nhung-hien-vat-doc-va-la-trong-van-hoa-oc-eo-905158.html